Cần làm gì khi nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

29/02/2024 19:04 GMT+7

Theo các chuyên gia, thời gian qua, số lượng vụ việc nhân viên, thậm chí lãnh đạo các ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng tăng cao. Để tránh thiệt hại, khách hàng cần trực tiếp thực hiện các thủ tục đúng quy trình; không tin tưởng tuyệt đối giao hết tiền, tài sản. Với các nhà băng, phải tăng cường kiểm soát rủi ro, giám sát; đặc biệt là trong khâu quản trị nhân sự.

Lợi dụng khách hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt tạm giam Hà Hải Đăng (35 tuổi, trú P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), nguyên là Giám đốc phòng giao dịch (PGD) Nam Phước, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 14 tỉ đồng, thông qua việc vay mượn tiền để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng.

Qua điều tra của công an, đối tượng Hà Hải Đăng đưa thông tin gian dối cần mượn tiền làm thủ tục đáo hạn ngân hàng cho khách nhưng thực tế là đem đi đầu tư bất động sản kiếm lời, trả nợ cá nhân dẫn đến không có khả năng trả nợ.

Cần làm gì khi nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?- Ảnh 1.

Ngân hàng cần tăng cường thanh tra, kiểm soát trong nghiệp vụ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro cán bộ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

NGUYỆT QUỲNH

Tiếp diễn vụ việc, Công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can liên quan đến vụ việc. Trong số đó có Nguyễn Thiên Ân, là nhân viên phòng giao dịch Nam Phước, cấp dưới của Hà Hải Đăng.

Trước đó, TAND TP.Đà Nẵng tuyên Nguyễn Thanh Quang (42 tuổi, trú tại Đà Nẵng), mức án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo bản án, Quang là cán bộ tín dụng của một ngân hàng có chi nhánh tại Đà Nẵng và được lãnh đạo phòng tín dụng đưa hồ sơ vay vốn của Công ty TNHH Vipplus (do bà Mai Thị K. làm giám đốc) để làm thủ tục. Bằng một số thủ đoạn trong cấp tín dụng, Quang đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 15 bị hại với tổng số tiền hơn 53 tỉ đồng.

Hoặc một vụ khác, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị này đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Vinh (35 tuổi, trú tại P.Phù Đổng, TP.Pleiku), cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chi nhánh Gia Lai khi lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng còn khai nhận thêm đã lợi dụng việc giải ngân qua app đối với số tiền còn trong hạn mức vay chưa được khách hàng rút. Vinh đã lén lút thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản trung gian, sau đó chuyển qua tài khoản cá nhân của mình để chiếm đoạt thêm nhiều tỉ đồng của 6 khách hàng vay vốn.

Không chỉ các vụ đơn lẻ trên, ngay trong các vụ đại án lớn như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đã có hàng nghìn khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền khi quá tin tưởng vào nhân viên ngân hàng. Ngoài sự chủ động giăng bẫy của các nhân viên, lãnh đạo nhà băng thì sự thiếu cẩn trọng, quá tin tưởng vào các đối tượng này khiến khách hàng chịu thiệt hại.

Thực hiện đúng quy trình, không tin tưởng tuyệt đối nhân viên ngân hàng

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện nay chế độ gửi huy động và cho vay của đa số các ngân hàng rất chặt chẽ. Tuy nhiên có những cán bộ ngân hàng tha hóa lừa tiền để sử dụng vào mục đích tư lợi.

Hiện nay, theo ông Long, lừa đảo chủ yếu với tư cách cá nhân. Nếu người bị lừa đảo không cảnh giác, cảnh tỉnh thì cuối cùng sẽ tiền mất tật mang. Bên cạnh đó, mặc dù cơ chế quản lý vay và cho vay tín dụng của ngân hàng khá chặt chẽ nhưng nếu người dân thực hiện không đúng quy trình, đặt lòng tin quá mức vào nhân viên ngân hàng thì rủi ro rất cao.

Từ các vụ việc này, ông Long khuyến cáo, với các ngân hàng khi xảy ra vụ lừa đảo, việc đầu tiên là phải làm việc với các cơ quan chức năng, đặc biệt phía công an để điều tra làm rõ. Tiếp đó, cần đối thoại, đưa ra thông điệp rõ ràng để khách hàng hiểu. Ngân hàng chia sẻ với khách hàng, cùng chung tay giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng giữa các bên. Đồng thời, nâng cao đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật đối với từng nhân viên của mình. Cạnh đó, khi xảy ra vụ lừa đảo cần làm đơn tố giác tới các cơ quan công an.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết các vụ việc lãnh đạo, cán bộ ngân hàng vi phạm luật pháp trực tiếp hoặc gián tiếp như gian dối, tham ô, gian lận tăng lên trong những năm gần đây. Lý do, quy mô nền kinh tế phát triển nhanh và mở rộng, ngành ngân hàng cũng tăng trưởng bùng nổ.

"Trong năm 2023, một hiện tượng rất đáng lo ngại lừa đảo liên quan đến khách hàng của ngân hàng, tài khoản ngân hàng nở rộ. Rủi ro cho ngân hàng trước tiên là về mặt uy tín khi chính cán bộ ngân hàng đáng lẽ là người phải bảo vệ khách hàng thì lại là người gây ra thiệt hại cho khách hàng.

Thứ hai, chứng tỏ một điều sự kiểm soát trong nội bộ ngân hàng vẫn chưa đủ chặt chẽ và có những lỗ hổng để các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Nếu những quy định về bảo mật được thực hiện một cách chặt chẽ nhất, ngay cả về phía khách hàng cũng vậy, không đồng lõa với tội phạm thì việc này không thể xảy ra", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Vẫn theo ông Hiếu ngân hàng cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định liên quan đến giao dịch tài chính. Từ đó, tránh tạo "kẽ hở" để một số cán bộ, nhân viên lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vừa xâm hại quyền lợi của khách hàng, vừa ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính mình.

Cần làm gì khi nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?- Ảnh 2.

Ngân hàng cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định liên quan đến giao dịch tài chính. Từ đó, tránh tạo "kẽ hở" để một số cán bộ, nhân viên lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật...

NGUYỆT QUỲNH

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng đã có nhiều khuyến cáo, yêu cầu các ngân hàng cần thiết lập đầy đủ các phòng, ban chuyên môn theo dõi, tổng hợp và thực hiện đánh giá rủi ro liên quan đến tham nhũng đối với tất cả các hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó nên có các chính sách phòng, chống tham nhũng, thực hiện tuyên truyền, phổ biến đầy đủ rõ ràng cho tất cả các cấp quản lý và nhân viên, khách hàng và đối tác.

Các ngân hàng cần xây dựng các quy chế, quy trình nghiệp vụ của tất cả các hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ luôn mô tả rõ các bước, trình tự thực hiện, thiết kế chốt kiểm soát an toàn mà tất cả các cán bộ nhân viên tham gia đều phải tuân thủ; đồng thời cũng quy định các nội dung cán bộ không được làm để hạn chế các rủi ro trọng yếu, trong đó có bao gồm cả rủi ro tham nhũng, gian lận nội bộ.

Với khách hàng, trước khi giao dịch với ngân hàng cần tìm hiểu thật kỹ các quy định, quy trình và cần thận trọng không nên tin tưởng bỏ qua các bước xác nhận cần thiết để hoàn thành giao dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.