Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn 284

Hoàng Kim
Hoàng Kim
21/07/2023 07:18 GMT+7

Trong lịch sử cải lương, đoàn 284 là một đoàn hát có những điểm khá đặc biệt khiến người ta "nhớ đời". Ngay từ cái tên đã "đặc biệt", cho đến những "sự cố", vai diễn, đều để lại dấu ấn khó quên.

Tháng 2.1984, từ lời mời của một công ty nước ngoài, một đoàn nghệ sĩ đã lên đường sang 5 nước châu Âu biểu diễn (CHDC Đức, CHLB Đức, Pháp, Bỉ, Anh). Sau 1975, mọi việc chưa ổn định mấy, nhất là bang giao với các nước tư bản, tuy nhiên nhà nước cũng mạnh dạn làm một cuộc giao lưu văn hóa.

NSND Bạch Tuyết kể: "Lúc đó ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau là Bộ Công an); và ông Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cùng có mặt trong cuộc họp bàn về chuyến đi. Ông Phạm Hùng nhấn mạnh, chúng ta phải làm sao giới thiệu được tinh hoa văn hóa VN ra thế giới, nên đoàn phải cơ cấu 4 thành phần tuồng, chèo, cải lương, rối nước". Do vậy, Nhà hát Trần Hữu Trang chọn ra 12 nghệ sĩ gạo cội để phụ trách phần cải lương với Bạch Tuyết, Thành Được, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Diệp Lang, Thanh Tòng, Minh Vương, nhạc sĩ Thanh Hải, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà… và vở tuồng mang đi là Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn 284  - Ảnh 1.

Vở Lôi vũ trong chương trình Cánh chim không mỏi của NSND Diệp Lang

H.K

Đầu tiên đoàn diễn ở CHDC Đức, được khán giả kiều bào hoan nghênh nhiệt liệt, vì lâu lắm rồi họ mới gặp lại những nghệ sĩ họ từng yêu mến. Sau đó, đoàn sang CHLB Đức, thì xảy ra vụ bắt cóc làm chấn động cả nước. Cuối cùng, nghệ sĩ Thành Được ở lại Đức, còn toàn bộ anh em nghệ sĩ khác thoát nạn và tiếp tục lưu diễn. Lúc này, bảng phân vai bị rối loạn vì thiếu Thành Được đóng vai Võ Minh Thành. Thế là mọi người phải đưa Thanh Tòng lên thay, còn vai Mẫn Đạt chồng của Kim Anh thì bác sĩ Ngọc Hà đóng thay Thanh Tòng. May là hồi đó tập tuồng rất kỹ, tập suốt mấy tháng, và ai không có vai cũng đến xem bạn bè tập, nên mọi người hầu như ít nhiều đều thuộc tuồng, thuộc vai của nhau, thành ra khi có sự cố thay vai thì cùng nhau tập lại cũng khá nhanh. Bảng dựng mới này vẫn chinh phục trái tim khán giả.

Từ chuyến đi này, nghệ sĩ Ngọc Giàu có thêm vai để đời cô Bảy cán vá duyên dáng lạ lùng. Hồi diễn trong nước thì Ngọc Giàu chỉ phụ trách nhân vật bà Hai Hương, nhưng khi đi nước ngoài không thể quá nhiều nhân sự, Ngọc Giàu tình nguyện đóng kiêm luôn vai cô Bảy giúp việc. Với tính sáng tạo, Ngọc Giàu đâu chịu "để yên" nhân vật, bà suy nghĩ tìm ra cái tay cán vá cho cô Bảy, lập tức trở thành một "danh hài". Quả thật, từ đó Ngọc Giàu chuyển sang diễn hài ngọt lịm, cứ như một phát hiện lạ kỳ trong tài năng của bà.

Sau chuyến đi châu Âu trở về, 12 nghệ sĩ cải lương trong đoàn được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú mà không cần chờ xét duyệt, với lý do đã "anh dũng chiến đấu và giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc". Không những thế, Sở VH-TT TP.HCM còn đề nghị thành lập luôn một đoàn cải lương tập thể lấy tên là đoàn 284 để kỷ niệm tháng 2.1984. Thành phần nghệ sĩ gồm những người đã đi châu Âu và có thêm một số nghệ sĩ khác như Tô Kim Hồng, Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ, Thanh Sang, Tú Trinh, Nguyên Hạnh... Lực lượng rõ ràng quá hùng mạnh.

Đoàn 284 diễn lại Đời cô Lựu vô cùng ăn khách, rồi dựng tiếp Tô Ánh Nguyệt, Lôi vũ, Những vì sao cô đơn… Tô Ánh Nguyệt là dấu son của 284 vì nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy trong vai ông Minh, bà Nguyệt đốn tim khán giả. Bên cạnh đó còn có Hồng Nga trong vai mẹ cô Nguyệt, Diệp Lang vai cha cô Nguyệt, Thoại Miêu vai vợ sau của ông Minh, đều vững vàng tay nghề. Một ê kíp không chê vào đâu được. Lôi vũ cũng xuất sắc với bàn tay đạo diễn của Diệp Lang, và nghệ sĩ Nam Hùng trong vai Chu Phác Viên, Thanh Nguyệt vai Thị Bình, Tô Kim Hồng - Phồn Y, Lệ Thủy - Lỗ Tứ Phượng, Minh Vương - Chu Bình, Diệp Lang - Lỗ Quí, đặc biệt kép trẻ Lương Tuấn được Diệp Lang đẩy lên trong vai Chu Xung có gương mặt trong trẻo và giọng ca ấm áp.

Đoàn 284 ban đầu do ông Thoại Sỹ làm trưởng đoàn, nhưng khoảng 1 - 2 năm sau Diệp Lang lên thay, và Diệp Lang lại tận tụy cống hiến như hồi làm Phó đoàn Sài Gòn 2. Đặc biệt, họa sĩ Văn Tòng có một kỷ niệm sâu sắc với Diệp Lang vì ông đã đưa tên tuổi Văn Tòng lên sáng chói. Hồi đó họa sĩ Lương Đống là bậc thầy thiết kế mỹ thuật cho sân khấu, hầu như các đoàn đều nhờ ông. Nhưng một lần, khi đoàn 284 chuẩn bị một vở thì Lương Đống quá bận, làm không kịp, Diệp Lang bèn giao việc cho Văn Tòng, một người tự nhận là mình "còn tép riu". Nhưng con mắt xanh của Diệp Lang đã không nhầm, từ đó Văn Tòng nổi bật luôn, và hiện nay dù hơn 70 tuổi ông vẫn được giao những công trình lớn trị giá bạc tỉ.

Năm 1986, nghệ sĩ Bạch Tuyết nghỉ đoàn để đi học tiến sĩ. Năm 1990, Lệ Thủy được mời sô tới tấp cũng không còn diễn cho đoàn nữa, và các nghệ sĩ khác cũng bung ra kiếm sống chứ lương của đoàn tập thể thấp quá, vì vậy đoàn ngưng hẳn hoạt động. Nhưng những vở của đoàn vẫn được tái dựng liên tục với nhiều đơn vị khác, nghệ sĩ khác, chứng tỏ một thời vàng son của 284.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.