Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Phước Chung

Hoàng Kim
Hoàng Kim
19/07/2023 07:25 GMT+7

Đoàn Phước Chung thật ra đã được thành lập trước năm 1975, là cơ sở cho các cán bộ nội thành cư trú và hoạt động. Sau 1975, Phước Chung hoạt động trở lại, và là đoàn hát "thấy thương" vô cùng.

Tiền thân của đoàn Phước Chung chính là đoàn Việt kịch Năm Châu của NSND Nguyễn Thành Châu thành lập năm 1948. Hoạt động cho đến 1955 thì Năm Châu ngưng đoàn. Sự thực thì ông Năm Châu đã tham gia cách mạng, được kết nạp Đảng năm 1952, được cài ở lại nội thành để làm công tác dân vận, và nhờ tài năng nghệ thuật mà ông có một vỏ bọc tuyệt vời. Nghệ sĩ Năm Châu là người đa năng, đa tài, đẹp trai, cao ráo, phong nhã, theo đoàn nào cũng làm kép chánh, kép mùi, lại có khả năng viết kịch bản, đạo diễn, quản lý đoàn, nên ông tỏa sáng như một ngôi sao. Việt kịch Năm Châu là sân khấu cải lương nêu rõ chủ trương của nghệ sĩ Năm Châu là "Thật và đẹp" vẫn còn giá trị cho tới ngày nay.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Phước Chung  - Ảnh 1.

Tháng 3.1955, đoàn Việt kịch Năm Châu ra mắt vở Người mặt cháy phỏng theo truyện Tính cách Nga của nhà văn Aleksey Tolstoy, đã được Việt hóa, nội dung ca ngợi tình quân dân, không quên công lao của những người kháng chiến. Vở từng diễn trong quân khu 8, quân khu 9 những năm 1948, 1949, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Nay ông Năm Châu và ông Tư Trang đem ra diễn một vòng tại các huyện Bến Tre và Sài Gòn để thăm dò dư luận, thì báo chí và chính quyền đã chú ý "sờ gáy". Báo chí chia làm hai phe, nhiều tờ khen ngợi, bênh vực, nhiều tờ lại phản bác, tấn công. Cuối cùng chính quyền cấm diễn. Và Việt kịch Năm Châu rã gánh.

Nhưng từ năm 1954 ông Năm Châu đã chuẩn bị một cơ sở mới, mua một trại cưa ở Cầu Bông (Đa Kao, Sài Gòn) đặt chi bộ Đảng ở đó, đồng thời là nơi ăn ở cho anh em nghệ sĩ, công nhân, hậu đài. Khi ngưng Việt kịch, khoảng năm 1956 Năm Châu lập gánh Phước Chung, trụ sở là trại cưa này. Ông Nguyễn Văn Giỏi (người từng phụ trách tiền đài, hậu đài cho các đoàn Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, đoàn Bông Hồng, đoàn 284) kể: "Tôi là anh em cùng cha khác mẹ với nghệ sĩ Nam Hùng. Hồi nhỏ ba tôi đi theo các gánh hát, tôi được gởi tại trại cưa Cầu Bông ở với mấy bà vú trong đoàn Phước Chung để đi học. Ngày nào tôi cũng thấy nghệ sĩ tập tuồng, nghe tiếng đờn tiếng ca, vui lắm. Ông Năm Châu và ông Trần Hữu Trang là trụ cột của chi bộ, cũng là trụ cột gánh hát. Ngoài ra còn có ông Mười Vĩnh (ba của cô Mai làm tài vụ cho Hội Sân khấu TP.HCM sau này) đóng kép độc rất hay, nhất là vai Hốt Tất Liệt. Có ông Bảy Vân ba của nghệ sĩ Hoàng Ấn đóng vai Ốc trong Ngao Sò Ốc Hến, cũng là ba của đạo diễn Nguyễn Mỹ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phần (Giám đốc đoàn Ca múa nhạc Bông Sen). Có soạn giả Phạm Trần, anh ruột soạn giả Phi Hùng…". Đoàn Phước Chung này đúng nghĩa "tập thể" vì không có ông bà bầu nào lãnh đạo cả, chỉ có anh em đùm bọc nhau mà sống và hoạt động nội thành.

Nhưng sau đó chiến tranh leo thang, hầu như toàn bộ các nghệ sĩ, cán bộ rút vào chiến khu và hy sinh nhiều. Ông Trần Hữu Trang mất năm 1966 vì một trận bom. Ông Năm Châu tuy ở lại nội thành nhưng cũng đứt liên lạc với kháng chiến từ năm 1963 nên cho đoàn Phước Chung ngưng hát. Riêng trụ sở ở Cầu Bông vẫn giữ cho anh em cư trú.

Sau 1975, Sở VH-TT TP.HCM cho tái lập đoàn Phước Chung cũng với danh nghĩa đoàn cải lương tập thể, thành phần gồm các nghệ sĩ mới như Dũng Minh Sang, Bảo Thanh, Lê Vũ Cầu, Diệu Hiền, Minh Cảnh, Thùy Dương, Hoa Bạch Liên, Hoàng Liêm, Triệu Triệu, Giang Tâm… Hai vở ăn khách nhất là Thạch Sanh và Hoa mơ trắng. Thời đó diễn tuồng gì cũng ăn khách, tuồng xã hội, cách mạng hay lịch sử, dân gian, miễn hay thì khán giả đều mê.

Nhưng chỉ sau thời gian ngắn ngủi một vài năm, khi cải lương rộ lên thì Diệu Hiền được mời về đoàn Tháp Mười, Minh Cảnh cũng sang đoàn khác, Phước Chung hơi lao đao. Vài năm nữa, video ra đời, cải lương càng khó khăn, Phước Chung lại bôn ba sương gió nhiều hơn. Thực tế, ngay sau 1975 Phước Chung ít hát ở rạp lớn như các đoàn Sài Gòn 1, Sài Gòn 2 hoặc Thanh Nga, mà thường đi vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con. Cả đoàn, từ nghệ sĩ, nhân viên tới cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, chất nhau lên chiếc ghe lớn len lỏi khắp vùng sông nước, y như cái thời hát bội còn ăn bến ngủ đình, lênh đênh trên chiếc ghe bầu. Những lúc khó khăn quá thì ông Bảy Tâm trưởng đoàn nảy ra sáng kiến biến chiếc ghe thành sân khấu hát luôn, đỡ được tiền thuê bãi. Ông "chế" chiếc ghe sao cho khi cập bến là có thể bung sàn diễn ra, lấy vỉ tre quây thành vách, kê khoảng 700 cái ghế trên bờ sông, rồi cứ thế mà hát. Vậy mà khán giả cũng đông nghẹt, giúp anh em cầm cự qua ngày. Có lẽ đây là đoàn cải lương tập thể nghèo nhất lúc bấy giờ.

Và muốn tìm tấm hình chụp vở của đoàn đang hát cũng khó trần thân! Bởi đoàn cứ lênh đênh kiểu đó, đâu có phóng viên nào theo chụp được, mà trong đoàn cũng không ai có máy ảnh.

Một hôm, ông Bảy Tâm đang ở một bến sông tỉnh lẻ, nghe Sở VH-TT tỉnh hẹn lấy giấy phép gấp, ông quýnh quáng chở bà vợ đi, vì bà phụ trách tài vụ cho đoàn. Không may, gặp tai nạn giao thông, bà mất, còn ông bị thương nặng, thế là rã gánh

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.