Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi đảm bảo công bằng và có sự phân hóa

29/06/2023 22:43 GMT+7

Dù có nhiều ý kiến trái chiều, đại diện Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định, tất cả đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo tính công bằng cho thí sinh và có sự phân hóa.

Chiều nay 29.6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo sau khi các buổi thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kết thúc. 

Tại cuộc họp báo, các phóng viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến đề thi, trong đó có những nghi vấn về chất lượng đề thi (môn văn vẫn nặng tính văn mẫu, tính phân hóa thấp) và sự trùng lặp đề thi tốt nghiệp môn văn với đề thi môn này ở một số kỳ thi khác của các địa phương.

Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi đảm bảo công bằng và có sự phân hóa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi (Ban Chỉ đạo thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023)

ĐÌNH HUY

Nguyên tắc đầu tiên là đảm bảo công bằng

Đại diện Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi (Ban Chỉ đạo thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023), cho biết theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tinh thần của đề thi năm nay là giữ ổn định về cấu trúc như năm 2022; đề thi phải nằm trong chương trình, không ra vào phần giảm tải, phần vượt quá chương trình; đề thi cần phải có tính phân hóa tốt nhất trong khả năng, trong phạm vi một đề thi tốt nghiệp THPT.

"Trong công tác đề thi, nguyên tắc đầu tiên mà chúng tôi đặt ra là đảm bảo tính công bằng cho thí sinh. Tất nhiên, tính công bằng còn phải được đảm bảo ở các khâu khác như coi thi, chấm thi thì mới giải quyết được bài toán tổng thể. Tính công bằng trong việc ra đề thi thể hiện qua việc phải phân hóa được thí sinh", ông Hà cho biết.

Theo ông Hà, mặc dù đội ngũ ra đề là những chuyên gia hàng đầu nhưng khi bắt đầu tập trung để làm đề, hội đồng vẫn tổ chức tập huấn lại cho các chuyên gia này. Có những kiến thức tưởng chừng đơn giản như các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, nhưng Ban Đề thi vẫn cùng các thầy cô trao đổi rất kỹ. Về cơ bản, đề thi năm nay có cấu trúc tương tự như năm ngoái: khoảng 50% mức độ 1 (nhận biết), 25% mức độ 2 (thông hiểu), 25% mức độ 3 và 4 (vận dụng và vận dụng cao).

Một việc khác (cũng nhằm đảm bảo tính công bằng) rất được coi trọng là bảo mật ngân hàng câu hỏi đề thi. Những người giới thiệu đề, soạn đề, lựa chọn vào ngân hàng đề là những người khác nhau. Việc này Ban Đề thi thực hiện trên cơ sở rút kinh nghiệm quy trình cũ (là quy trình ra đề năm 2021). Ngân hàng hiện nay điều chỉnh quy trình theo hướng những người soạn thảo câu hỏi khác với những người lựa chọn câu hỏi.

Có chuyện đề văn trùng nội dung với các đề kỳ thi khác hay không?

Về việc đề thi môn văn bị cho là có sự trùng lặp về nội dung với đề thi thử ở Nghệ An và đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội (các kỳ thi này đều được tổ chức năm 2023), ông Hà khẳng định là không có chuyện trùng lặp.

Với trường hợp đề môn văn bị cho là trùng đề thi thử của Nghệ An, phần ngữ liệu (tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân) thì trùng, nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau. Điều này là bình thường với phần làm văn.

Trong cả chương trình có tổng cộng 17 tác phẩm, nhưng có 2 tác phẩm không thuộc phần giao giữa chương trình THPT và giáo dục thường xuyên. Với chương trình 2006, Bộ GD-ĐT không thể nào ra khác được ngoài 15 tác phẩm. Điều quan trọng là lệnh hỏi khác nhau. "Cho nên, chúng tôi không thấy có việc trùng đề", ông Hà nói.

Ông Hà tiếp tục giải thích: "Với ý kiến cho rằng đề văn trùng đề thi vào lớp 10 của Hà Nội, chúng ta có thể thấy ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi khác nhau. Với Hà Nội, lệnh hỏi là làm chủ cảm xúc. Còn đề thi tốt nghiệp, lệnh hỏi cao hơn là cân bằng cảm xúc".

Ông Hà cũng cho biết, năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào quy trình kiểm soát những phần trùng lặp nội dung đã thi hoặc các đề thi đã công bố bằng cách sử dụng các phần mềm và cơ sở dữ liệu được thu thập.

Số lượng dữ liệu Ban Đề thi đưa vào để rà soát là khoảng 120 GB, bao gồm tất cả đề đã thi, các câu hỏi mà Ban Đề thi đã tìm kiếm được trên mạng, các cơ sở gửi tới, Bộ GD-ĐT chủ động tìm…; tiếp đó là sử dụng phần mềm có đối sánh để rà soát.

Việc rà soát này được sử dụng cho cả 15 môn thi, nhờ vậy đã hạn chế được rất nhiều phần trùng lặp. Môn văn là một ví dụ cụ thể. Nếu không nhờ có phần mềm này, kỳ thi có thể có một đề văn khác; đề văn ấy có thể là trùng lặp thậm chí ở mức độ lớn hơn.

Nhưng sau đó ông Hà lại thông tin, dữ liệu để rà soát đề thi không có đề thi thử môn văn của Nghệ An, do đề này không có trên mạng. Vì thế, phần mềm của Bộ GD-ĐT đã không so sánh được đề thi của bộ với đề của Nghệ An. "Nếu có thì đã tránh được. Nhưng như tôi đã nói, việc có trùng lặp cũng không có vấn đề gì, do tuy trùng ngữ liệu nhưng khác lệnh hỏi", ông Hà nói.

Còn trường hợp trùng với đề Hà Nội thì chính hội đồng đã thảo luận sau khi nhận được thông tin. Sau khi họp, xem xét thấy ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi khác nhau nên hội đồng đã cân nhắc và vẫn quyết định sử dụng câu hỏi đó.

Ông Hà cho biết, trong đề văn có phần đọc hiểu, có phần làm văn. Với đọc hiểu, về cơ bản đề thi được phép sử dụng ngữ liệu không nằm trong chương trình. Đây là một điểm mới. Với phần này, tổ ra đề luôn hướng tới nội dung liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội, vấn đề có tính thời sự, vấn đề cần tính giáo dục. Do ngữ liệu nằm ngoài chương trình, phần đọc hiểu có tính mở cao.

Với phần làm văn, Chương trình THPT 2006 còn tiếp tục với khóa học sinh lớp 12 năm nay và sang năm (2024); sau đó là có học sinh lớp 12 học chương trình 2018. Với chương trình 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện tính mở cao với dạy học và đánh giá môn văn, không có những quy định nói về tác phẩm cụ thể.

"Khi đã không bị những ràng buộc như thế, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề về sự sáng tạo trong dạy học. Còn ở thời điểm hiện tại, do khuôn khổ của chương trình, chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng", ông Hà chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.