Thi tốt nghiệp THPT: 'Đây không phải là vấn đề bộ muốn 'ôm' hay không'

29/06/2023 22:18 GMT+7

Trước ý kiến của Báo Thanh Niên về việc giao các địa phương tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì Bộ GD-ĐT cứ "ôm" vào, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Đây không phải là vấn đề bộ muốn "ôm" hay không".

Từng tỉnh tổ chức thi, liệu có đảm bảo công bằng?

Chiều nay 29.6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo sau khi các buổi thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kết thúc.

Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo Thanh Niên đã đặt vấn đề với Bộ GD-ĐT, liệu bộ có nên "ôm" việc tổ chức một kỳ thi có quy mô lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro (gây ảnh hưởng nghiêm trọng) trong khâu tổ chức, chỉ với mục đích chủ yếu để xét tốt nghiệp THPT? Thay vào đó, Bộ GD-ĐT có thể giao việc tổ chức kỳ thi, trong đó bao gồm khâu ra đề, về thời gian tổ chức, việc chấm thi, xét tốt nghiệp… cho các địa phương.

Thi tốt nghiệp THPT: Đây không phải là vấn đề Bộ muốn ôm hay không! - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (ngồi giữa), chủ trì cuộc họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

ĐÌNH HUY

Trả lời ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, người chủ trì buổi họp báo, khẳng định chủ trương chung từ Thủ tướng Chính phủ luôn luôn là phân cấp. Cái gì phân cấp được là phân cấp, việc nào nơi nào làm tốt được thì nơi đấy làm. Tuy nhiên, riêng việc phân cấp cho các tỉnh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đến thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa tính tới.

"Hiện nay, chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi 3 chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả. Mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào đại học (đến 60% chỉ tiêu). Mỗi tỉnh ra đề thì mức độ khó, dễ khác nhau, có đảm bảo sự công bằng không? Với nguồn lực, điều kiện tập trung của Bộ GD-ĐT, tức là cấp quốc gia, chúng tôi rất nỗ lực nhưng đầy gian nan. Việc tổ chức đầy khó khăn vậy, từng tỉnh làm liệu có được không?", ông Thưởng đặt câu hỏi.

Ông Thưởng chia sẻ thêm: "Anh em chúng tôi rất trăn trở, tưởng như ra một đề thi phổ thông không có gì, nhưng khi vào cuộc mới thấy vấn đề không đơn giản. Đây không phải là vấn đề bộ muốn "ôm" hay không. Bộ có muốn "ôm" mà dư luận và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấy không phù hợp thì cũng không thể "ôm" được".

Ông Thưởng cũng chia sẻ với tư cách cá nhân về nỗi băn khoăn của mình khi chưa thể hiện đúng mức lòng biết ơn với những thầy cô tham gia ban ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Họ là hơn 100 thầy cô đến từ các vùng miền khác nhau. Trước khi ban đề thi làm việc, cá nhân ông với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cũng chưa trực tiếp gặp các thầy cô để giao nhiệm vụ và động viên được.

Hôm nay kết thúc các buổi thi, các thầy cô được ra về, ông cũng chưa trực tiếp gặp được để nói lời cảm ơn. "Một tháng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với bao sức ép, với bao gánh nặng trên vai. Chính các thầy cô đó đã gánh gánh nặng của 63 tỉnh, thành", ông Thưởng chia sẻ.

Bộ GD-ĐT đánh giá độ tin cậy của đề thi cao

Trước nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đề thi một số môn từ nhiều năm qua, đặc biệt là năm nay không cao, nếu xét đến mục tiêu xét tuyển đại học, thể hiện ở mức độ phân hóa không như mong đợi, ông Thưởng khẳng định Bộ GD-ĐT vẫn tin tưởng vào chất lượng đề thi.

Theo ông Thưởng, Bộ GD-ĐT có kinh nghiệm được tích lũy từ nhiều năm trong việc ra đề, năm nay tiếp tục có nhiều đổi mới, từ quy trình ra đề thi cho đến lựa chọn cán bộ ra đề thi. Đề thi có hội đồng, có các ban, có giới thiệu, có phản biện.

Thi tốt nghiệp THPT: Đây không phải là vấn đề Bộ muốn ôm hay không! - Ảnh 2.

Dù có nghiều ý kiến trái chiều, ông Phạm Ngọc Thưởng khẳng định Bộ GD-ĐT vẫn tin tưởng vào chất lượng đề thi

ĐÌNH HUY

Các thành viên tham gia ban đề thi của các môn được lựa chọn từ các giáo viên có nhiều kinh nghiệm về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, về năng lực. Các thành viên có đủ thành phần. Có giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp để sát trực tiếp với năng lực, trình độ của học sinh, cân đối thầy cô ở các vùng miền khác nhau.

Có thầy cô là giảng viên đại học để đảm bảo tính chính xác, khoa học, toàn diện của kiến thức. "Cho nên, chúng tôi đánh giá là đề thi độ tin cậy cao. Đề thi đảm bảo các yêu cầu về cấu trúc, yêu cầu về mức độ phân hóa", ông Thưởng khẳng định.

Theo ông Thưởng, trong suốt thời gian diễn ra các buổi thi, ban chỉ đạo thi đã theo dõi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và nguồn tin khác, thấy còn nhiều ý kiến, từ các nhà giáo lão thành, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ… phản ánh về đề thi. Nhưng đấy chỉ là những ý kiến của từng cá nhân. Còn ban chỉ đạo thi có hội đồng đánh giá.

"Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT, ban chỉ đạo thi hết sức lưu ý, ghi nhận, tiếp thu để phục vụ cho công tác chuyên môn tiếp theo. Qua các ý kiến đó, chúng ta càng thấy việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông càng cấp bách hơn bao giờ hết, thấy rằng việc đổi mới đang rất cần thiết. Từ chương trình, sách giáo khoa, đến hình thức, nội dung thi cử; chúng ta vẫn đang tiếp tục làm", ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cho biết thêm: "Cần lưu ý là học sinh lớp 12 hiện nay đang thực hiện chương trình 2006 cho nên phải có giai đoạn chuyển tiếp nhất định, không thể hoàn toàn theo ngay chương trình đổi mới được. Cho nên, chúng tôi khẳng định, như bộ trưởng chỉ đạo, riêng đề văn là không làm văn mẫu. Các bộ môn khác cũng theo tinh thần tiếp tục đổi mới".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.