Biến thể Omicron nhắc nhở thế giới về chênh lệch giàu-nghèo trong tiêm chủng

05/12/2021 08:43 GMT+7

Các nhà khoa học lần đầu phát hiện ra biến thể Omicron ở Nam Phi - quốc gia chỉ có hơn 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ , thu hút sự chú ý đến việc phân phối vắc xin không đồng đều trên toàn cầu và vấn đề bằng sáng chế vắc xin .

Nghiên cứu gần đây cho thấy các quốc gia giàu có nhất thế giới, chiếm khoảng 16% dân số toàn cầu, nắm giữ hơn 70% số vắc xin được phân phối. Và điều đó dẫn đến sự chênh lệch, chẳng hạn như khoảng 60% người dân trên khắp Liên minh Châu Âu được tiêm chủng, so với chỉ 3,4% dân số trên toàn Châu Phi.

Hãng phân tích khoa học Airfinity (Anh) cho rằng các nước giàu đang gia tăng tích trữ nguồn vắc xin Covid-19 và có thể đang giữ 1,2 tỉ liều mà họ sẽ không cần đến dù cho có đang tiêm liều tăng cường. Trong khi đó, các nước nghèo thường nhận được vắc xin khi hạn sử dụng chỉ còn lại khoảng 2 tháng.

Người dân tại Madrid (Tây Ban Nha) xếp hàng chờ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, ngày 24.11

reuters

Tuy nhiên, hãng phân tích này cũng cho rằng có thể không phải các nước giàu tham lam mà nhiều khả năng là vì họ không biết vắc xin nào hiệu quả nên đã mua nhiều loại.

Tỉ lệ bao phủ vắc xin thấp có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các biến thể mới thông qua lây nhiễm cộng đồng. Nguyên nhân là vì virus có khả năng nhân bản cao và lây truyền từ người sang người tạo cơ hội cho virus đột biến.

Đến nay, hơn nửa dân số thế giới chưa được tiêm một liều vắc xin Covid-19 nào, trong đó có nhiều nước tại châu Phi. Theo Tổ chức Quan sát nhân quyền, 75% số liều vắc xin Covid-19 trên thế giới được đưa đến chỉ 10 nước, và các nước giàu nhất tiêm nhiều gấp 100 lần nước nghèo nhất.

Trung tâm tiêm vắc xin Covid-19 di động tại Bờ Biển Ngà, ngày 23.9

reuters

Các nước giàu đã cam kết viện trợ vắc xin nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành một phần rất nhỏ. Cơ chế phân phối vắc xin COVAX để hỗ trợ các nước thu nhập trung bình và thấp hiện bị thiếu nguồn cung từ khi Ấn Độ giảm xuất khẩu vắc xin nên chủ yếu phải dựa vào nguồn viện trợ của nước giàu. Khó khăn không chỉ đến từ nguồn cung, mà còn ở cơ sở vật chất tiếp nhận. Nhiều nước nghèo không thể đảm bảo đủ cơ sở trữ lạnh âm sâu để tiếp nhận các loại vắc xin đòi hỏi điều kiện bảo quản này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.