Biến đổi khí hậu là lý do khiến tổ tiên loài người đột ngột biến mất

17/08/2023 19:20 GMT+7

Trong lúc tình trạng ấm lên toàn cầu có thể mang đến tai ương cho sự tồn tại của người hiện đại, tổ tiên của chúng ta nhiều khả năng đã đối mặt một dạng tận thế khác, và không đủ may mắn để sống sót.

Biến đổi khí hậu là lý do khiến tổ tiên loài người đột ngột biến mất - Ảnh 1.

Homo erectus là tổ tiên của loài Homo sapiens ngày nay

AFP/GETTY

Một báo cáo mới đăng trên chuyên san Science cho thấy những con người đầu tiên của châu Âu có lẽ đã chết sạch do biến đổi khí hậu, cụ thể là "toàn cầu lạnh đi" cách đây khoảng 1,1 triệu năm.

Loài người bị tuyệt chủng là Homo erectus (Người đứng thẳng), tổ tiên của Homo sapiens (Người tinh khôn) của loài người duy nhất còn tồn tại đến ngày nay.

Các hóa thạch và những công cụ bằng đồ đá cho thấy người Homo erectus từ châu Á đến châu Âu từ 1,8 triệu đến 1,4 triệu năm trước, nhưng loài người này đã tuyệt chủng ở châu lục khoảng 1,1 triệu năm trước.

Chứng cứ kế tiếp của người tiền sử ở châu Âu cho thấy họ xuất hiện cách đây khoảng 900.000 năm, và là người Homo antecessor đến từ châu Phi hoặc châu Á.

Đội ngũ các nhà nghiên cứu do chuyên gia Axel Timmermann của Viện Khoa học Cơ bản (Hàn Quốc) dẫn đầu, đã tái dựng điều kiện khí hậu của châu Âu trong giai đoạn này.

Các nhà nghiên cứu tìm được manh mối bên trong các lõi của trầm tích thềm biển ngoài khơi Bồ Đào Nha. Theo đó, nhiệt độ nước biển gần Lisbon khi ấy giảm từ mức trung bình là 21 độ C xuống khoảng 6 độ C.

Tính trên bình diện châu lục, nhiệt độ giảm trung bình khoảng 5 độ C và kéo dài suốt vài thập niên.

Tình trạng giảm nhiệt độ đột ngột và mạnh mẽ khiến người Homo erectus gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thức ăn, do chỉ còn một số ít các loài thực vật và động vật có thể sống sót trong điều kiện thay đổi khí hậu khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, bản thân chủng người Homo erectus không được trang bị năng lực chống chọi cái lạnh. Họ cũng thiếu phương tiện tạo lửa, thiếu quần áo ấm cũng như nơi ở chống lạnh.

NASA: Cháy rừng Hawaii là hệ quả của nhiệt độ tăng, 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận

"Đây là câu chuyện cho thấy sự thay đổi khí hậu mang đến những ảnh hưởng mạnh mẽ cho dân số loài người trong quá khứ, và tình trạng này đang tái diễn khi toàn cầu đang ấm lên và kéo theo các sự kiện thời tiết cực đoan và những thay đổi trong các hệ sinh thái", LiveScience dẫn lời Michael Petraglia, nhà nhân chủng học cổ đại.

Homo erectus từng sống ở châu Phi, châu Á và châu Âu cách đây khoảng 2 triệu năm đến khoảng 117.000 năm trước. Họ là những con người đầu tiên rời châu Phi và được cho là tổ tiên của những chủng người sau này, bao gồm Neanderthal và người hiện đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.