SAWACO chủ động đảm bảo nước sạch trước thách thức biến đổi khí hậu

14/06/2023 08:00 GMT+7

Sáng 13.6, Báo Phụ nữ TP.HCM phối hợp Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tổ chức tọa đàm “Cung ứng nước sạch cho phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Theo bà Lý Việt Trung, Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM, nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là những tháng đầu năm 2023, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra rất nhanh chóng, cực đoan, thất thường. Nhiều nơi khô hạn, nắng nóng kéo dài ở mức kỷ lục, như hiện tượng hồ Trị An (Đồng Nai) khô nước, hay có nơi nhiệt độ lên đến 41 độ C… đã làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Hiện nay, SAWACO là đơn vị cung ứng nước sạch cho hộ gia đình, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác ở TP.HCM. Với tình hình phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì việc cung ứng nước sạch đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của phát triển, nhưng vẫn tiềm ẩn những thách thức, đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, gia tăng dân số nhanh…

SAWACO chủ động đảm bảo nước sạch trước thách thức biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Ông Cao Thanh Bình tại buổi tọa đàm

Ảnh: Phan Thu Hoài

"Cuộc tọa đàm này như một sự phác thảo ra những thay đổi việc cung ứng nước sạch ra sao khi TP.HCM có những thách thức về biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và thay đổi sản xuất theo xu hướng công nghệ, trong đó có kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh với sự thích nghi linh hoạt của đơn vị chức năng và người dân", Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM nói.

Tỷ lệ khai thác nước ngầm cao

Ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc SAWACO cho biết, SAWACO đang đảm bảo cung ứng nước sạch cho 100% người dân sử dụng ở 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức (riêng H.Củ Chi do Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn cung cấp). Tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp hơn con số 100% đảm bảo cung ứng.

Hiện nay, ngành nước TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo cấp nước vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn đối với việc suy giảm chất lượng nguồn nước thô.

SAWACO chủ động đảm bảo nước sạch trước thách thức biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ông Bùi Thanh Giang tại buổi tọa đàm

Ảnh: Phan Thu Hoài

Theo đó, việc khai thác nước ngầm đáng báo động, nhiều khu vực dù đã được lắp đặt đồng hồ nước nhưng các hộ gia đình lại không sử dụng nước sạch mà dùng nước giếng tự khoan; nhiều đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 - 4 m³ nước. Năm 2022, tỷ lệ khai thác nước ngầm là 16%, trong 5 tháng đầu năm 2023 xấp xỉ 15%. Việc vận động người dân sử dụng nguồn nước sạch thay vì khai thác nước ngầm là quá trình khó khăn, nhiều thách thức.

Đồng quan điểm với SAWACO, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên cao cấp khoa Đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội - Nhân văn TP.HCM cho biết, TP.HCM đang bị lún rất nhanh, trong đó có nguyên nhân từ việc khai thác nước ngầm quá mức. Độ lún bình quân ở TP.HCM hằng năm là 2 cm, có nơi 6 - 8 cm.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng dân số hiện nay của TP.HCM hơn 13 triệu dân, sắp tới dự kiến 15 triệu dân nhưng sẽ còn gia tăng nhanh hơn nữa. Do đó, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây áp lực lên nguồn nước cung cấp cho người dân. Việc khai thác nước ngầm có tỷ lệ lên đến 15 - 16% là con số lớn. Xu hướng trong tương lai cần phải hạn chế hoặc cấm khai thác nước ngầm vì làm nhanh quá trình sụt lún đô thị.

Theo TS Võ Kim Cương, cần tận dụng tối đa các nguồn nước có thể khai thác như nước mưa, tái sử dụng nước thông qua các công nghệ xử lý khoa học.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM cho biết, HĐND TP.HCM rất quan tâm đến các kế hoạch, đề án chiến lược cụ thể về cung cấp nước sạch, đặc biệt những giải pháp, hiến kế thông qua những phát biểu, góp ý, chia sẻ của các chuyên gia.

Ông Cao Thanh Bình cho hay, với tư cách là đại biểu HĐND TP.HCM, ông cũng đặc biệt quan tâm đến những khó khăn chủ quan của ngành cấp nước có thể khắc phục được như vai trò quản lý, quy hoạch, chiến lược phân bố đầu tư, năng lực điều hành của các viên chức, người lao động...

"Tôi sốc khi nghe SAWACO thông tin tỷ lệ khai thác nước ngầm là 16%, một số đồng hồ lắp đặt miễn phí cho người dân nhưng chỉ số đồng hồ chỉ báo 0 - 4 m³ nước. Đây là điều cực kỳ lãng phí, tại sao có đồng hồ nước sạch rồi mà người dân không sử dụng", ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, hiện nay có những địa phương có hàng chục ngàn giếng khoan là con số quá lớn, trong đó nhiều địa phương có nguồn nước ô nhiễm. "Chúng ta phải kiên quyết với những địa phương để khai thác quá mức nguồn nước ngầm vì tỷ lệ giếng khoan của người dân rất lớn. Nguồn kinh phí của TP.HCM không khó khăn trong vấn đề này, thành phố có thể sẽ có các chính sách đặc thù để trám lấp giếng khoan đúng kỹ thuật", ông Cao Thanh Bình nói.

Giải quyết khó khăn trong xử lý nước và xâm nhập mặn

Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Thanh Giang đặt vấn đề về khó khăn của ngành cấp nước trong xử lý ô nhiễm môi trường khi khai thác trực tiếp từ hệ thống sông ngòi của thành phố. Theo đó, hiện nay hầu hết lượng nước được khai thác từ 2 sông chính, là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Việc các nhà máy nước thiếu công nghệ xử lý bậc cao để xử lý ô nhiễm gây khó khăn trong đảm bảo chất lượng nước và xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, TP.HCM đang thiếu hồ dự trữ, thiếu bể chứa trung gian để đảm bảo dự trữ an toàn khi thiếu nước.

SAWACO chủ động đảm bảo nước sạch trước thách thức biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Bà Lý Việt Trung tại buổi tọa đàm

Ảnh: Phan Thu Hoài

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, 94% nguồn nước thô TP.HCM đang khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Tuy nhiên, TP.HCM nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát vấn đề nguồn nước đang ô nhiễm nặng. Thượng nguồn sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có 55 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng ra sông làm cho chất lượng nước suy giảm.

Bên cạnh đó, hệ quả của biến đổi khí hậu cực đoan khiến nước mặn xâm nhập vào hệ thống sông trên địa bàn TP.HCM. Khi độ mặn từ 250 mg/lít trở lên (cấp độ 5) thì nước sông Sài Gòn không sử dụng cho tiêu dùng được nữa. Sông Sài Gòn bị mất nước do hạn hán, không có mưa, nguồn nước về ít, các hồ chứa bị cạn, nguồn nước ngầm cũng cạn kiệt.

"Độ mặn đo được ở các sông Sài Gòn và sông Đồng Nai hiện nay dưới 200 mg/lít, nhưng ở nhiều thời điểm độ mặn vượt ngưỡng diễn ra từ 1 - 2 giờ. Vì lý do này mà SAWACO đề xuất phương án xây dựng hồ chứa nước trên sông Sài Gòn hoặc ngăn một đoạn sông để tạo thành hồ chứa", PGS-TS Nguyễn Minh Hòa nói.

Nhiều chuyên gia tại hội thảo đưa ra đề xuất, giải pháp trong xử lý nước và xâm nhập mặn cho hệ thống sông. Theo đó, ngành cấp nước cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật xử lý nước, cung ứng nước vừa đủ đảm bảo tránh thất thoát.

Bên cạnh đó, nếu nguồn nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn cần có các hồ, bể chứa dự trữ nước để điều hòa khan hiếm, ngăn chặn khai thác nước ngầm quá mức, có các chế tài đủ mạnh với hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước… Song song với đảm bảo cung ứng và chất lượng nước sạch là hài hòa lợi ích với nhu cầu và kinh tế của người dân. Quan trọng nhất là các phương pháp truyền thông, tuyên truyền đến với người dân về tiết kiệm và sử dụng nguồn nước sạch phù hợp.

Nguồn dữ liệu quý để đưa vào chương trình hành động

Chia sẻ với Thanh Niên, Phó tổng giám đốc SAWACO Bùi Thanh Giang cho biết, chương trình tọa đàm là nguồn dữ liệu quý để SAWACO đưa vào nhiệm vụ hằng ngày trong thời điểm từ nay đến năm 2025, tạo sự chuẩn bị chủ động hơn trong thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển đô thị và ô nhiễm môi trường phức tạp hiện nay.

Về ý kiến của ông Cao Thanh Bình đối với trám lấp giếng khoan để hạn chế khai thác nước ngầm, ông Bùi Thanh Giang cho biết hiện nay SAWACO đang quản lý một loạt giếng công nghiệp lớn, sắp tới sẽ phối hợp Sở TN-MT TP.HCM trám lấp các giếng không còn sử dụng. Ông Giang cho hay, ý kiến của đại biểu Cao Thanh Bình rất tốt để hỗ trợ người dân trong việc trám lấp giếng khoan, đảm bảo người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.