Biển cấm người đi bộ, lên cầu chụp ảnh bị “vô hình” trên cầu Long Biên

25/07/2022 17:04 GMT+7

Dù đã có biển cấm người đi bộ và những phương tiện 3 bánh, 4 bánh lên cầu Long Biên ( Hà Nội ) do cầu yếu, xuống cấp nhưng nhiều người dân vẫn vô tư vi phạm các biển này, gây mất an toàn giao thông.

Quận Long Biên, TP.Hà Nội, dù có biển cảnh báo cấm ô tô, ba bánh nhưng những chiếc xe này vẫn đi vào. Biển cấm người đi bộ được đặt ở đầu cầu Long Biên thì chẳng ai quan tâm. Và đường tàu lại thành nơi chụp ảnh. Tất cả nguy hiểm với những bạn trẻ và du khách quốc tế này đều không giá trị bằng một vài bức hình đẹp sống ảo.

Cầu Long Biên (Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 120 năm sử dụng.

Chí Bình

"Đi từ đầu cầu đi đến đây khoảng hơn 100 mét, bắt đầu đến chỗ trong kia thì mình nhìn từ trên này xuống khoảng cách nó thấp nếu mà tụt xuống thì cũng không sợ mấy, nhưng mà bắt đầu ra đến sông này thì cực kỳ nguy hiểm đấy. Bởi vì cái tấm đan này của nó là chỉ có hai phân thôi. Đi không biết là trong có thép hay không thì anh cũng chưa biết được, nhưng mà rất là nguy hiểm.Đến đây là phải quay lại, không dám đi nữa", một người dân sống ở quận Long Biên cho biết.

Qua hơn 120 năm sử dụng và đã xuống cấp nghiêm trọng, cầu Long Biên vẫn đang phải phục vụ hàng vạn lượt xe máy mỗi ngày. Các tấm đan bê tông phục vụ người đi bộ đã hư hỏng, mặt đường bị sụt nhiều lần nhưng được sửa chữa một cách chắp vá. Mỗi lần xe máy đi qua, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được sự rung lắc, run rẩy của công trình hơn một thế kỷ này. Thế nhưng vào mỗi buổi chiều, rất nhiều người vẫn chọn cầu Long Biên để vừa tập thể dục, vừa ngắm cảnh. Còn các bạn trẻ, đây là nơi tụ tập yêu thích, nhất là vào dịp cuối tuần.

Tốp du khách quốc tế bất chấp nguy hiểm tai nạn tàu chạy để trèo qua lan can chụp ảnh.

chí bình

"Bây giờ vẫn còn có hiện tượng là người đi bộ gọi là vẫn rải rác. Đấy là người đi tập thể dục và một số người khác. Mặc dù lực lượng bảo vệ của chúng tôi thường xuyên nhắc nhở đấy, đặc biệt là có những người cố tình trèo cả vào đường sắt thì chúng tôi là bảo vệ phải ra ngay để nhắc nhở, để tuyên truyền cho người ta không được leo trèo để đảm bảo an toàn.

Người đi bộ trèo vào phần đường sắt khi tàu chạy qua rất nguy hiểm. Nếu mà bị tai nạn chạy tàu. Khi bạn đang mải chụp ảnh không để ý tàu, cuống lên thì rất khó xử lý. Còn các cái kết cấu khác thì toàn bộ là trên cầu chúng tôi đã cắm biển báo để cảnh báo người đi bộ rồi. ví dụ như các biển báo ở trên cầu cũng tương đối là đầy đủ", ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng kỹ thuật hạ tầng, công ty đường sắt Hà Hải cho biết.

Bất chấp biển cấm đã được đặt ở đầu cầu Long Biên, nhiều người vẫn đi bộ lên cầu để tập thể dục và chụp ảnh.

chí bình

Theo đại diện công ty đường sắt Hà Hải – đơn vị trực tiếp phụ trách quản lý cầu Long Biên, mỗi năm công ty được cấp 7-9 tỷ cho hoạt động duy tu sửa chữa cầu. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đáp ứng 30-40% theo quy định hiện hành về công tác duy tu sửa chữa. Việc sữa chữa và duy tu cầu Long Biên hiện nay đang được thực hiện theo hướng hỏng đến đâu thì sửa chữa đến đó do thiếu kinh phí. Về phía công ty đường sắt Hà Hải, đại diện đơn vị cho biết đã đề xuất rất nhiều lần về việc kiểm định cầu Long Biên để có hướng xử lý, sữa chữa tổng thể để đảm bảo an toàn cho công trình vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, vừa là biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.