Bangkok cảnh báo ô nhiễm, cho công chức làm việc ở nhà

Khánh Như
Khánh Như
15/02/2024 18:01 GMT+7

Mức độ ô nhiễm hiện tại tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) ở mức cao gấp 15 lần ngưỡng an toàn đối với sức khỏe do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.

Chính quyền Thái Lan hôm nay 15.2 cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí tại Bangkok và các tỉnh lân cận đã chạm mốc ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước tình hình trên, các công chức ở thủ đô được yêu cầu làm việc tại nhà trong 2 ngày tới.

Ngoài ra, chính quyền Bangkok cũng kêu gọi sự hợp tác từ hơn 150 cơ quan và doanh nghiệp, cho phép người lao động được làm việc ở nhà để kiểm soát khói bụi ở thành phố khoảng 11 triệu dân, theo Reuters.

Bangkok cảnh báo ô nhiễm, cho công chức làm việc ở nhà- Ảnh 1.

Khói bụi mịt mù ở Bangkok hôm 15.2

REUTERS

Theo Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt, ít nhất 20 trong số 50 quận của thủ đô được dự đoán sẽ có chỉ số bụi mịn PM2.5 không tốt cho sức khỏe và vấn đề này sẽ kéo dài do trời đứng gió. Ông cho biết một số khu vực trong thành phố có mức độ ô nhiễm cao và chính quyền sẽ xử lý tình hình.

Trang web theo dõi chất lượng không khí của Thụy Sĩ IQAir cũng xác nhận mức độ bụi mịn ở Bangkok ở mức PM2.5, cao hơn 15 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khiến nơi này trở thành thành phố ô nhiễm thứ 8 trên thế giới vào hôm 15.2.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí hiện tại là do hoạt động đốt rừng, khói bụi công nghiệp và giao thông đông đúc.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói với các phóng viên rằng việc đốt rừng là thủ phạm chính đằng sau sự ô nhiễm. Ông nói thêm rằng khoảng 1/4 lượng ô nhiễm là do xe cộ, một yếu tố "chúng ta có thể kiểm soát".

Trước đó, chính phủ đã đưa ra các khoản trợ cấp cho nông dân để ngăn chặn việc đốt rừng và khuyến khích nhiều người sử dụng xe điện. Các nhà lập pháp Thái Lan cũng đang xem xét đạo luật không khí sạch cho giao thông, kinh doanh và nông nghiệp nhằm giảm ô nhiễm trên diện rộng.

Theo ông Srettha, chính phủ nên xem xét hạn chế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở thủ đô để kiểm soát ô nhiễm về lâu dài. Ông nói thêm rằng chính sách xe điện của đất nước cũng rất quan trọng.

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân Bangkok, làm việc tại nhà không phải là một lựa chọn khả thi. Tài xế Jarukit Singkomron (57 tuổi) nói với AFP: "Nếu tôi ở nhà, tôi sẽ chết đói. Những người làm công việc giống tôi phải ra ngoài để kiếm sống".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.