Bằng thật kiến thức giả nguy hiểm không kém bằng giả dạy thật

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
07/12/2023 06:05 GMT+7

Từ câu chuyện 'tiến sĩ giả dạy thật', dư luận đặt ra thực trạng còn nguy hiểm và nhức nhối hơn, đó là những tiến sĩ thật nhưng 'học giả' đang tồn tại trong các trường ĐH.

Cách đây 5 - 7 năm, những câu chuyện "đi học 10 ngày lấy bằng tiến sĩ", "vừa học thạc sĩ vừa đi du lịch" hay lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ những trường ĐH "ma" ở Mỹ khiến dư luận vô cùng bất bình.

Bằng tiến sĩ của một số trường ở Philippines cấp sau khi học 10 ngày hoặc vài tuầnẢNH: M.G

Bằng tiến sĩ của một số trường ở Philippines cấp sau khi học 10 ngày hoặc vài tuần

M.G

Từ vụ "tiến sĩ giả dạy thật", nhiều người đặt câu hỏi vậy đến thời điểm này, liệu những tiến sĩ thật "học giả" có còn tồn tại trong đội ngũ giảng viên các trường ĐH hay không?

Xem nhanh 12h: Thời sự toàn cảnh

NHỮNG TIẾN SĨ "HỌC VÀI TUẦN"

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết vấn đề nhức nhối không kém của giáo dục ĐH trong thời gian qua chính là đâu đó trong đội ngũ lãnh đạo hay giảng viên của một số trường ĐH vẫn còn tồn tại những tiến sĩ bằng thật nhưng "học giả".

PGS-TS Dũng cho hay: "Có một thời gian, rộ lên dịch vụ đi học tiến sĩ ở Philippines, do các trường ĐH như Bulacan, Tarlac… cấp bằng. Một năm học viên cũng qua nước ngoài 1, 2 đợt ngắn ngày, có lúc thì ở Hồng Kông, có khi là Singapore… để học nhưng chỉ là hình thức, có người phiên dịch. Sau lại có một số trường ĐH "ma" của Mỹ hoạt động như một dịch vụ mua bán bằng mà không ít người VN tham gia".

Theo ông Dũng, những tiến sĩ có bằng từ các trường "ma", trường không được công nhận tại VN, đều nhằm mục đích "hợp thức hóa" quy định về bằng cấp cho vị trí lãnh đạo, hoặc để đủ số lượng tiến sĩ cho việc mở ngành, tăng chỉ tiêu, kiểm định.

"Do sự phát triển quá nóng của một số ngành nghề, một số trường tăng chỉ tiêu để tăng nguồn thu, muốn vậy phải có đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu là thạc sĩ, tiến sĩ, nên một số trường có thể tuyển dụng những tiến sĩ này cho đủ số lượng mà không quan tâm đến chất lượng. Chưa kể, một số trường còn thuê bằng tiến sĩ của những người đã về hưu để đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu nhằm làm hồ sơ mở ngành, xác định chỉ tiêu, kiểm định chất lượng. Những vị cho thuê bằng không cần phải giảng dạy, không cần có mặt ở trường, nhưng hợp đồng trả lương mỗi tháng từ 12 - 15 triệu đồng", PGS-TS Dũng nêu.

Theo ông Dũng, trước đây khi tuyển dụng giảng viên tiến sĩ, có khi trường nhận được 5 - 6 hồ sơ. Sau khi sàng lọc kỹ, có hội đồng đánh giá sư phạm, xem xét lý lịch khoa học, giảng thử… trường chỉ chọn một để tuyển dụng. "Bây giờ thì số lượng ngành nghề phát triển quá nhanh, nhu cầu tuyển tiến sĩ, thạc sĩ quá nhiều, nên một số trường, nhất là trường công tốp dưới và trường tư thục có thể đã bỏ qua quy trình tuyển dụng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng", PGS-TS Dũng cho hay.

Tiến sĩ giả từng cung cấp bằng thạc sĩ công chứng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Không bắt buộc làm thủ tục công nhận văn bằng

Hiện nay, trên trang thông tin điện tử của Trung tâm công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) có thông tin về những cơ sở giáo dục được công nhận, bảo đảm chất lượng tại các nước.

PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết: "Việc công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, hoặc cơ quan quản lý về nhân sự, hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng, chứ Bộ GD-ĐT không quy định tất cả những người có bằng tốt nghiệp nước ngoài đều phải làm thủ tục công nhận văn bằng".

Theo ông Chương, cơ sở giáo dục ĐH có thể căn cứ các điều kiện được quy định tại Thông tư 13 tự đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá văn bằng.

NGUY HẠI CHO NGƯỜI HỌC, XÃ HỘI

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng những vấn đề như "tiến sĩ giả dạy thật", "tiến sĩ thật học giả" và cả "tiến sĩ thật dạy giả", vẫn đang tồn tại và chắc chắn sẽ mang đến mối nguy hại cho xã hội. "Những thứ đã là "giả" thì không thể mang đến chất lượng thật. Một đội ngũ mà tồn tại những người không đủ năng lực được giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đào tạo nhân lực, thì chất lượng nhân lực đó không thể đảm bảo", tiến sĩ Chính nhấn mạnh.

Ở một góc độ khác, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định người thiệt thòi vẫn là sinh viên. "Thay vì được tiếp thu kiến thức từ một giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức thật để truyền đạt, thì sinh viên lại phải tiếp thu những bài giảng có thể là sai lệch, ảnh hưởng đến năng lực làm việc sau này. Chưa kể, các em đang phải gọi một người gian dối là thầy", tiến sĩ Nghĩa bày tỏ.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng người thầy không trung thực về bằng cấp thì không thể đào tạo ra những người học trò trung thực. "Để làm thầy đúng nghĩa, không chỉ có kiến thức, năng lực chuyên môn mà cần có đạo đức và sự tử tế. Sinh viên sẽ ra đời như thế nào nếu được học trong một môi trường với những giảng viên "giả" như thế", tiến sĩ Hạ chia sẻ.

Hiện nay, tại các trường ĐH, sau khi kết thúc môn, sinh viên sẽ phản hồi về chất lượng giảng viên. Nếu giảng viên dạy không tốt, truyền đạt chưa hiệu quả hoặc có điều gì khiến sinh viên chưa hài lòng thì có thể sẽ bị nghỉ. "Tuy nhiên, khâu tuyển dụng ngay từ đầu phải thực hiện chặt chẽ theo quy chuẩn, kiểm tra thẩm định bằng cấp rõ ràng. Nếu bằng trong nước thì xác minh tại đơn vị cấp bằng, nếu bằng nước ngoài thì bắt buộc phải là bằng được Bộ GD-ĐT công nhận. Có như vậy mới tránh được nguy cơ về bằng giả, kiến thức giả, tránh hậu quả cho người học, cho chính trường và cho xã hội", PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho hay.

Bằng thật kiến thức giả nguy hiểm không kém bằng giả dạy thật - Ảnh 3.

10 năm trước Báo Thanh Niên cũng từng phản ảnh thực tế nhu cầu tuyển giảng viên quá lớn khiến việc tuyển dụng ở nhiều trường hết sức sơ sài, tạo kẽ hở cho những người không có bằng cấp đàng hoàng.

ẢNH MINH HỌA DAD


CẦN CÓ QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ TIÊU CHUẨN BẰNG CẤP

Lâu nay, các trường ĐH được giao quyền tự chủ về tài chính, tuyển dụng giảng viên, tuyển sinh và đào tạo…, đồng thời tự chịu trách nhiệm với người học và xã hội. Điều này giúp các trường hoạt động hiệu quả hơn, tuy nhiên, cũng sẽ xuất hiện những mặt trái của quyền tự chủ nếu như không được giám sát, kiểm tra, hậu kiểm từ cơ quan quản lý nhà nước. Để lọt thạc sĩ, tiến sĩ giả vào dạy và tuyển dụng thạc sĩ, tiến sĩ có bằng cấp tại các trường nước ngoài chưa được công nhận tại VN chính là một hệ lụy của tự chủ tại một số trường ĐH.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng các trường ĐH phải tự chịu trách nhiệm về việc này. "Trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý, với người học, với xã hội. Nếu như anh tự chủ nhưng lại không xem trọng chất lượng, mà đội ngũ giảng viên luôn là nhân tố quan trọng nhất của chất lượng, thì anh khó phát triển bền vững, khó giữ được uy tín", tiến sĩ Chính cho hay.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn cũng khẳng định các trường muốn phát triển bền vững, phải có đội ngũ giảng viên đúng chuẩn, chất lượng bên cạnh các yếu tố khác.

Tiến sĩ giả Nguyễn Trường Hải từng bị từ chối tuyển dụng vì… thiếu bằng đại học

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất: "Lâu nay không có quy định các trường ĐH không được tuyển dụng tiến sĩ từ những trường nước ngoài chưa được VN công nhận. Các cá nhân hay trường ĐH có nhu cầu mới làm đơn đề nghị công nhận văn bằng tại Cục Quản lý chất lượng. Vậy để đảm bảo "bằng thật, học thật", nên chăng luật cần quy định rõ ràng về tiêu chuẩn bằng cấp, chẳng hạn không được tuyển dụng bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ các trường ĐH chưa được VN công nhận".

Tiến sĩ Nghĩa cũng cho rằng khi có tố cáo hoặc phản ánh về các trường hợp cụ thể, chẳng hạn như vụ việc bằng giả vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng cần giám sát, kiểm tra và yêu cầu các trường rà soát lại toàn bộ giảng viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.