Bản tin Covid-19 ngày 7.3: Cả nước thêm 147.358 ca | dự báo TP.HCM còn 1 làn sóng dịch

07/03/2022 19:45 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 7.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 7.3.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước công bố thêm 147.358 ca Covid-19 mới, 36.993 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 7.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 6.3 đến 16h ngày 7.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 147.358 ca nhiễm mới, 36.993 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 78 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 40.891 ca.

Ngày 7.3: Cả nước 147.358 ca Covid-19, 36.993 ca khỏi | Hà Nội 32.317 ca | TP.HCM 2.120 ca

Thông tin về 147.358 ca nhiễm mới như sau:

  • 23 ca nhập cảnh.
  • 147.335 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.207 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 90.399 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (32.317), Nghệ An (10.153), Bắc Ninh (7.873), Phú Thọ (4.326), Hưng Yên (3.978), Sơn La (3.953), Hòa Bình (3.866), Hải Dương (3.799), Bình Dương (3.644), Nam Định (3.455), Lạng Sơn (3.118), Tuyên Quang (2.989), Quảng Ninh (2.915), Thái Nguyên (2.793), Bắc Giang (2.793), Đắk Lắk (2.789), Vĩnh Phúc (2.783), Ninh Bình (2.624), Cà Mau (2.534), Thái Bình (2.410), Hà Nam (2.391), Gia Lai (2.363), Cao Bằng (2.225), Điện Biên (2.189), Quảng Bình (2.161), TP.HCM (2.120), Hà Giang (2.110), Yên Bái (2.100), Lào Cai (1.969), Bình Phước (1.924), Đà Nẵng (1.883), Bình Định (1.869), Lai Châu (1.748), Quảng Trị (1.590), Khánh Hòa (1.566), Thanh Hóa (1.151), Lâm Đồng (1.125), Hải Phòng (947), Bến Tre (912), Phú Yên (857), Hà Tĩnh (847), Đắk Nông (807), Bà Rịa - Vũng Tàu (757), Tây Ninh (683), Quảng Ngãi (571), Bắc Kạn (567), Bình Thuận (524), Kon Tum (359), Quảng Nam (346), Thừa Thiên Huế (322), Bạc Liêu (314), Vĩnh Long (217), Kiên Giang (126), Cần Thơ (126), Trà Vinh (111), Long An (96), Sóc Trăng (55), Đồng Tháp (49), Đồng Nai (43), An Giang (43), Tiền Giang (24), Hậu Giang (19), Ninh Thuận (17).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-4.207), TP.HCM (-759), Bắc Kạn (-583).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+2.740), Nghệ An (+2.574), Gia Lai (+2.363).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 124.945 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.582.058 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 46.385 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.574.560 ca, trong đó có 2.715.623 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (553.040), Hà Nội (427.351), Bình Dương (315.504), Bắc Ninh (151.409), Quảng Ninh (128.316).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 36.993 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.718.440 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.104 ca, trong đó:- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.173 ca- Thở ô xy dòng cao HFNC: 488 ca- Thở máy không xâm lấn: 108 ca- Thở máy xâm lấn: 327 ca- ECMO: 8 ca- Từ 17h30 ngày 6.3 đến 17h30 ngày 7.3 ghi nhận 78 ca tử vong tại: Hà Nội (15), Quảng Bình (7 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (6 ca trong 2 ngày), Hà Nam (5 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (4), Hải Dương (4), Nghệ An (4), Thanh Hóa (4 ca trong 2 ngày), Bình Định (3), Hòa Bình (3), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), Hải Phòng (2), Lâm Đồng (2), Thái Nguyên (2), TP.HCM (2), An Giang (1), Bình Dương (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 91 ca.- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.891 ca, chiếm tỉ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 34.513.552 mẫu tương đương 80.329.853 lượt người, tăng 156.147 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 6.3 có 320.789 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 197.910.353 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 180.887.693 liều: Mũi 1 là 70.860.108 liều; Mũi 2 là 67.675.096 liều; Mũi 3 là 1.500.984 liều; Mũi bổ sung là 14.239.065 liều; Mũi nhắc lại là 26.612.440 liều.+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.022.660 liều: Mũi 1 là 8.743.818 liều; Mũi 2 là 8.278.842 liều.

Chuyên gia dự báo còn 1 làn sóng dịch trong vòng 6 tháng tới

Theo các chuyên gia, Covid-19 chưa thể trở thành bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành như một số dịch bệnh khác) và ngành y tế, người dân đang còn phải chống đỡ trong nhiều tháng tới. Số ca mắc Covid-19 gia tăng cao mỗi ngày, gánh nặng y tế và xã hội vẫn còn.

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, TP.HCM đang trong làn sóng dịch thật sự thứ 2, lần này do chủng Omicron và dự đoán ít nhất TP.HCM có 1 - 2 làn sóng dịch nữa, bởi hiện nay số ca nhiễm báo cáo chưa phải là số thật sự, vì nhiều người nhiễm nhưng ít người khai báo nên dự báo khó chính xác.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, số ca nhiễm Covid-19 thật hay giả thì ít nhất cũng có 1 làn sóng dịch mới nữa trong vòng 6 tháng tới.

“Nguyên tắc là sẽ có làn sóng dịch tiếp theo, trừ khi hầu hết người dân đã có miễn dịch và miễn dịch mạnh. Còn hiện nay, miễn dịch là chưa bền vững nên dịch sẽ thành chu kỳ, do đó để có miễn dịch bền vững thì phải “đấu” với dịch bệnh lâu dài”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích.

Chuyên gia dự báo TP.HCM còn 1 làn sóng dịch Covid-19 trong vòng 6 tháng tới

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (nay là HCDC) thì hiện nay là đang đại dịch, mọi chuyện không đơn giản và đỉnh dịch Omicron hiện có thể kéo dài đến tháng 4.2022. Làn sóng dịch sẽ tự lên và tự xuống theo diễn tiến tự nhiên. Số ca mắc cao, dù tỷ lệ tử vong thấp (nhờ vắc xin và thuốc) nhưng gánh nặng cho y tế, gánh nặng cho gia đình vẫn còn.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, một số quốc gia như nước Anh, họ không bắt buộc F0 tự cách ly vì họ cho rằng không còn tạo làn sóng dịch nào nữa, nhưng khuyến cáo đeo khẩu trang, họ tin những người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và họ kiểm soát tốt hơn.

Còn nhiều quốc gia khác thì chưa áp dụng điều này, ngay cả ở Mỹ, các nhà khoa học cũng nói còn xa để xem Covid-19 là bệnh cúm, bệnh thông thường vì Covid-19 gây tử vong gấp 4 - 5 lần cúm. Việt Nam không thể nào bằng Mỹ về nguồn lực y tế nên chưa thể xem nhiễm Covid-19 là bệnh đặc hữu. Nguồn lực y tế của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng chưa đủ mạnh để đảm bảo dịch sẽ không có tử vong.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, có thể 5 - 6 tháng tới, từng bước Việt Nam nới lỏng dần nhưng xem là bệnh thông thường và bung hết thì không được. "Nhà nước phải bảo lưu quyền có khả năng quy định về phòng chống dịch và buộc người dân phải theo. Như Ấn Độ, họ nói tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu thì vui, nhưng họ cũng đặt câu hỏi là làm như vậy thì có lợi gì trước mắt không, có gì thay đổi không, có khác gì về kinh tế không ? Cũng y như vậy thôi. Do đó, nếu có mục đích rõ ràng thì tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, còn không thì khoan thực hiện chờ đến khi thực sự là bệnh đặc hữu hãy tuyên bố", PGS-TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Bản tin Covid-19 ngày 7.3: Cả nước thêm 147.358 ca | dự báo TP.HCM còn 1 làn sóng dịch - Ảnh 1.

Nhiều người đi khai báo F0 tại trạm y tế vào ngày 7.3

DUY TÍNH

“Để tiến tới xem là bệnh đặc hữu, trong chiến dịch phòng chống dịch của thế giới, đặc biệt là Mỹ họ đặt ra các điều kiện, đầu tiên là tiêm vắc xin, tiếp đến là điều trị, giám sát về dịch tễ, cung cấp đủ test xét nghiệm cho người dân tự test và tự cách ly, giám sát về các biến chủng mới…”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói về các giải pháp cần làm.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, hiện nay chỉ "đếm" ca nhiễm Covid-19 trên cái biết, còn ca chưa biết thì rất lớn. Phải làm sao trở lại cuộc sống bình thường như trước khi có dịch thì mới xem nó là đặc hữu. Do đó, cái cần là lo kiểm soát, phòng dịch hữu hiệu chứ chưa bàn đến chuyện xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Như ở Anh là cho F0, F1 đi làm, họ đảm bảo hệ thống y tế không quá tải, bệnh thì chữa bình thường. Còn Việt Nam có điều kiện như Anh chưa mà nói đến cho F0, F1 đi làm, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu”, bác sĩ Thọ nói.

Hậu Covid-19 ở trẻ em có thể do độc tố của vi rút

Về triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ, PGS-TS-BS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết trẻ thường có biểu hiện: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc. Trẻ có thể bị ảnh hưởng trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ. Trẻ cũng có thể có rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

BS Minh Điển chia sẻ: “Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt”.

Chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc Covid-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc Covid-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2 - 6 tuần, nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.

Hậu Covid-19 ở trẻ em có thể do độc tố của vi rút

“Hiện nay chúng ta đã có những đơn vị thăm khám hậu Covid-19. Người bệnh sau nhiễm Covid-19 vài tuần, vài tháng khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đi khám để chẩn đoán điều trị. Riêng với trẻ em, hậu Covid-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương tim, phổi, thận, mạch máu… Vì vậy, khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không”, TS Trần Minh Điển lưu ý.

Bản tin Covid-19 ngày 7.3: Cả nước thêm 147.358 ca | dự báo TP.HCM còn 1 làn sóng dịch - Ảnh 2.

Từ ngày 23.2.2022, Campuchia đã tiến hành tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi

REUTERS

Bệnh viện Nhi T.Ư vừa qua đã ghi nhận những trẻ đến khám hậu Covid-19. Dễ gặp là những em bé đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng. Trong đó, có bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, sốt rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc. Gần 2 tháng sau khi khỏi Covid-19, trẻ sốt cao trên 39 độ kèm co giật. Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).

Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ hiện tại hậu Covid-19 vẫn là vấn đề còn mới và cần nghiên cứu thêm. Do đó, có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phác đồ điều trị bệnh trong thời gian tới.

Hơn 6 triệu người đã tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới

Đến 17 giờ chiều 7.3 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 446.399.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 6.000.000 ca tử vong và hơn 10.595.849.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Với hơn 79.271.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Mỹ cũng đã ghi nhận 958.621 bệnh nhân tử vong.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 42.967.000 ca nhiễm và 515.102 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 29.056.000 ca Covid-19 và 652.438 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 23.238.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 140.296 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 19.256.000 ca nhiễm và 162.582 ca tử vong.

Từ 16.3, du khách Việt đã tiêm 2 mũi được miễn cách ly tại Singapore

Thông tin từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) đăng tải trên website ngày 4.3 cho biết những du khách Việt Nam đã được tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 sẽ được miễn cách ly khi đến Singapore kể từ ngày 16.3.2022 theo cơ chế Làn đi lại vắc xin (VTL).

Cũng theo thông báo trên, những người từ Việt Nam có thể vào Singapore theo VTL vào hoặc sau ngày 16.3.2022 và họ có thể bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến xin Thẻ thông hành vắc xin (VTP) từ 10 giờ ngày 13.3.2022.

Từ 16.3, du khách Việt đã tiêm 2 mũi được miễn cách ly tại Singapore

Theo VTL, khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ có thể vào Singapore mà không cần kiểm dịch-cách ly, chỉ cần thực hiện xét nghiệm Covid-19. Những du khách ở lại trong thời gian ngắn và những người có giấy phép lao động đủ điều kiện theo diện VTL phải xin VTP để nhập cảnh vào Singapore.

Bản tin Covid-19 ngày 7.3: Cả nước thêm 147.358 ca | dự báo TP.HCM còn 1 làn sóng dịch - Ảnh 3.

Người dân đeo khẩu trang phòng ngừa Covid-19 ở Singapore, ngày 17.2.2022

reuters

Ngoài Việt Nam, Singapore còn thiết lập hoạt động du lịch miễn kiểm dịch hai chiều với tất cả các quốc gia ở châu Âu có đường bay thẳng đến Singapore cũng như một số quốc gia ở khu vực châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… từ ngày 16.3.2022.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 7.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.