Bản tin Covid-19 ngày 23.1: Cả nước thêm 14.978 ca | Nguy cơ lây nhiễm từ các hoạt động giáp tết

23/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 23.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 23.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 14.978 ca Covid-19 mới, 4.157 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 23.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 22.1 đến 16h ngày 23.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.978 ca nhiễm mới, 4.157 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 135 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 123 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 36.719 ca.Thông tin về 14.978 ca nhiễm mới như sau:

  • 44 ca nhập cảnh.
  • 14.934 ca ghi nhận trong nước (giảm 724 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.324 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.967), Đà Nẵng (984), Hải Phòng (764), Hưng Yên (629), Thanh Hóa (489), Quảng Nam (435), Quảng Ninh (427), Thái Nguyên (399), Bắc Ninh (377), Nghệ An (372), Bình Phước (361), Bình Định (358), Hải Dương (351), Bến Tre (347), Quảng Ngãi (326), Phú Thọ (308), Hòa Bình (284), Thừa Thiên Huế (282), Khánh Hòa (279), Vĩnh Phúc (276), Nam Định (266), Bắc Giang (254), Lâm Đồng (216), Cà Mau (190), Tây Ninh (167), Thái Bình (157), Lạng Sơn (153), Ninh Bình (143), TP.HCM (138), Vĩnh Long (137), Hà Nam (129), Bạc Liêu (128), Đắk Nông (126), Lào Cai (119), Trà Vinh (100), Hà Giang (96), Điện Biên (95), Phú Yên (92), Yên Bái (91), Gia Lai (87), Quảng Bình (86), Sơn La (82), Bà Rịa - Vũng Tàu (73), Hậu Giang (72), Tuyên Quang (67), Kiên Giang (66), Quảng Trị (60), Hà Tĩnh (56), Đồng Tháp (50), Kon Tum (45), Bình Dương (40), Long An (40), Bình Thuận (40), An Giang (38), Cần Thơ (36), Sóc Trăng (35), Cao Bằng (35), Ninh Thuận (27), Đồng Nai (26), Lai Châu (26), Bắc Kạn (19), Tiền Giang (16).-
Ngày 23.1: Cả nước 14.978 ca Covid-19, 4.157 ca khỏi | Hà Nội 2.967 ca | TP.HCM 138 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-332), Bến Tre (-208), Bình Phước (-137).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+149), Phú Thọ (+131), Quảng Nam (+116).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.022 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.141.422 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.697 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay)

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.134.788 ca, trong đó có 1.802.032 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (512.774), Bình Dương (292.492), Hà Nội (108.627), Đồng Nai (99.663), Tây Ninh (87.131).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.157 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.804.849 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.707 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.273 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 675 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 132 ca
  • Thở máy xâm lấn: 606 ca
  • ECMO: 21 ca

Từ 17h30 ngày 22.1 đến 17h30 ngày 23.1 ghi nhận 123 ca tử vong, gồm: Tại TP.HCM (6) trong đó có 2 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau : Long An (1), Đồng Tháp (1). Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (16), Đồng Tháp (10), Sóc Trăng (9), Cần Thơ (8 ), Tiền Giang (7), Vĩnh Long (7), Bình Phước (6), Cà Mau (6), Hải Phòng (5), Tây Ninh (5), Bến Tre (5), Bình Dương (4), Bạc Liêu (4), Ninh Bình (3), Trà Vinh (3), Đà Nẵng (3), Bình Thuận (3), Kiên Giang (3), Khánh Hoà (2), Lâm Đồng (2), Hải Dương (1), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Hoà Bình (1), Quảng Nam (1), Gia Lai (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 159 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.719 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 31.868.981 mẫu tương đương 76.757.999 lượt người.

Trong ngày 22.1 có 1.333.208 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 175.898.450 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.865.726 liều, tiêm mũi 2 là 73.881.549 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 23.151.175 liều.

Sân bay Tân Sơn Nhất đông “quá sức tưởng tượng” vì người về quê ăn tết

Từ sau Rằm tháng Chạp, sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) đã dần đông đúc trở lại. Sau 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, nhiều người tranh thủ về quê ăn tết sớm.Từ sáng đến chiều 22.1.2022, tại ga đi quốc nội, hàng dài hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục, ký gửi hành lý. Nhiều gia đình có con nhỏ, người cao tuổi tranh thủ đến sớm trước 5 tiếng để phòng kẹt xe, lỡ chuyến. Chưa đến giờ làm thủ tục, hành khách ngồi bệt xuống đất chờ đợi.

Sân bay Tân Sơn Nhất đông “quá sức tưởng tượng” vì người về quê ăn tết

Sau một năm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người đứng trước lựa chọn có nên về quê ăn tết hay không. Theo dự đoán của một số hành khách, sân bay sẽ vắng hơn thường lệ. Tuy nhiên, cảnh đông nghẹt tại sân bay khiến nhiều người ngạc nhiên.

Không giống như thời điểm vừa bùng dịch, hành khách hiện nay có thể vào cửa nhà ga thoải mái, không phải đo thân nhiệt, bắt buộc rửa tay sát khuẩn. Một camera đo thân nhiệt được đặt ở cửa vào tại nhà ga. Hành khách trước khi qua khu vực kiểm tra an ninh bắt buộc phải khai báo di chuyển nội địa, hành khách ở khu vực dịch cấp 4, khu vực phong tỏa phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Nhiều hành khách đến trước cổng kiểm tra an ninh mới khai báo di chuyển nội địa khiến khu vực này luôn đông đúc

độc lập

Dù có nhiều e dè về việc cách ly phòng chống dịch tại địa phương, nhưng với tâm lý “cả năm mới có một dịp tết” nên ai cũng muốn về quây quần bên gia đình. Chính vì vậy, nhiều người đã cố gắng thu xếp đặt vé về quê sớm để phòng khi phải cách ly, vẫn kịp đón tết đoàn viên cùng gia đình.

Theo quy định, trước khi lên máy bay, hành khách phải xuất trình chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 hoặc giấy chứng nhận là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày.

Tâm sự của công nhân Metro những ngày cuối năm khó khăn vì Covid-19

Những ngày cuối tháng Chạp, những kỹ sư, công nhân trên công trường nhà ga Bến Thành, thuộc dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vẫn miệt mài với công việc để hoàn thành các hạng mục được giao trước khi nghỉ Tết nguyên đán.

Năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng nhiều tới công việc của những người làm việc ở đây. Với họ, những ngày tháng khó khăn vì dịch Covid-19 thật khó quên.

Tâm sự của công nhân Metro những ngày cuối năm khó khăn vì Covid-19

Hơn 3 năm làm việc tại công trình này, anh Vũ Đình Hiệp vẫn nhớ như in những ngày phải vượt qua nỗi lo lắng vì dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Tâm lý thì vẫn lo, mình về tới nhà thì khử khuẩn tùm lum bộ đồ mình đi làm. Máy giặt mấy ngày đó là hoạt động suốt.

Nói chung mình cũng lo sợ lắm, nhưng các lãnh đạo cũng động viên. Họ nói bây giờ mình cũng quản lý ở đây thì mình phải đi thì anh em mới đi được. Mình mà không đi thì sao anh em đi. Mình cũng theo nhiệm vụ mà mình đi thôi. Mình cũng bảo vệ, 5K, xịt khuẩn, đến giờ này cũng chưa là F0" anh Hiệp chia sẻ.

Những ngày cuối năm âm lịch, các công nhân vẫn đang tăng tốc làm việc

nguyễn anh

Mặc dù công trường sẽ tạm nghỉ cho công nhân đón tết từ ngày 26 tháng Chạp nhưng nhiều người đã phải xin về quê sớm do lo lắng bị cách ly. Tuy nhiên, vẫn có nhiều công nhân phần vì khó khăn do nghỉ dịch nhiều tháng, phần vì lo lắng dịch bệnh Covid-19 nên quyết định cùng gia đình ở lại TP.HCM đón tết.

Hai năm vừa qua, do dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ của công trình Metro cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Còn đối với những người làm việc ở công trình này là một thời gian khó quên, khi thi công công trình được nhiều người kỳ vọng như Metro.

Tiến độ của Metro bị ảnh hưởng trong 2 năm qua do dịch Covid-19

Nguyễn Anh

Công nhân làm việc tại trình sẽ được nghỉ tết từ 26 tháng Chạp tới ngày 8 tháng Giêng âm lịch. Mặc dù vậy, công trường vẫn sẽ duy trì một số hàng mục nhỏ để đảm bảo tiến độ.

Hiện tại, tiến độ xây dựng nhà ga Bến Thành đã đạt được 95%, các hạng mục công trình đã được thi công hoàn thiện theo thiết kế và đang tiến hành hoàn thiện về kiến trúc và cơ điện. Sau tết, công trường sẽ hoàn trả mặt bằng sau khi tiến hành công tác trải thảm nhựa.

Nín thở, giả đau bụng né thổi nồng độ cồn ở Hà Nội ngày cuối năm

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang tới gần. Những ngày này, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội phải làm việc nhiều hơn để ngăn chặn các trường hợp vi phạm giao thông tăng cao vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là những vi phạm về nồng độ cồn. Theo lực lượng chức năng, cuối năm Âm lịch nhiều tiệc tùng nên số lượng người vi phạm về uống rượu bia khi tham gia giao thông càng tăng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nín thở, giả đau bụng né thổi nồng độ cồn, người vi phạm khiến CSGT Hà Nội ‘mướt mồ hôi’

“Người ta cố tình chống đối bằng nhiều cách: gọi điện thoại cầu cứu, cố tình kêu đau bụng không thổi được, yêu cầu về nhà, ốm, không chấp hành quy định kiểm tra. Người ta không thổi thì không lên được hơi vào máy đo nồng độ cồn để xử lý.

Những trường hợp này chúng tôi yêu cầu thổi 3 lần. Nếu trong 3 lần không chấp hành thì chúng tôi sẽ lập biên bản không chấp hành theo yêu cầu của lực lượng chức năng. Việc kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn của công an TP dịp cuối năm rất khó khăn. Trong tình hình dịch bệnh, các trường hợp vi phạm né tránh. Các quán bia rượu, người của quán sẽ đi ra trước để xem có lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn hay không. Người ta sẽ thông báo về cho khách hàng đã uống bia rượu đi cung đường khác để né tránh kiểm tra vi phạm, rất khó khăn trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn”, Đại úy Nguyễn Văn phú, Đội CSGT số 6, Công an thành phố Hà Nội cho biết.

Một người vi phạm nồng độ cồn không hợp tác với lực lượng cảnh sát, liên tục kêu đau bụng.

Vấn Tâm

Hôm nay bên em có liên hoan tổng kết cuối năm nên em có uống một chút thôi. Đến giờ làm xong em về ăn cơm tối ở nhà. Em uống ít thôi, uống có vài chén rượu. Em định để xe ở công ty nhưng mà mang xe về để mai còn đi về đón cháu. Em thấy bây giờ là em khỏe rồi giờ muộn rồi nên em về nhà ăn cơm mà ở công ty không còn xe. Em biết mình vi phạm nồng độ cồn. Em biết là sẽ bị xử lý rất nặng. Nhưng bây giờ em vẫn còn đang tỉnh táo, vẫn có thể đi về được. Em rút ra bài học sau này không dám vi phạm nữa, sau này em sẽ để xe ở lại rồi nhờ bạn chở về”, một người dân vi phạm nồng độ cồn khi đi xe máy cho biết.

Sau hơn một giờ đồng hồ thuyết phục, người vi phạm nồng độ cồn mới chịu ngậm vào ống thổi nhưng quyết tâm nín thở.

Vấn tâm

Với các trường hợp chống đối kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng chúng tôi cũng khuyến cáo người tham gia giao thông là bia rượu là văn hóa cổ truyền của dân tộc ta. Nhưng nếu mình có uống bia rượu, bằng nhiều cách, có thể nhờ người nhà hoặc bạn bè đưa về và có thể đi bằng các phương tiện công cộng như xe ôm, taxi để đi về nhà an toàn, tuyệt đối không lái xe khi đã uống bia rượu”, Đại úy Văn Phú cho biết thêm.

Nhiều người dù chỉ uống một vài ly rượu, cốc bia liên hoan dịp cuối năm vẫn phải đối mặt với mức phạt nghiêm với hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông của nghị định 100/2021, có thể lên đến 8 triệu đồng/ lần vi phạm và tước bằng lái xe 2 năm.

Số ca mắc Covid-19 ở Pháp tăng nhanh

Đến 17 giờ chiều 23.1 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 349.184.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.591.000 ca tử vong và hơn 9.790.075.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Với hơn 70.495.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Mỹ cũng đã ghi nhận 865.968 bệnh nhân tử vong.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 39.237.000 ca nhiễm và 489.409 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 23.931.000 ca Covid-19 và 623.191 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 16.506.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 129.505 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 15.891.000 ca nhiễm và 154.298 ca tử vong.

Bị 'mắc kẹt' với nhau vì phong tỏa Covid-19 mà thành đôi

Cô Zhao Xiaoqing (28 tuổi), nhà ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, không ngờ rằng chuyến đi xem mắt vào giữa tháng 12-2021 của mình sẽ kéo dài hơn 20 ngày.

Đây mới là buổi hẹn thứ hai của cô Xiaoqing và anh Zhao Fei (28 tuổi).

Cô chỉ định đến thăm bố mẹ anh Fei rồi về. Tuy nhiên, thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, bất ngờ bị phong tỏa do số ca Covid-19 tăng đột biến khiến cô không thể về nhà.

Bị "mắc kẹt" với nhau vì phong tỏa Covid-19 mà thành đôi

Chỉ sau 1 tuần cô mắc kẹt ở nhà họ, cha mẹ của anh Fei đã thúc giục cặp đôi kết hôn, nhưng Xiaoqing cảm thấy như vậy là "quá vội vàng".

Cô Xiaoqing thừa nhận “không có hứng thú” khi lần đầu thấy ảnh của bạn hẹn. Nhưng cô nhận thấyngoài đời anh trông đẹp trai hơn. Anh chàng còn gây ấn tượng khi tặng cô hoa và biếu nhiều trái cây kèm quà cho phụ huynh của cô.

Sau gần 3 tuần chung sống, cô gái Trung Quốc nhận thấy cả hai có nhiều điểm chung và dần nảy sinh tình cảm.

Cô nói hai người rất hợp nhau, và kể lại rằng "Tôi phải livestream bán táo tại nhà anh ấy, nhưng dù có muộn thế nào thì anh ấy vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Tôi rất cảm động vì điều này".

Zhao Fei (trái) và Zhao Xiaoqing (phải) quyết định đính hôn vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới

Zhao Xiaoqing

Cô xem "mối nhân duyên đặc biệt" này là "thành quả lớn nhất năm 2021" của mình.

Cặp đôi dự định chính thức đính hôn vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới khi lệnh phong toả được gỡ bỏ. Họ sẽ đợi thêm 6 tháng trước khi tiến tới hôn nhân.

Những câu chuyện bị mắc kẹt trong lúc đi xem mắt không còn là quá hiếm tại Trung Quốc khi có thêm nhiều ổ dịch Covid-19.

Mới đây, cô gái Trung Quốc họ Wang trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội Douyin nhờ quay lại cuộc sống cùng đối tượng xem mắt khi cả hai bị mắc kẹt do lệnh phong toả.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 23.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.