Bản tin Covid-19 ngày 20.1: Cả nước 16.715 ca | Hà Nội sẽ tiêm vắc xin xuyên tết

20/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 20.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 20.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.715 ca Covid-19, 5.736 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 20.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 19.1 đến 16h ngày 20.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.715 ca nhiễm mới, 5.736 ca khỏi bệnh. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin tối 20.1 cũng thông báo về 152 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 36.266 ca.

Ngày 20.1: Cả nước 16.715 ca Covid-19, 5.736 ca khỏi | Hà Nội 2.884 ca | TP.HCM 245 ca

Thông tin về 16.715 ca nhiễm mới như sau:

  • 78 ca nhập cảnh.
  • 16.637 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 11.796 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.884), Đà Nẵng (983), Hải Phòng (722), Bến Tre (614), Khánh Hòa (579), Hưng Yên (565), Bình Định (521), Quảng Ngãi (513), Thanh Hóa (497), Bình Phước (462), Quảng Ninh (389), Bắc Giang (386), Bắc Ninh (373), Cà Mau (361), Trà Vinh (332), Quảng Nam (288), Thừa Thiên-Huế (285), Nam Định (283), Hải Dương (280), Vĩnh Phúc (270), Vĩnh Long (269), Nghệ An (245), TP.HCM (245), Tây Ninh (239), Thái Nguyên (235), Lâm Đồng (231), Hòa Bình (218), Bà Rịa - Vũng Tàu (154), Đắk Lắk (153), Tuyên Quang (153), Lạng Sơn (143), Gia Lai (143), Quảng Trị (142), Phú Thọ (139), Bình Thuận (138), Ninh Bình (138), Thái Bình (137), Bạc Liêu (135), Quảng Bình (132), Kon Tum (119), Yên Bái (103), Lào Cai (103), Phú Yên (101), Hà Giang (101), Hà Nam (98), Đắk Nông (98), Điện Biên (98), Sơn La (98), Hậu Giang (90), Đồng Tháp (80), Kiên Giang (77), Đồng Nai (65), Bình Dương (61), Hà Tĩnh (55), An Giang (51), Cần Thơ (47), Long An (38), Cao Bằng (38), Tiền Giang (37), Lai Châu (36), Sóc Trăng (33), Ninh Thuận (29), Bắc Kạn (5).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (-271), Thanh Hóa (-131), Bình Phước (-73).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Định (+109), Quảng Ninh (+92), Đà Nẵng (+91).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.234 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.094.802 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.225 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.088.295 ca, trong đó có 1.792.107 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (512.195), Bình Dương (292.305), Hà Nội (99.910), Đồng Nai (99.530), Tây Ninh (86.553).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5.736 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.794.924 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.591 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.062 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 750 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 112 ca
  • Thở máy xâm lấn: 647 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 19.1 đến 17h30 ngày 20.1 ghi nhận 152 ca tử vong:

  • Tại TP.HCM (13) trong đó có 2 ca từ các tỉnh chuyển đến: Long An (1), Tiền Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (12), Kiên Giang (12), Sóc Trăng (9), Tiền Giang (9), Hậu Giang (9), Tây Ninh (6), An Giang (6), Bến Tre (6), Bình Dương (5), Long An (5), Cần Thơ (5), Bạc Liêu (5), Bình Phước (4), Đồng Nai (4), Hòa Bình (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bình Thuận (3), Bắc Ninh (3), Hà Giang (3), Bình Định (3), Khánh Hòa (2), Cà Mau (2), Điện Biên (1), Nghệ An (1), Đà Nẵng (1), Phú Yên (1), Đắk Lắk (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 157 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.266 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.719.606 mẫu tương đương 76.534.613 lượt người

Trong ngày 19.1 có 1.060.059 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 172.714.400 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.789.865 liều, tiêm mũi 2 là 73.308.371 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 20.616.164 liều.

Hà Nội tiêm vắc xin Covid-19 “xuyên Tết” cho hơn 1.000 người cao tuổi có bệnh nền

Sáng 20.1.2022, thông tin về triển khai công tác năm 2022 của ngành y tế, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định Thủ đô luôn được Trung ương, Chính phủ quan tâm trong mọi mặt, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội tiêm vắc xin Covid-19 “xuyên Tết” cho hơn 1.000 người cao tuổi có bệnh nền

Ông Chu Ngọc Anh nhắc lại thời điểm ngày 19.7.2021, trong buổi làm việc với Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phải bảo vệ tuyệt đối cho Thủ đô, an toàn cho sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết. Từ đó Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô đã nỗ lực hết mình vì mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19 hiệu quả.

Người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội đã điểm qua một loạt con số để minh chứng cho kết quả nỗ lực của ngành Y tế Hà Nội trong năm qua và khẳng định tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội tiếp tục được kiểm soát. Cụ thể, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến 12h00 ngày 18.1.2022), Hà Nội ghi nhận hơn 96.600 ca mắc, trong đó có 129 trường hợp nhập cảnh, 376 trường hợp tử vong (chiếm tỉ lệ 0,39%). Hiện Hà Nội đang điều trị theo mô hình tháp 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong số hơn 56.700 người (có tỉ lệ là 95,45%) bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng (thuộc tầng 1) thì có gần 49.000 người đang điều trị tại nhà... Đồng thời, 85-87% trường hợp tử vong do Covid-19 ở Hà Nội là người già, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.

Về công tác tiêm phòng vắc xin, đến nay, Hà Nội đã tiêm được hơn 13,1 triệu mũi. Trong đó:

  • Trẻ 12-14 tuổi tiêm mũi 1 đạt 99,5%; mũi 2 đạt 89,1%.
  • Trẻ 15-17 tuổi: tiêm mũi 1 đạt 99,4 %; mũi 2 đạt 93,3 %.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng trong việc thần tốc tiêm vét cho người trên 50 tuổi, có bệnh nền để giảm tỉ lệ tử vong, Hà Nội đã nỗ lực triển khai và từ con số 110.000 trường hợp chưa tiêm, đến nay, chỉ còn trên 1.000 người.

Ông Chu Ngọc Anh cam kết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội sẽ chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác này. Hà Nội phấn đấu tiêm hết cho các trường hợp này, kể cả phải tiêm xuyên Tết. Con số hơn 1.000 người cao tuổi có bệnh nền chưa được tiêm phải nhanh nhất chuyển về 0.

Chia sẻ thêm về nỗ lực của Thành ủy, UBND thành phố, các cấp chính quyền trong thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ chuyện cảm động với sự chung tay của các cấp cơ sở với nhiều cuộc gọi lúc nửa đêm, rạng sáng. Từ công thức "5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân + các biện pháp khác"... hàng ngày, các cấp đều rà soát từng việc nhỏ và có giải pháp ngay với những việc chưa đạt yêu cầu... Hà Nội cũng phân cấp, phân quyền thực chất cho cơ sở để chuẩn bị sẵn các điều kiện ưu tiên cho phòng, chống dịch.

Lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh Hà Nội đã triển khai tăng cường cho y tế cơ sở, thành lập các trạm y tế lưu động theo quy mô dân số chứ không theo địa giới hành chính theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về việc "lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", “người dân là trung tâm". Đồng thời khẳng định Hà Nội sẽ tập trung vào "3 không" gồm: Không nhiễm, Không chuyển nặng, Không tử vong. Toàn bộ nền tảng này sẽ giúp Thủ đô bình tĩnh, quyết đoán, chủ động trong mọi tình huống.

Hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc sau 2 năm chống dịch

Sáng 20.1.2022, tổng kết công tác y tế năm 2021, Bộ Y tế cho biết vừa qua ca mắc Covid-19 tăng nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột, gây quá tải hệ thống y tế, đến nay dịch cơ bản được kiểm soát. So với tháng cao điểm (tháng 8, 9.2021) số ca tử vong đã giảm, nhưng vẫn ở mức gần 200 ca/ngày.

Hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc sau 2 năm chống dịch Covid-19

Đáng lưu ý, do ảnh hưởng của dịch, ca tử vong do Covid-19 tăng cao, một số chỉ tiêu y tế không đạt, trong đó, chỉ tiêu về tuổi thọ trung bình hiện ở mức 73,7 tuổi, không đạt so với chỉ tiêu (73,8 tuổi).

Bộ Y tế cũng đánh giá một số hạn chế trong điều trị Covid-19 như: một số địa phương quản lý F0 chưa sát với hướng dẫn, còn tình trạng F0 chưa được can thiệp kịp thời; sử dụng thuốc điều trị tại nhà chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (như dùng thuốc chống đông, kháng viêm quá sớm…).

Bên cạnh đó, trong 2 năm chống dịch, nhân viên y tế mệt mỏi do liên tục làm việc trong môi trường áp lực cao, đối diện nguy cơ lây nhiễm cao, bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc nên đã có hàng ngàn người xin nghỉ, thôi việc, gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực.

Năm 2022, Chính phủ giao Bộ Y tế đạt chỉ tiêu 3,03 dược sĩ đại học/10.000 dân; 15 điều dưỡng/10.000 dân; 9.4 bác sĩ/10.000 dân; 29,5 giường bệnh/10.000 dân; tuổi thọ bình quân đạt 73,8…

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, TP.HCM từng là tâm dịch lớn nhất, khó nhất của cả nước trong năm 2021 hiện đã là vùng xanh. TP.HCM có trách nhiệm ngăn chặn, đẩy lui dịch. Từ kinh nghiệm chống dịch của TP.HCM, các tỉnh cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin để an toàn "mở cửa". Thiếu vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm; có vắc xin nhưng không tiêm được, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm.

Nhiễm biến thể Omicron bao lâu thì có thể lây? Triệu chứng gì?

Chủng mới Omicron được cho là phát triển ở những người nhiễm với tốc độ nhanh hơn so với các biến thể Covid-19 trước đó.

Nhiễm biến thể Omicron bao lâu thì có thể lây? Triệu chứng gì?

Biến thể Omicron của Covid-19 đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới kể từ khi được phát hiện vào cuối tháng 11 ở miền nam châu Phi. Nhưng điều không còn ai nghi ngờ là khả năng lây lan vượt trội so với các biến thể trước, kể cả Alpha và Delta.

Cho đến nay, Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 110 quốc gia. Nhiều nước đã phải áp dụng lại biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng này. Một điều rõ ràng được nhận thấy trong vài tuần qua là nó khác với chủng Covid-19 ban đầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể từ 2 ngày đến 2 tuần. Tuy nhiên, ở biến thể Omicron, thời gian từ lúc phơi nhiễm đến khi có triệu chứng có thể chỉ là 3-5 ngày.

Điều này giải thích cho việc tại sao Omicron lây lan mạnh và nhanh chóng như vậy. Vì thời gian ủ bệnh ngắn, người nhiễm Omicron không có nhiều thời gian từ lúc nghi nghiễm đến lúc phát triệu chứng. Vì vậy, đến khi có kết quả dương tính thì có thể không còn kịp để cảnh báo người khác và cách ly để tránh lây lan.

Nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins gần đây đã cảnh báo: "Thời gian ủ bệnh ngắn hơn làm cho virus khó kiểm soát hơn rất nhiều".

Triệu chứng

Một đặc điểm khác khiến Omicron có thể khó bị phát hiện hơn các chủng trước đó là triệu chứng. Các triệu chứng thường được liên hệ với Covid-19 là ho, sốt và mất vị giác hoặc khứu giác.

Tuy nhiên, các triệu chứng cảnh báo có thể đã mắc Omicron là ngứa cổ họng, đau lưng dưới, chảy nước mũi, đau nghẹt mũi, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi, hắt hơi, đổ mồ hôi đêm.

Theo phân tích bệnh nhân nhiễm Omicron ở Anh, thời gian bình phục sẽ là 5-7 ngày, mặc dù một số triệu chứng như ho và mệt mỏi có thể kéo dài lâu hơn. Đối với các ca nặng hơn, bệnh nhân có thể bị khó thở kéo dài tới 13 ngày sau đó.

Còn phải lo ngại điều gì?

Nghiên cứu cho thấy Omicron có khả năng vượt qua miễn dịch tự nhiên do bị nhiễm Covid-19 trước đó, tức là người từng nhiễm các biến chủng trước vẫn có thể bị nhiễm Omicron.

Một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London ước tính nguy cơ tái nhiễm liên quan Omicron cao hơn 5,4 lần so với biến thể Delta.

Bên cạnh đó, WHO cho biết dù không có triệu chứng, người nhiễm vẫn có thể lây lan Covid-19. Thông thường, những người mắc Covid-19 có thể lây sang người khác từ khoảng 2 ngày sau khi có các biểu hiện đầu tiên và trong khoảng 10 ngày sau đó.

Cho đến nay, biện pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân vẫn là tiêm vắc xin Covid-19, cũng như mũi tăng cường nếu có thể.

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ba liều vắc xin cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả chống bệnh nặng, nhập viện và tử vong vì Omicron.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn nên tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 như đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 20.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.