Bản tin Covid-19 ngày 22.2: Cả nước 55.879 ca | Dịch bệnh tiếp tục “phá kỷ lục”

22/02/2022 19:44 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 55.879 ca Covid-19, 10.412 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 22.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 21.2 đến 16h ngày 22.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới, 10.412 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 77 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.682 ca.

Ngày 22.2: Cả nước 55.879 ca Covid-19, 10.412 ca khỏi | Hà Nội 6.860 ca | TP.HCM 1.352 ca

Thông tin về 55.879 ca nhiễm mới như sau:

  • 8 ca nhập cảnh.
  • 55.871 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.010 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 39.728 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (6.860), Bắc Ninh (2.842), Bắc Giang (2.500), Hải Dương (2.485), Quảng Ninh (2.087), Hòa Bình (2.087), Phú Thọ (2.084), Lào Cai (2.056), Nam Định (1.943), Vĩnh Phúc (1.811), Hải Phòng (1.798), Ninh Bình (1.665), Thái Nguyên (1.645), Sơn La (1.494), Nghệ An (1.441), TP.HCM (1.352), Hưng Yên (1.312), Yên Bái (1.290), Thái Bình (1.282), Khánh Hòa (1.213), Thanh Hóa (995), Đắk Lắk (989), Quảng Nam (976), Đà Nẵng (946), Tuyên Quang (845), Bình Định (835), Lạng Sơn (765), Hà Tĩnh (690), Cao Bằng (649), Lâm Đồng (630), Quảng Bình (567), Điện Biên (499), Quảng Trị (494), Gia Lai (461), Bà Rịa - Vũng Tàu (441), Bình Phước (429), Lai Châu (388), Hà Nam (380), Cà Mau (351), Phú Yên (316), Thừa Thiên-Huế (237), Bắc Kạn (233), Đắk Nông (232), Hà Giang (181), Kon Tum (157), Bình Thuận (155), Quảng Ngãi (135), Bình Dương (132), Tây Ninh (113), Bến Tre (64), Bạc Liêu (50), Đồng Tháp (47), Cần Thơ (46), Vĩnh Long (40), Đồng Nai (37), Trà Vinh (37), Long An (27), Kiên Giang (17), Ninh Thuận (14), An Giang (9), Sóc Trăng (9), Hậu Giang (6).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thanh Hóa (-262), Thái Nguyên (-217), Quảng Bình (-211).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+1.383), Bắc Giang (+878), Lào Cai (+875).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 43.605 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.890.252 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 29.261 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.882.983 ca, trong đó có 2.302.264 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (522.142), Bình Dương (294.271), Hà Nội (210.681), Đồng Nai (100.574), Tây Ninh (89.228).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.412 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.305.081 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.434 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.708 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 334 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 106 ca
  • Thở máy xâm lấn: 273 ca
  • ECMO: 13 ca

Từ 17h30 ngày 21.2 đến 17h30 ngày 22.2 ghi nhận 77 ca tử vong tại: Hà Nội (17), Thanh Hóa (8 ca trong 2 ngày), Nghệ An (6), Bình Định (4), Kiên Giang (4), Phú Yên (4), Đà Nẵng (3), Đắk Lắk (3), Hòa Bình (3), Vĩnh Long (3), Bình Phước (2), Hải Phòng (2), Khánh Hòa (2), Lâm Đồng (2), Nam Định (2), Sóc Trăng (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Ninh Bình (1), Quảng Ngãi (1), Thái Bình (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 80 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.682 ca, chiếm tỉ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.203.787 mẫu tương đương 78.586.958 lượt người.

Trong ngày 21.2 có 327.532 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 191.993.381 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 175.228.460 liều: Mũi 1 là 70.881.550 liều; Mũi 2 là 67.300.879 liều; Mũi 3 là 1.446.638 liều; Mũi bổ sung là 13.489.116 liều; Mũi nhắc lại là 22.110.277 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.764.921 liều: Mũi 1 là 8.611.127 liều; Mũi 2 là 8.153.794 liều.

Vừa báo khống giá kit test Covid-19, chủ tiệm thuốc Hà Nội bỗng 'mất trí nhớ' khi bị kiểm tra

Những ngày qua, mỗi ngày thành phố Hà Nội liên tục ghi nhận hơn 4.000 - 5.000 ca nhiễm Covid-19, mức cao nhất cả nước và là kỷ lục ở Hà Nội kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhiều người dân đổ đi mua bộ kit test Covid-19 xét nghiệm nhanh tại nhà khiến mặt hàng này nhảy giá loạn xạ.

Vừa báo khống giá kit test Covid-19, chủ tiệm thuốc Hà Nội bỗng 'mất trí nhớ' khi bị kiểm tra

Ngày 21.2.2022, tại các cửa hàng thuốc trên phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội), phóng viên ghi nhận mỗi nơi bán kit test Covid-19 xét nghiệm một giá khác nhau. Thậm chí ngay cùng một cửa hàng, giá bộ kit cũng thay đổi trong nháy mắt.

Giá niêm yết kit test nhanh Covid-19 là 55.000 đồng. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, những kit test nhanh này đang bị đội giá cao nhưng vẫn không có hàng để bán.

Thêm nhiều tỉnh thành lùi thời gian học sinh đến trường

Theo tổng hợp của Bộ GD-ĐT đến cuối giờ chiều 21.2.2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên có thêm nhiều tỉnh, thành phố quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp.

Dịch Covid-19 phức tạp, thêm nhiều tỉnh, thành lùi thời gian cho học sinh đến trường

Thống kê về số địa phương và học sinh đến trường ở từng cấp học của Bộ GD-ĐT như sau:

Khối mầm non có ít địa phương cho học sinh đến trường nhất: 48/63 tỉnh, thành phố mở cửa trường trường với hơn 1,8 triệu trẻ, tỉ lệ 55,31%.

Các tỉnh, thành dừng học trực tiếp với bậc mầm non gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Tiền Giang, Đắk Lắk (TP.Buôn Mê Thuột).

Khối tiểu học: 54/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học với hơn 5,2 triệu học sinh, tỉ lệ 87,06%.

Các địa phương dừng học trực tiếp gồm: Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (TP.Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Ở khối THCS, 60/63 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp với hơn 4,7 triệu học sinh, tỉ lệ 90,41%.

Các địa phương dừng học trực tiếp: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc và riêng Hà Nội khối lớp 6 của 12 quận nội thành chưa được đến trường.

Khối THPT có số địa phương dạy học trực tiếp lớn nhất, có 62/63 tỉnh, thành phố với hơn 2,3 triệu học sinh, tỉ lệ 90,47%.

Tỉnh duy nhất dừng học trực tiếp ở cấp học này là Lào Cai.

TP.HCM xem xét dừng học trực tiếp nếu mỗi ngày hơn 100 trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng

Chiều 22.2.2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM họp giao ban định kỳ trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới có dấu hiệu gia tăng, bao gồm cả trẻ em khi các khối lớp học trực tiếp tại nhà trường.

TP.HCM xem xét dừng học trực tiếp nếu mỗi ngày hơn 100 trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng

Sở Y tế TP.HCM cho biết từ ngày 14.2 đến nay, số ca trẻ em tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7.2 đến 13.2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học; bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh. Trong đó cấp mầm non là 394 em, cấp tiểu học là 2.786 em, THCS là 1.875 em, THPT – giáo dục thường xuyên là 1.744. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng với 201 trường.

Hiện 3 bệnh viện nhi thành phố (Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng TP.HCM) đang điều trị nội trú cho 100 em. Trong đó có 84% trẻ có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng), 11% trẻ em phải hỗ trợ hô hấp, 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cũng cho thấy số trẻ em dưới 12 tuổi chiếm 93% ca bệnh, đây là lứa tuổi chưa được tiêm vắc xin, trong đó 65% là trẻ dưới 5 tuổi.

Về cơ sở hạ tầng thu dung trẻ em, hiện 3 bệnh viện nhi có 450 giường ở khoa điều trị Covid-19, mỗi bệnh viện có 150 giường, trong đó có 50 giường hồi sức.

Sở Y tế cũng cho biết các chuyên gia cũng xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc Covid-19 gia tăng, trong đó ưu tiên điều trị tại các bệnh viện nhi thành phố; mở rộng thêm số giường tại các bệnh viện nhi, huy động các bệnh viện quận, huyện có khoa nhi.

Ngành y tế cũng theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện nay mỗi ngày chỉ có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp.

Nhiều địa phương cũng cho biết số trẻ em mắc Covid-19 từ khi đến trường học trực tiếp gia tăng.

UBND TP.Thủ Đức cho biết khi học sinh đi học thì tình trạng lây lan ca nhiễm trong trẻ em diễn ra nhanh, trong đó có nhiều trường hợp lây nhiễm tại trường và về nhà lây nhiễm cho người thân trong gia đình. Điểm tích cực của TP.Thủ Đức là những ngày gần đây không ghi nhận ca tử vong, ca gần nhất là ngày 8.2. Lãnh đạo UBND TP.Thủ Đức cho biết đã sẵn sàng tiêm cho trẻ em độ tuổi 5 - 11 tuổi (ước tính hơn 93.000 cháu) do qua đánh giá thì đa số ca nhiễm là trẻ dưới 12 tuổi.

Bác sĩ trẻ Sài Gòn 'gây thương nhớ' khi cất cao giọng hát

Trong chương trình tri ân “Lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2”, ba bác sĩ trẻ điển trai đã cùng hát ca khúc “Đón bình minh” đầy tươi trẻ, lạc quan khiến nhiều khán giả thích thú.

Bác sĩ trẻ Sài Gòn 'gây thương nhớ' khi cất cao giọng hát

Phần thể hiện của ba bác sĩ trẻ trong chương trình tri ân “Lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2” tại Trung tâm hội nghị - sự kiện Gem Center, TP.HCM khiến nhiều người bất ngờ và thích thú.

Bác sĩ Đặng Minh Hiệu, đang công tác tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, là gương mặt quen thuộc, từng biết đến với bức ảnh “Nụ cười đi vào tâm dịch” khi xung phong cạo đầu để đi tình nguyện Bắc Giang vào cuối tháng 5.2021.

Đồng hành cùng bác sĩ Hiệu là bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh – đến từ Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Bưu điện và bác sĩ bác sĩ Hồ Quốc Pháp đến từ Bệnh viện Nhi đồng 2. Tất cả các bác sĩ đều thuộc thế hệ 9X, điển trai và giọng hát ấm áp.

Chương trình là cầu nối để mọi người có thể gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện chống dịch của lực lượng tuyến đầu, là nơi lan tỏa những giá trị nhân văn được gửi gắm qua hành động tử tế trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Chương trình tri ân “Lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2” là sự kiện nằm trong hoạt động của chương trình âm nhạc vì cộng đồng “Hát cho ngày mai”. Ngoài tiết mục của ba bác sĩ trẻ, chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Trần Tiến và Du Ca band, ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Thanh Lam, ca nhạc sĩ Tạ Quang Thắng, ca nhạc sĩ Vũ Quốc Việt, MC Quyền Linh, MC Phùng Thế Phi.

Cũng trong dịp này, Tập đoàn Hoa Sen đã dành tặng hơn 4 tỉ đồng cho các đơn vị, cá nhân có những đóng góp to lớn trong công tác phòng chống dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.