Bản tin Covid-19 ngày 13.4: Cả nước thêm 24.623 ca | Hậu Covid-19 bao lâu mới hết?

13/04/2022 20:08 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 13.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 13.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 24.623 ca Covid-19, 13.887 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 13.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 12.4 đến 16h ngày 13.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới, tất cả đều là ca nhiễm trong nước.

Trong ngày có 13.887 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 20 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.878 ca.

Ngày 13.4: Cả nước 24.623 ca Covid-19, 13.887 ca khỏi | Hà Nội 1.727 ca | TP.HCM 848 ca

Thông tin về 24.623 ca nhiễm mới như sau.

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 24.623 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.819 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 19.823 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.727), Phú Thọ (1.627), Vĩnh Phúc (1.147), Nghệ An (989), Yên Bái (972), Đắk Lắk (943), Quảng Ninh (914), Hải Dương (897), Bắc Kạn (850), TP.HCM (848), Tuyên Quang (779), Lào Cai (752), Bắc Giang (730), Thái Nguyên (566), Lâm Đồng (562), Cao Bằng (548), Lạng Sơn (513), Thái Bình (511), Quảng Bình (472), Hưng Yên (464), Bắc Ninh (434), Sơn La (425), Hòa Bình (422), Nam Định (390), Đà Nẵng (383), Tây Ninh (357), Quảng Trị (336), Lai Châu (316), Gia Lai (287), Cà Mau (286), Hà Tĩnh (286), Bình Dương (260), Bình Phước (255), Vĩnh Long (248), Ninh Bình (245), Quảng Nam (239), Hà Nam (238), Quảng Ngãi (237), Điện Biên (235), Bà Rịa - Vũng Tàu (228), Bình Định (169), Hải Phòng (169), Bình Thuận (149), Thanh Hóa (136), Đắk Nông (136), Bến Tre (135), Hà Giang (118), Thừa Thiên Huế (116), Khánh Hòa (98), Phú Yên (88), Kiên Giang (81), An Giang (61), Long An (59), Trà Vinh (58), Bạc Liêu (32), Đồng Tháp (32), Kon Tum (22), Sóc Trăng (17), Đồng Nai (15), Cần Thơ (4), Ninh Thuận (4), Hậu Giang (3), Tiền Giang (3).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-282), Lào Cai (-236), Hà Nội (-215).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+377), Phú Thọ (+243), Vĩnh Phúc (+232).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 31.181 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.297.587 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 104.128 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.289.840 ca, trong đó có 8.768.177 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.527.942), TP.HCM (603.976), Nghệ An (418.676), Bình Dương (382.112), Bắc Giang (377.326).

Theo s liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.887 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.770.994 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.205 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 897 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 115 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 32 ca
  • Thở máy xâm lấn: 158 ca
  • ECMO: 3 ca

Từ 17h30 ngày 12.4 đến 17h30 ngày 13.4 ghi nhận 20 ca tử vong tại: Bạc Liêu (3 ca trong 2 ngày), Cần Thơ (3), Kiên Giang (3), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Bắc Kạn (1), Bắc Ninh (1), Bến Tre (1), Hậu Giang (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 24 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.878 ca, chiếm tỈ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện LÀ 39.244.468 mẫu tương đương 85.511.551 lượt người.

Trong ngày 12.4 có 214.550 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 208.810.706 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.580.356 liều: Mũi 1 là 71.384.931 liều; Mũi 2 là 68.497.377 liều; Mũi 3 là 1.505.597 liều; Mũi bổ sung là 15.019.368 liều; Mũi nhắc lại là 35.173.083 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.230.350 liều: Mũi 1 là 8.824.064 liều; Mũi 2 là 8.406.286 liều.

5 ngày liên tiếp, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 12.4.2022, TP.HCM đạt năm ngày liên tiếp không có ca tử vong do Covid-19.

5 ngày liên tiếp, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19

Theo đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM chỉ còn bằng khoảng 1/5 so với cùng kỳ tháng trước.

Ngày 12.4, TP.HCM có 658 ca mắc Covid-19. Trong đó, chỉ có 111 ca nhập viện, nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện là 1.383 ca.

Thành phố này cũng chỉ còn 33 ca cách ly tập trung và 15.767 ca cách ly tại nhà.

Như vậy, hiện tại, TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị tổng cộng hơn 17.000 ca, chỉ bằng 1/6 so với cùng kỳ tháng trước (con số của thời điểm tháng trước là 106.000 ca).

Tính từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM có khoảng hơn 600.000 ca mắc Covid-19 và hơn 20.000 ca tử vong được công bố.

Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin, hiện TP.HCM đã tiêm tổng cộng hơn 20,4 triệu liều.

Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 của TP.HCM là đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi.

Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi Bộ Y tế cung cấp vắc xin. TP.HCM tổ chức tiêm tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Hiện TP.HCM còn khoảng hơn 500.000 liều vắc xin Covid-19, trong đó có khoảng 250.000 liều Vero Cell - Sinopharm; 1.932 liều Moderna và hơn 300.000 liều Pfizer. Riêng vắc xin AstraZeneca không còn liều nào.

Cách phòng dịch khi trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp

Từ ngày 13.4.2022, trẻ mầm non trên cả nước được trở lại trường học trực tiếp. Điều này đã mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, không ít các bậc cha mẹ lo lắng khi lứa tuổi này còn quá nhỏ để có thể chấp hành hướng dẫn phòng dịch Covid-19.

Cách phòng dịch Covid-19 khi trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng phụ huynh không chờ đợi việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.

Việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm... Phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.

Ngoài ra, vừa qua trẻ em ở nhà dương tính Covid-19 rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.

Để phòng bệnh cho trẻ mầm non khi trở lại trường, ông Trần Đắc Phu có những lưu ý đối với cha mẹ của trẻ như sau:

  • Không đến trường, không đưa trẻ đến trường nếu bản thân đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
  • Cần đeo khẩu trang cho mình và cho trẻ.
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các thời điểm: trước khi đến trường, sau khi trở về nhà, khi thấy tay bẩn và khi cần thiết.
  • Tại nhà, cha mẹ cần đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe cho trẻ. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học đồng thời thông báo cho nhà trường, cơ sở y tế.

Ngoài ra, sau thời gian quá dài phải nghỉ ở nhà, khi được đi học trực tiếp, trẻ sẽ có những rụt rè và lo lắng, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường; hỗ trợ con chuẩn bị tốt về thể lực và tâm lý để sẵn sàng nhập cuộc.

Đối với nhà trường, ông Trần Đắc Phu lưu ý nhà trường nên bố trí các em theo nhóm, lớp và cho ăn riêng, ngủ riêng để hạn chế tối đa tiếp xúc với nhau. Như vậy, khi có trẻ dương tính SARS-CoV-2, việc xử lý, khoanh vùng sẽ dễ dàng, gói gọn trong phạm vi hẹp và không ảnh hưởng tới nhóm khác. Đặc biệt, khi trẻ tới trường học trực tiếp, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, Hà Nội là địa phương cuối cùng trên cả nước đồng ý cho trẻ mầm non đi học trực tiếp vào ngày 13.4. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ mầm non đi học trực tiếp cho thấy khoảng gần 90% phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Đây là con số rất đáng mừng, thể hiện tinh thần đồng thuận cao và cũng là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh về việc con em mình được đến trường vui chơi, học tập.

Các triệu chứng hậu Covid-19 bao lâu mới hết?

Có hàng trăm triệu chứng hậu Covid-19 mức độ nặng, nhẹ khác nhau và với mỗi triệu chứng, cơ thể đều cần thời gian để phục hồi từ vài tuần, vài tháng, thậm chí lâu hơn.

Các triệu chứng hậu Covid-19 bao lâu mới hết?

TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết có rất nhiều nghiên cứu về triệu chứng liên quan đến Covid-19 cũng như hậu Covid-19. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, phân loại các triệu chứng như sau:

Covid-19 cấp tính: Các triệu chứng Covid-19 kéo dài đến 4 tuần sau khởi phát triệu chứng.

Tình trạng hậu Covid-19: Các triệu chứng (thực thể và tinh thần) xuất hiện trong hoặc sau bị Covid-19, tiếp diễn đến hoặc lâu hơn 2 tháng và không giải thích được bằng triệu chứng nào khác.

Có hơn 1/3 số bệnh nhân mắc Covid-19 có nhiều hơn một triệu chứng dai dẳng. Đặc biệt, tần suất và thời gian để vượt qua các triệu chứng hậu Covid-19 dao động nhiều theo các nghiên cứu.

Trong đó, các triệu chứng phổ biến nhất như: Mệt mỏi có tần suất gặp ở 15 - 87% người bệnh. Khó thở tần suất gặp ở 10 - 71% người bệnh. Đau ngực tần suất gặp ở 12 - 44% người bệnh. Ho có tần suất gặp ở 17 - 34% người bệnh. Các triệu chứng trên cần ít nhất 2 - 3 tháng hoặc hơn để phục hồi. Triệu chứng mất khứu giác tần suất gặp ở 10 - 13%, người nhiễm mất khoảng 1 tháng phục hồi và hiếm khi kéo dài.

Trong khi đó, các triệu chứng ít gặp như: Đau khớp, nhức đầu, khô mắt, viêm mũi, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, choáng váng, chóng mặt, đau cơ, mất ngủ, rụng tóc, đổ mồ hôi và tiêu chảy… có tần suất gặp dưới 10% người mắc và không rõ thời gian có thể phục hồi, nó có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.

Đặc biệt, về tâm lý và tâm thần kinh như: Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có tần suất gặp ở 7 - 24% người mắc và cần 6 tuần đến 3 tháng hoặc dài hơn để phục hồi.

Chứng suy giảm trí nhớ có tần suất gặp ở 18 - 21% người nhiễm và cần nhiều tuần đến nhiều tháng để phục hồi. Triệu chứng tập trung kém có thể gặp ở 16% người nhiễm và mất nhiều tuần đến nhiều tháng phục hồi. Lo lắng, trầm cảm, giảm chất lượng cuộc sống có tần suất gặp ở trên 50% người nhiễm và thời gian phục hồi cũng khó xác định, có thể nhiều tuần đến nhiều tháng.

Ngoài ra, Covid-19 có thể gây ra các biến chứng như viêm cơ tim và hạ huyết áp tư thế. Tuy nhiên, không phải tất cả các triệu chứng đều liên quan đến Covid-19. Không có khảo sát và xét nghiệm nào phù hợp với tất cả mọi người vì phạm vi rộng các triệu chứng và mức độ nặng.

Cũng theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy, thống kê của các tài liệu cho thấy có trên 200 triệu chứng sau khi bị Covid-19. Những người bị tổn thương hậu Covid-19 thường là các trường hợp nhiễm Covid-19 cấp tính nặng được điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Đặc biệt, một tỉ lệ đáng kể bệnh nhân Covid-19 cấp tính nặng có các bệnh lý kèm theo.

Tuy nhiên có rất nhiều bệnh nhân do ảnh hưởng tâm lý, lo lắng quá mức, suy nghĩ nhiều hơn so với triệu chứng của mình. Nhiều bệnh nhân luôn thấy bất an, khó thở nhưng khi đi khám, được bác sĩ tư vấn thì tình trạng cải thiện ngay.

Vì vậy những người đã bị Covid-19 rồi, cũng đừng quá lo lắng về từ hậu Covid-19. Nếu có triệu chứng gì kéo dài hoặc mới xuất hiện thì người bệnh có thể đến các phòng khám hậu Covid-19 để khám.

Omicron khác với các biến thể Covid-19 trước ra sao?

Biến thể phụ Omicron BA.2 đang làm gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở Anh, châu Âu và châu Á - nhưng nó khác với các biến thể Covid-19 trước đó như thế nào?

Omicron khác với các biến thể Covid-19 trước ra sao?

Theo thông tin từ trang web Eat This, Not That!, bác sĩ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kristin Englund cho biết Omicron có 50 đột biến trong mã di truyền của nó, nhiều hơn những gì từng thấy trên bất kỳ biến thể nào khác.

30 trong số các đột biến này ảnh hưởng đến protein đột biến, mà các loại vắc xin hiện có sử dụng... Các biến thể mới sẽ tiếp tục phát triển miễn là vi rút có thể tạo ra các bản sao của chính nó và lây lan.

Bác sĩ Kristin Englund lưu ý chúng ta cần phải thông minh hơn vi rút và ngăn chặn nó bằng vắc xin, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và vệ sinh tay đúng cách.

Về các triệu chứng phổ biến nhất của biến thể Omicron, các triệu chứng Omicron trùng lặp với các triệu chứng cảm lạnh điển hình, vì vậy điều rất quan trọng là phải đi xét nghiệm nếu có các triệu chứng giống như cảm lạnh.

Tiến sĩ Claire Steves của trường King's College London (Anh) cho biết các triệu chứng được báo cáo nhiều nhất của Omicron thực sự rất giống cảm lạnh, đặc biệt là ở những người đã được tiêm vắc xin Covid-19.

Vì vậy, nếu cảm thấy không ổn với thời tiết, chúng ta nên xét nghiệm Covid-19 và phải đảm bảo rằng mình hoàn toàn không mắc Covid-19 trước khi gặp gỡ bất kỳ người nào mà chúng ta không sống cùng.

Ngoài ra, các triệu chứng có thể xuất hiện 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút. Những người có các triệu chứng sau đây có thể mắc Covid-19:

  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Ho
  • Thở gấp hoặc khó thở
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức cơ hoặc cơ thể
  • Đau đầu
  • Mất vị giác hoặc khứu giác mới
  • Viêm họng
  • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Tiêu chảy.

Mặc dù biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn biến thể Delta, nhưng nhiều bác sĩ tin rằng Covid-19 sẽ không bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Theo Eat This, Not That!, bác sĩ, tiến sĩ Jacob Lemieux cho biết ông không biết và có lẽ sẽ không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra. Nó không giống như có một nguồn các biến thể vi rút mà ông có thể theo dõi và xem điều gì sắp tới. Tại thời điểm này, rất khó có khả năng SARS-CoV-2 biến mất…

Các bác sĩ cho biết cách tốt nhất để bảo vệ bản thân chống lại Omicron là tiêm chủng và tăng cường sức khỏe.

Bác sĩ Steven Gordon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết các loại vắc xin hiện có ở Mỹ có hiệu quả chống lại Covid-19, và vắc xin mRNA hai mũi, đặc biệt, có hiệu quả chống lại tất cả các biến thể được quan tâm cho đến nay.

Trong thời buổi biến thể Omicron lây lan chủ yếu, thuật ngữ “tiêm chủng đầy đủ” có nghĩa là được tăng cường. Ngay cả với các biến thể cần quan tâm, công cụ quan trọng nhất mà chúng ta có để ngăn ngừa mắc bệnh là tiêm phòng.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 13.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.