Bản đồ cổ thời La Mã tái hiện trong bảo tàng ở Rome

12/01/2024 11:56 GMT+7

Một bản đồ bằng đá cẩm thạch thời La Mã cổ đại không được đưa ra trưng bày trước công chúng trong 100 năm qua đã xuất hiện tại bảo tàng gần Đấu trường La Mã Colosseum.

Forma Urbis là tấm bản đồ bằng đá cẩm thạch hoành tráng, có độ chi tiết cao về La Mã cổ đại được chạm khắc trên 150 phiến đá riêng biệt, với kích thước 18 x 13 mét dưới thời trị vì của Hoàng đế Septimius Severus trong khoảng thời gian từ năm 203 đến 211 sau Công nguyên, theo Reuters.

Bản đồ cổ thời La Mã tái hiện trong bảo tàng ở Rome- Ảnh 1.

Phần còn lại của tấm bản đồ Forma Urbis bằng đá cẩm thạch có độ chi tiết cao thời La Mã cổ đại

REUTERS

Bảo tàng nằm trong công viên khảo cổ Celio trên một trong bảy ngọn đồi nổi tiếng ở thủ đô Rome (Ý) khai trương vào ngày 12.1. Bảo tàng là địa điểm mới nhất của Rome với mong muốn mở rộng sức hấp dẫn khi lượng khách du lịch ngày càng tăng.

Thị trưởng Rome - ông Roberto Gualtieri cho biết: "Đây là một ngày đẹp trời. Chúng tôi đang mở công viên khảo cổ ở một khu vực đặc biệt của thành phố bằng một bảo tàng mới, nơi trưng bày một kiệt tác chưa được nhìn thấy trong khoảng một thế kỷ. Chúng tôi thiết lập một thành phố nơi các bảo tàng và đường phố được kết nối với nhau để mọi người khi đi bộ xung quanh có thể chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp một cách trọn vẹn".

Bản đồ cổ thời La Mã tái hiện trong bảo tàng ở Rome- Ảnh 2.

Bản đồ nổi tiếng của Rome được nhà khảo sát Giovanni Battista Nolli thiết lập vào thế kỷ 18

REUTERS

Tấm bản đồ được tạo ra trên một bức tường ở thành phố cổ, nhưng qua nhiều thế kỷ dần tan rã. Người dân địa phương sử dụng một số tấm đá để xây dựng các tòa nhà mới.

Trong cuộc khai quật năm 1562, các mảnh vỡ đã được tìm thấy. Các học giả ước tính các mảnh vỡ chiếm khoảng 10% tấm bản đồ, bao gồm phần thể hiện Đấu trường La Mã, rạp xiếc Maximus, cũng như sơ đồ mặt bằng của phòng tắm, đền thờ và nhà riêng.

Bức chạm khắc khổng lồ này là nguồn tài liệu quý giá để hiểu được bố cục một thành phố thời La Mã cổ đại. Tuy nhiên tấm bản đồ không được trưng bày kể từ năm 1924.

Các mảnh vỡ của tấm bản đồ được tái tạo từ bản đồ nổi tiếng của Rome được nhà khảo sát Giovanni Battista Nolli thiết lập vào thế kỷ 18. Nolli là người đã lập sơ đồ đường phố chính xác đầu tiên của Rome.

Bản đồ cổ thời La Mã tái hiện trong bảo tàng ở Rome- Ảnh 3.

Các hiện vật trưng bày tại công viên khảo cổ Celio

REUTERS

Bên ngoài bảo tàng, trong công viên ngoài trời bên sườn đồi Caelian, các nhà khảo cổ bố trí lối đi lót bằng các bia mộ La Mã cổ đại và các cột đá cẩm thạch được tìm thấy trong nhiều cuộc khai quật quanh thành phố trong những thập kỷ gần đây.

Nhà khảo cổ Ý, kiêm Giám đốc di sản văn hóa Rome Claudio Parisi Presicce nhận định: "Đồi Caelian, một trong bảy ngọn đồi của La Mã cổ đại, vẫn nằm trong bóng tối, không được biết đến và không thể tiếp cận trong một thời gian rất dài. Hôm nay, cuối cùng chúng tôi cũng đã trả lại nó cho thành phố. Ngọn đồi có tầm quan trọng đặc biệt vì gắn kết quần thể Imperial Forums, Đấu trường La Mã và khu Appia Antica". Dự án trị giá 5,5 triệu USD này là một phần trong kế hoạch tân trang lại Rome, nơi chứng kiến sự bùng nổ du lịch kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc và dự kiến sẽ tràn ngập du khách trong Năm Thánh 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.