3 vấn đề quan trọng của ASEAN

11/05/2023 07:14 GMT+7

Sáng 10.5, tại Labuan Bajo, Indonesia, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 với chủ đề "Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng" đã chính thức khai mạc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự.

ASEAN đủ sức ứng phó và thích ứng với thách thức

Khai mạc hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đánh giá Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi toàn diện, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, cùng nhiều biến động phức tạp, khó lường. Tổng thống Joko Widodo cho rằng ASEAN cần có đủ năng lực để ứng phó và thích ứng những thách thức này. Ông tin tưởng rằng đoàn kết và nỗ lực chung của tất các thành viên gia đình ASEAN là điều kiện tiên quyết để ASEAN phát huy mạnh mẽ vai trò dẫn dắt hòa bình và tăng trưởng khu vực.

Tổng thư ký ASEAN báo cáo tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đạt kết quả khả quan trên cả 3 trụ cột. Tăng trưởng khu vực cơ bản giữ vững, dự báo tăng trưởng đạt 4,7%. Trước tác động biến động trong địa chính trị, cùng nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn, ASEAN đã chuyển hướng chiến lược, tận dụng các động lực mới, thông qua nhiều sáng kiến như Khung kinh tế tuần hoàn, Chiến lược trung hòa Carbon, Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN, Sáng kiến Một Sức khỏe ASEAN…

3 vấn đề quan trọng của ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung

TTXVN

Lãnh đạo các nước đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phác thảo tương lai của Cộng đồng trong 20 năm tới. Tiếp đó, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý có Tuyên bố chung hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phát triển hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến Một Sức khỏe ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ. Lãnh đạo các nước ASEAN cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công vào đoàn cứu trợ nhân đạo, gồm nhân viên của Trung tâm Điều phối và hỗ trợ thảm họa khẩn cấp ASEAN (AHA) và Nhóm giám sát hỗ trợ nhân đạo của ASEAN.

Bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại hội nghị. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra 3 vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN. Đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng, và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh vô địch, và phải thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể. Củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mở rộng thị trường nội khối là yêu cầu cấp thiết. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực cả về thể chế, hạ tầng và con người, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, cần được quan tâm, đẩy mạnh cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo, và sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động trong một số ngành nghề và xem xét mở rộng áp dụng Thỏa thuận trong những ngành nghề mới.

Khẳng định tinh thần cốt lõi của ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của xây dựng Cộng đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các tiểu vùng. Hợp tác tiểu vùng cần gắn kết với các chương trình hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, mở ra không gian rộng lớn hơn và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các thành viên ASEAN chung tay khơi dậy ý chí tự cường, đoàn kết, khơi thông các nguồn lực phát triển và khởi tạo các ý tưởng đột phá cho xây dựng Cộng đồng, giúp ASEAN bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước đã đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Việt Nam và Indonesia tăng cường hợp tác về thông tin và truyền thông

Ngày 10.5, trong khuôn khổ chương trình hoạt động và tham gia đoàn Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia Johnny G. Plate.

Hai bộ trưởng nhất trí sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp của hai bên, giao các đơn vị liên quan dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác (MoU) để ký trong năm nay, hướng tới việc xây dựng quan hệ Đối tác số giữa hai nước, phát huy hiệu quả hơn các tiềm năng to lớn của hai bên trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã mời Bộ trưởng Johnny G. Plate sang thăm Việt Nam và dự Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) do Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9.2023, Hội nghị ASEAN về 5G, sáng kiến do Việt Nam chủ trì và tổ chức vào tháng 11.2023. Bộ trưởng Johnny G. Plate đã cảm ơn và nhận lời mời sang thăm và dự các hội nghị trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.