'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Thừa nhận có lỗ hổng trong công tác quản lý

01/03/2024 05:39 GMT+7

Tình trạng khai thác đất đá san lấp và cát xây dựng bất hợp pháp diễn ra thường xuyên, công khai nhiều năm qua ở Bình Thuận. Người dân kêu cứu hằng ngày, báo chí cũng liên tục vào cuộc phản ánh. Thế nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ, không kiên quyết xử lý nên 'khoáng tặc' ngày càng lộng hành, xem thường pháp luật.

Sẽ "ngồi lại với nhau" để tìm ra lỗ hổng

Tại buổi làm việc với ông Trần Sỹ Quốc, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) H.Hàm Tân, PV Thanh Niên đặt câu hỏi liên quan đến việc các đoàn xe chở đất bồi nền và cát xây dựng (không có trong giấy phép) tự do đi tiêu thụ thì địa phương có nắm được không, kiểm soát thế nào. Ông Quốc thừa nhận có lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn.

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Thừa nhận có lỗ hổng trong công tác quản lý- Ảnh 1.

Đại diện Sở TN-MT Bình Thuận kiểm tra tại một khu vực khai thác khoáng sản trái phép

LÊ BÌNH – TRẦN DUY KHÁNH

Ông Quốc cho biết sau khi báo chí phản ánh, địa phương đã lập đoàn đi kiểm tra, xác minh. Từ kết quả xác minh này sẽ tập trung làm rõ công tác quản lý địa bàn, sau đó "ngồi lại với nhau" tìm ra lỗ hổng trong công tác quản lý.

Ông Quốc lý giải công tác kiểm tra các mỏ khoáng sản thuộc trách nhiệm của Sở TN-MT và UBND tỉnh Bình Thuận. Còn đối với công tác quản lý địa bàn về đất đai và khoáng sản, trong năm 2023 huyện cũng đã mở đợt cao điểm kiểm tra. "Qua kiểm tra đã kéo giảm tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng này. Việc giải quyết dứt điểm tình trạng này không thể một sớm một chiều", ông Quốc nói.

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Thừa nhận có lỗ hổng trong công tác quản lý- Ảnh 2.

Đoàn liên ngành đang tiến hành kiểm tra khu nhà xưởng của Công ty P.N

LÊ BÌNH – TRẦN DUY KHÁNH

Khi PV đề cập vấn đề người dân kêu cứu tình trạng vì "một doanh nghiệp sống mà người dân phải khốn khổ", vấn nạn khai thác cát lậu làm bụi tung mù mịt, hoa màu, cây trái bị ảnh hưởng dẫn đến mất mùa, thất bát, cuộc sống bị đảo lộn thì trách nhiệm của địa phương ở đâu, ông Quốc giải thích: "Về vấn đề này, cơ quan chức năng tiếp nhận ý kiến của Báo Thanh Niên, sẽ quán triệt biện pháp để khắc phục môi trường".

"Chúng tôi sẽ sớm xử lý chứ không để kéo dài, càng sớm càng tốt và sau đó huyện sẽ có thông báo chỉ đạo chung cho toàn địa bàn chứ không riêng tại TT.Tân Nghĩa", ông Quốc nói.

Liên quan đến khu đất quy hoạch cụm công nghiệp, việc để doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng làm nhà xưởng và xây tòa nhà 2 tầng tại đây, ông Quốc cho biết địa phương sẽ xác minh kiểm tra và có biện pháp xử lý sau.

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Thừa nhận có lỗ hổng trong công tác quản lý- Ảnh 3.

Sau khi tuyển rửa, cát được vận chuyển về nơi tập kết xuyên đêm

LÊ BÌNH – TRẦN DUY KHÁNH

Chiều 28.2, PV Thanh Niên tiếp tục liên hệ với ông Trần Sỹ Quốc về kết quả kiểm tra, xử lý vụ việc sau loạt bài mà Báo Thanh Niên phản ánh, ông Quốc cho biết hiện tại TT.Tân Nghĩa (H.Hàm Tân) đang hoàn tất hồ sơ xử lý để trình UBND huyện, do đó việc xử lý như thế nào phải sang tuần mới có báo cáo cụ thể.

Tỉnh đang chờ huyện giải trình

Trả lời Thanh Niên sáng 29.2, ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đến nay UBND tỉnh vẫn chưa nhận được báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành liên quan việc phối hợp kiểm tra các điểm khai thác khoáng sản trái phép từ các đồi đất ven hồ sông Dinh (H.Hàm Tân) như phản ánh của Báo Thanh Niên. "Tôi sẽ yêu cầu đoàn liên ngành báo cáo lãnh đạo tỉnh ngay để có hướng xử lý", ông Đăng nói.

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Thừa nhận có lỗ hổng trong công tác quản lý- Ảnh 4.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỏ ra bất ngờ với nhiều khu vực bị khai thác trái phép

LÊ BÌNH – TRẦN DUY KHÁNH

Sau đó, ông Phan Văn Đăng chủ động gọi điện thoại lại cho PV Thanh Niên và cho biết ông vừa mới làm việc với lãnh đạo H.Hàm Tân. "Hiện tại huyện đang làm báo cáo cũng như văn bản giải trình cụ thể, chi tiết vụ việc cho lãnh đạo tỉnh xử lý. Chúng tôi cũng sẽ gửi nội dung này cho Báo Thanh Niên để tham khảo nghiên cứu", ông Đăng cho biết.

Có thể xử lý hình sự

Liên quan đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, điều 227 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên: "Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của VN mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Như vậy trường hợp cá nhân, pháp nhân có hành vi khai thác cát trái phép, có thể thỏa mãn cấu thành tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên quy định tại điều 227 bộ luật Hình sự.

Luật sư Quân cho hay, hành vi hủy hoại tài sản, trộm cắp, xâm phạm sở hữu tài sản trên đất có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu, có thể thỏa mãn cấu thành tội phạm thuộc nhóm xâm phạm sở hữu như tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 bộ luật Hình sự, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo điều 172 bộ luật Hình sự, tội trộm cắp tài sản theo điều 173 và tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 bộ luật Hình sự...

Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên đất đã được cấp quyền sử dụng cho cá nhân, tổ chức khác… gây ảnh hưởng đến mặt đất (tạo thành các hố sâu, gây xói mòn đất…), gây thiệt hại về dân sự thì phải có nghĩa vụ bồi thường cho chủ thể bị thiệt hại theo quy định của bộ luật Dân sự.

Do thiên nhiên ban tặng quá nhiều khoáng sản(?)

"Cơ quan chức năng đã làm quyết liệt nhưng do… thiên nhiên ban tặng quá nhiều khoáng sản nên có phần không kiểm soát hết được (!?). Tôi cũng mới về công tác tại địa phương được mấy tháng nên việc nắm bắt, theo dõi địa bàn còn bỡ ngỡ, thiếu sót, trong khi đó lực lượng quản lý thì có giới hạn nên cũng khá khó khăn trong công tác đeo bám cũng như xử lý, do địa bàn rộng và khó đi.

Thời gian tới tôi sẽ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh tăng cường thêm đội ngũ cán bộ địa phương chuyên trách, thường xuyên đi kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định".

Ông Trần Sỹ Quốc, Trưởng phòng TN-MT H.Hàm Tân, Bình Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.