'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?

29/02/2024 06:29 GMT+7

Để "khoáng tặc" công khai lộng hành, khai thác đất cát trái phép gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, gây thất thoát tài nguyên, cơ quan chức năng nào phải chịu trách nhiệm ?

Từ phản ánh của Báo Thanh Niên, người dân băn khoăn về công tác quản lý của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng "khoáng tặc" lộng hành, khai thác ngoài giấy phép, mở đường trái phép... trong thời gian dài. Đáng nói, người dân nơi đây đều biết, nhưng cơ quan chức năng lại không hề hay biết (!?)

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?- Ảnh 1.

Cảnh hoang tàn cả một vùng đất ven hồ sông Dinh

LÊ BÌNH - TRẦN DUY KHÁNH

ĐOÀN KIỂM TRA BẤT NGỜ VỀ QUY MÔ KHAI THÁC TRÁI PHÉP

Sau thời gian dài thu thập chứng cứ về hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ đất bồi nền và cát trái phép, chúng tôi theo chân một số xe ben tải trọng lớn chở cát về điểm tập kết của Công ty TNHH P.N nằm trên trục đường 306 giao với QL1 (lối vào cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, H.Hàm Tân, Bình Thuận). Qua nhiều ngày ghi nhận tại điểm tập kết của công ty này cho thấy lượng xe ben chở cát từ mỏ về đây rất tấp nập. Khi cát về sẽ đổ hết xuống bãi tập kết, có 2 xe xúc cỡ lớn chờ sẵn để xúc lên các xe ben nhỏ hơn rồi chở đi tiêu thụ.

Một số người dân sinh sống gần cụm công nghiệp Nghĩa Hòa cho hay ông chủ Công ty TNHH P.N là người có "thế lực" ở đây. Chính vì lẽ đó mà toàn bộ kho, bãi vật liệu xây dựng và tòa nhà 2 tầng của công ty được xây dựng trong khu vực quy hoạch thuộc cụm công nghiệp. Quanh đây, người dân đã nhận đền bù và di dời đi nơi khác sinh sống, chỉ còn duy nhất nhà và kho của Công ty TNHH P.N.

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?- Ảnh 2.

Máy móc khai thác đất, cát tại một vị trí được xác định là trái phép

LÊ BÌNH - TRẦN DUY KHÁNH

Chiều 30.1, PV Thanh Niên báo tin cho lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận về thực trạng nói trên. Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở TN-MT phối hợp Công an tỉnh Bình Thuận cùng chính quyền địa phương gồm: UBND H.Hàm Tân, UBND TT.Tân Nghĩa, UBND xã Tân Nghĩa họp khẩn và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Trưa 31.1, đoàn liên ngành đến kiểm tra cơ sở vật liệu xây dựng P.N nằm trên đường 306 giao với QL1. Thời điểm tiến hành kiểm tra, khu xưởng diện tích hơn 3.000 m2 có 2 khối nhà khung sắt, mái tôn khoảng 300 m2, một khu nhà ở 2 tầng kiên cố hơn 100 m2, còn lại là đất trống để làm kho bãi chứa vật liệu. Bên trong khu xưởng có 2 xe múc, 2 xe ben loại 4 chân, một xe ben loại nhỏ và khoảng 50 khối cát. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện đã ngưng hoạt động, lúc này đoàn kiểm tra có ghi nhận hình ảnh và lập biên bản hiện trường.

Sau khi kết thúc kiểm tra cơ sở vật liệu xây dựng, đoàn kiểm tra mới chậm rãi vào kiểm tra khu mỏ cát P.N (nơi PV Thanh Niên thâm nhập điều tra). Thời điểm đó, tất cả các phương tiện đều ngưng hoạt động, nhưng hiện trường vẫn còn nhiều dấu vết khai thác mới, có dấu hiệu tẩu tán.

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?- Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra một khu vực khai thác cát trái phép

LÊ BÌNH - TRẦN DUY KHÁNH

Vào lúc 15 giờ 40 cùng ngày, PV Thanh Niên cung cấp một số vị trí cho đoàn liên ngành vào kiểm tra. Khi tiếp cận các điểm này, một cán bộ thuộc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận mở bản đồ địa chính để xác định vị trí, ranh mốc. Sau đó, lực lượng chức năng tỏ ra rất bất ngờ và khẳng định những điểm khai thác này là trái phép vì nằm ngoài ranh giới mỏ, có nhiều khu vực khai thác với độ sâu hơn 4 m. Điều này chứng tỏ tình trạng khai thác trái phép đã diễn ra trong thời gian dài, mỗi ngày trôi qua đang làm thất thoát một lượng lớn khoáng sản, tài nguyên.

Lúc 15 giờ 45, tại khu khai thác trái phép rộng khoảng 2 ha, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện nhiều dấu vết khai thác cũ và mới, nhiều nơi khai thác sâu nên nước chưa kịp rút. Nhóm "khoáng tặc" khai thác vào sát mé rừng keo, độ sâu nhiều tầng khác nhau từ 3 - 5 m và có mở đường lớn cho xe ben, xe cuốc phục vụ khai thác và vận chuyển. Tương tự, đến 15 giờ 55, chúng tôi đưa đoàn kiểm tra đến bãi khai thác lậu thứ hai. Tại đây, đoàn ghi nhận độ sâu đã khai thác gần 3 m và một bãi khai thác khác nằm ở sát bờ hồ sông Dinh, rộng khoảng gần 1 ha, sâu khoảng 3 m.

Đến 16 giờ 15, chúng tôi tiếp tục dẫn đoàn đến điểm khai thác nằm cách khu mỏ khoảng 200 m. Nơi đây cũng có diện tích đào bới trên dưới 2 ha, độ sâu từ 2 - 3 m. Đặc biệt, khu vực này có hàng trăm khối đất bồi nền đã được vận chuyển về đây chất thành đống như một bãi tập kết, sẵn sàng để vận chuyển đi nơi khác. Đại diện đoàn kiểm tra xác nhận ngoài cát, nhóm "khoáng tặc" còn khai thác cả đất sét và đất bồi nền trái phép.

"SAI ĐẾN ĐÂU XỬ LÝ ĐẾN ĐÓ, KHÔNG BAO CHE"

Ngày 19.2, PV liên hệ với ông Hà Lê Thanh Chung, Chủ tịch UBND H.Hàm Tân, đề nghị cung cấp thông tin cũng như nội dung xử lý vi phạm thông qua phát hiện của đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Báo Thanh Niên ngày 31.1. Tuy nhiên, ông Chung từ chối trả lời và nói: "Tôi đã ủy quyền cho Phòng TN-MT H.Hàm Tân, mọi thông tin PV cứ liên hệ bên đó để hỏi".

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?- Ảnh 4.

Một điểm khai thác trái phép với độ sâu gần 4 m

LÊ BÌNH - TRẦN DUY KHÁNH

Sáng 20.2, PV Thanh Niên có mặt tại phòng làm việc của ông Trần Sỹ Quốc, Trưởng phòng TN-MT H.Hàm Tân, đề nghị cung cấp thông tin về giấy phép kinh doanh bãi tập kết vật liệu và tòa nhà 2 tầng của Công ty TNHH P.N xây dựng trong khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Nghĩa Hòa cũng như việc khai thác đất, cát trái phép ở khu vực hồ sông Dinh.

Ông Quốc cho biết từ khi đoàn liên ngành đi kiểm tra đến thời điểm gặp PV đã gần 3 tuần. Do tiến hành kiểm tra vào những ngày cuối năm âm lịch, sau đó thì nghỉ Tết Nguyên đán, nên bị gián đoạn một phần. Phòng đã lập kế hoạch, tiến hành xác minh và đề xuất hướng xử lý để trình lãnh đạo có thẩm quyền quyết định. Do đó, việc xử lý cụ thể chưa cung cấp cho Báo Thanh Niên được. "Chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí ngay sau khi có kết quả chính thức từ lãnh đạo có thẩm quyền", ông Quốc nói.

Tại buổi làm việc, ông Quốc cảm ơn và xác nhận phản ánh của Báo Thanh Niên là đầy đủ và đúng bản chất vấn đề. Theo ông Quốc, có 2 nơi có dấu hiệu sai phạm. Thứ nhất là tòa nhà và nơi đặt kho chứa vật liệu của Công ty TNHH P.N, đoàn xác định có việc tập kết khoáng sản. Thứ hai là các điểm khai thác khoáng sản bên ngoài khu vực mỏ.

'Xẻ thịt' đồi đất ven hồ sông Dinh (Bình Thuận): Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?- Ảnh 5.

Xe chở đất trái phép chạy thẳng ra bãi để tuyển rửa lấy cát

LÊ BÌNH - TRẦN DUY KHÁNH

Qua thông tin của Báo Thanh Niên, cơ quan chức năng H.Hàm Tân đã thành lập tổ công tác phối hợp với địa phương xử lý nhà và nơi đặt trụ sở Công ty TNHH P.N. "Do mới qua thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và bắt đầu đi làm trở lại nên hồ sơ vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ. Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã đo vẽ cũng như xác định hiện trạng những nơi có dấu hiệu vi phạm. Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu sẽ xử đến đó, không bao che", ông Quốc khẳng định.

Hôm qua (28.2), PV Thanh Niên tiếp tục liên hệ cơ quan chức năng địa phương để cập nhật diễn biến xử lý vụ việc thì được phản hồi rằng dự kiến đến tuần sau sẽ có thông tin cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.