Chi phí vận chuyển tăng vọt khi khủng hoảng ở biển Đỏ kéo dài

Chi phí vận chuyển tăng vọt khi khủng hoảng ở biển Đỏ kéo dài

Phương Thúy
Phương Thúy
11/01/2024 08:31 GMT+7

Khủng hoảng ở Biển Đỏ kéo dài khiến các hãng tàu phải né tránh tuyến đường thông thường để đi xa hơn, làm chi phí vận chuyển đội lên cao.

Houthi, một nhóm tay súng Yemen liên kết với Iran, đã tấn công các tàu ở biển Đỏ vài tháng nay. Hoạt động này chưa chấm dứt khiến các hãng tàu phải né tránh tuyến đường thông thường để đi xa hơn, làm chi phí vận chuyển đội lên cao. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo rằng diễn biến này có thể khiến áp lực giá cả bùng phát trở lại.

Chi phí vận chuyển tăng vọt khi khủng hoảng ở biển Đỏ kéo dài- Ảnh 1.

Houthi, một nhóm tay súng Yemen liên kết với Iran, đã tấn công các tàu ở biển Đỏ

REUTERS

Kể từ khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10, lực lượng Houthi đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa bắn vào các tàu thuyền ở biển Đỏ nhằm gây áp lực buộc Israel phải ngừng bắn.

Các công ty vận tải biển bao gồm MSC, Maersk và Hapag-Lloyd, cũng như các tập đoàn dầu khí khổng lồ như BP, đã phản ứng trước các cuộc tấn công của Houthi bằng cách chuyển hướng tàu của họ ra khỏi kênh đào Suez, tuyến đường thủy nối châu Á với châu Âu và Mỹ.

Theo báo New York Times, điều này có nghĩa là các tàu container phải đi đường khác, vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, khiến hành trình dài hơn khoảng 40%. Điều đó có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để mọi thứ từ dầu thô, TV đến thiết bị thể thao di chuyển từ châu Á sang phương Tây.

Hơn nữa, chi phí của các công ty vận tải sẽ đội lên rất nhiều. Chỉ số WCI, phản ánh giá cước vận chuyển container ngắn hạn trên tám tuyến thương mại đường biển chính, đã tăng 61% trong tuần đầu tiên của năm 2024. Sự gia tăng đột biến này là do tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở biển Đỏ. Đơn cử, hải trình từ Singapore đến Rotterdam ở Hà Lan có chi phí vận chuyển tăng 115%, lên tới 3.600 USD mỗi container.

Ngoài ra, mối đe dọa từ phiến quân Houthi đã buộc các công ty vận tải phải trả nhiều tiền hơn cho bảo hiểm hàng hải. Để bù lại, công ty phải tăng giá và người tiêu dùng sẽ gánh phần tăng này.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà phân tích lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ở biển Đỏ có thể khiến lạm phát tăng trở lại, vì 15% tổng lưu lượng vận chuyển trên thế giới đi qua kênh đào Suez ở biển Đỏ mỗi năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.