Yêu thương nặng trĩu cuộc đời

06/08/2022 06:57 GMT+7

Tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1957, ở xóm 12, xã Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An ) trên chuyến tàu SE2 từ Nghệ An ra Hà Nội. Ôm trong vòng tay chị là đứa con nuôi bị tật nguyền đã hơn chục năm không đi lại và không tự đi vệ sinh, ăn uống được. Nhưng hai mẹ con vẫn dành cho nhau những tình cảm nồng ấm làm xúc động không ít người trên tàu khi biết câu chuyện đời của chị.

Chị Hường sinh trưởng trong một gia đình chỉ có hai mẹ con (cha chị bỏ mẹ con chị để theo người đàn bà khác). Lớn lên, chị được đi học hết phổ thông trung học rồi theo học lớp y tá của Sở Y tế Nghệ An tổ chức. Tốt nghiệp, chị về công tác tại Bệnh viện H.Nghi Lộc, xa nhà hơn chục cây số. Nhưng rồi mẹ chị đổ bệnh nằm liệt giường nên chị phải xin nghỉ việc về quê sản xuất nông nghiệp, cày cấy để có điều kiện chăm sóc mẹ. Từ năm 1980, mẹ chị là bà Lê Thị Ba (sinh năm 1933) bị tai biến nằm một chỗ. Cùng năm đó, tai họa lại ập xuống đời chị Hường khi người chồng thấy hoàn cảnh khó khăn của vợ đã nhẫn tâm bỏ mẹ con chị để đi tìm hạnh phúc mới, để lại cho chị một mẹ già đau ốm và đứa con thơ mới lên 2 tuổi. Từ đó, cuộc đời chị là chuỗi ngày dài sống và hy sinh vì người khác.

Chị Hường vừa bồng con nuôi vừa chăm mẹ già

Thời bao cấp, chị phải một mình cáng đáng 7 sào ruộng khoán của hợp tác xã. Cứ mỗi mùa cấy và thu hoạch là chị lại oằn mình quần quật cả tháng trời để làm cho kịp thời vụ. Một mình chị vừa nhổ mạ, vừa cấy, vừa bỏ phân đến tối mịt mới về lại lăn ra lo cơm nước cho cả ba mẹ con, bà cháu. Thời đó, lúa cấy rất dày và tốn mạ nên 7 sào ruộng trung bộ (3.500 m2), chị phải làm cật lực mất gần tháng trời mới xong. Trước vụ cấy là vụ gặt. Không có máy tuốt lúa, sau khi gặt tay, tự bó và chở bằng xe cải tiến, một mình chị lại phải về kéo trục đá rồi giũ lúa đến mười một, mười hai giờ khuya mới được nghỉ. Suốt gần một tháng gặt rồi đến gần một tháng mùa cày cấy, cứ liên tay liên chân như thế mà chị Hường vẫn làm tốt 7 sào ruộng. Nhớ lại, chị vẫn còn rùng mình: “Không biết hồi đó mình lấy đâu ra sức mạnh để trụ vững suốt chục năm như vậy”.

Hết mùa gặt, cấy lại đến làm cỏ, bỏ phân. Một mình chị Hường vừa dùng tay nhổ vừa dùng nạo (một dụng cụ giống như cái cuốc nhưng nhỏ, nhẹ hơn) để sục bùn liên tục không ngơi nghỉ. Lại một mình chị bón phân chuồng, phân hóa học. Cật lực với ruộng đồng nên nhà chị dư thóc ăn và có phần đem bán để trang trải cuộc sống, có tiền cho con ăn học lẫn thuốc thang, chăm sóc mẹ già đau ốm. Với thành tích đó, chị Hường đã nhiều năm liền được bầu là phụ nữ ba đảm đang của Hội phụ nữ xã và nông dân sản xuất giỏi của hợp tác xã Nghi Mỹ.

Năm 1996, con trai tốt nghiệp phổ thông và nhập ngũ, chị Hường cũng nhẹ bớt một nỗi lo. Sau đó, người con trai trở thành sĩ quan chuyên nghiệp đóng quân ở Hải Phòng.

Đến năm 2006, trong một lần đi khám và điều trị bệnh đau mắt, chị Hường tình cờ gặp hoàn cảnh thương tâm của em Trần Thị Phúc Liên tại Bệnh viện Ba Lan (hiện là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An). Mẹ Phúc Liên mất khi sinh em, trước đó, bố Phúc Liên cũng đã qua đời sau cơn tai biến giữa lúc mẹ em có bầu được 6 tháng.

Thấy người nhà của Phúc Liên đưa em đi cho mà chưa ai nhận nuôi, chị Hường quyết định nhận em về. Khó khăn vẫn chưa buông tha khi mới chào đời được một năm, bé Phúc Liên bắt đầu trở bệnh bại não thể co cứng và từ đó đến nay, em hoàn toàn phải được chăm bẵm như trẻ sơ sinh.

Gặp những người dân ở xã Nghi Mỹ, khi hỏi về chị Hường thì ai cũng biết. Bà Nguyễn Thị Tâm, ở xóm 9, xã Nghi Mỹ, cho hay: “Chị Hường nhiều năm vừa nuôi mẹ nằm liệt giường vừa nhận nuôi Phúc Liên bị bại liệt. Nếu không có chị chăm cháu tận tình thì có lẽ Phúc Liên cũng khó mà sống đến ngày hôm nay được”.

Vừa nuôi mẹ già ốm nằm liệt giường vừa chăm con nuôi tật nguyền không tự ăn uống, đi lại được như chị quả là một kỳ tích.

Chị Nguyễn Thị Hòa, người cùng xóm với chị Hường, kể với tôi giọng đầy cảm phục: “Tui là người nhiều lần chứng kiến chị chăm sóc người mẹ ruột nằm liệt giường, đứa con nuôi tật nguyền suốt nhiều năm trời mà chưa bao giờ thấy chị to tiếng trách mắng hay than thở kêu ca lấy một lời. Ở xóm tui ai cũng cảm phục tấm lòng của chị và yêu quý chị”.

Chị Hường và bé Phúc Liên trên tàu ra Hà Nội chữa bệnh

Tác giả cung cấp

Nhận nuôi bé Phúc Liên được 4 năm thì mẹ ruột chị qua đời. Từ đó đến nay, chị Hường dồn tâm sức chăm cháu.

Trong ngôi nhà nhỏ của chị, tài sản chẳng có gì ngoài chiếc ti vi rẻ tiền nhưng tấm lòng của người mẹ nuôi dành cho cháu bé tật nguyền thì vô cùng bao la. Hằng năm, chị đều phải đưa bé đi viện chữa trị bệnh. Hôm tôi gặp chị trên tàu là sau một tuần mẹ con chị nằm Viện nhi Nghệ An thì chuyển ra Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp tục điều trị. Ngồi đối diện với chị, thấy bé Liên không nói được mà chỉ ra dấu bằng tay và ánh mắt. Thỉnh thoảng, chị lại ôm Phúc Liên vào lòng và hôn lên khuôn mặt thơ ngây của cháu với một tình cảm thật trìu mến. Không thấy ở chị một sự buồn chán mệt mỏi nào dù việc chăm cháu Liên là cực kỳ vất vả. Hai mẹ con luôn trìu mến nhìn nhau bằng những tình cảm thật đậm đà tình nghĩa. Nhìn họ, không ai nghĩ chị Hường chỉ là mẹ nuôi không máu mủ ruột rà với cháu.

Giấy tờ khám bệnh của Phúc Liên

Tôi hỏi chị: “Vậy từ khi chị nhận cháu về nuôi đến nay, phía họ hàng nhà bé Liên có ai đến thăm cháu không?”.

Chị Hường trả lời: “Chưa hề, không một ai đến xem em, cháu mình nay đang sống chết ra sao. Họ chỉ đến một lần khi bé Liên được 3 tháng để đòi tiền cho cháu nhưng không được nên thôi”.

Trên chặng đường từ Nghệ An ra Hà Nội, nhiều lần tôi thấy chị Hường trìu mến ôm Phúc Liên vào lòng rồi trìu mến hôn lên má cháu, tôi không khỏi xúc động và cảm phục tấm lòng nhân hậu của của phụ nữ tảo tần lam lũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.