Yêu thương là cội nguồn của cái đẹp

12/11/2022 14:00 GMT+7

Tôi gặp Hồng (Trần Thị Hồng, xã Đức Long, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh ) tại nhà thầy thuốc Nguyễn Quang Lân (Hương Sơn). Hồng là bệnh nhân đến châm cứu do tái phát vết thương chân, rò tủy.

Được biết, năm 2004, Hồng bị tai nạn giao thông tại Đà Lạt. Chân trái cưa cụt, còn chân phải gẫy 4 khúc, ổ khớp đầu gối biến dạng không cử động được. Mười bốn lần phẩu thuật, Hồng được cứu sống. Nhưng cô gạt nước mắt chia tay nghề giáo mà cô đam mê đeo đuổi; từ giã Đà Lạt thơ mộng trở về quê để cậy nhờ gia đình. “Năm 2007, em về quê. Biết được hoàn cảnh của em, Quỹ nhân ái Hồng La của thầy Quốc Thường cho thành viên đến thăm. Em cảm động quá. Hôm đó, còn thừa chiếc xe lăn, em nhờ thầy Thường tìm người tàn tật trao tặng. Và từ đó em bén duyên với Nhân ái Hồng La”.

Tám năm gắn bó với Nhân ái Hồng La, Hồng không nhớ hết hàng trăm cuộc đi trao quà từ thiện khi Kỳ Anh, khi Hương Sơn, khi từ miền biển Nghi Xuân đến miền núi Hương Khê, khi từ vùng nông thôn Cẩm Xuyên ra thành phố Hà Tĩnh. “Tôi không hiểu sức mạnh nào để Hồng không bao giờ bỏ cuộc. Còn nhớ sau lần đến thăm hỏi 10 gia đình nạn nhân ở Can Lộc bị chết ngạt trong xe container ở Anh và gia đình 6 liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Rào Trăng, vết thương Hồng tái phát. Chúng tôi vô cùng lo lắng. Nhưng tuần sau, chúng tôi lại thấy Hồng trên xe lăn có mặt đồng hành với đoàn trao quà cho các cụ già”, cô Hoàng Thị Mỹ Thịnh, thành viên Nhân ái Hồng La chia sẻ.

Nhận quà từ tay Hồng, cụ Hồ văn Bình (Yên Hồ) rơm rớm nước mắt: “Hoàn cảnh cô Hồng tàn tật thế này, đáng lẽ chúng tôi hỗ trợ, ai lại ngược đời, cô đi trao quà cho chúng tôi”. Còn thầy giáo Hà Văn Viện (Hồng Lĩnh) bị ung thư rưng rưng xúc động: “Chúng tôi nhận ở cô không chỉ vật chất, mà món quà vô giá là tinh thần. Cô đã truyền lửa, truyền cảm hứng sống tích cực cho chúng tôi”.

Vượt lên hoàn cảnh chính mình, cô Hồng thường xuyên đến với những số phận kém may mắn

tgcc

Lý do cô Hồng vượt lên hoàn cảnh chính mình thật giản dị: “Cuộc sống vô thường. Em sống được là nhờ ơn bác sĩ, y tá, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Ân nghĩa ấy em ghi lòng tạc dạ… Có ai chờ mình hoàn hảo rồi mới làm từ thiện! Trong ngôi nhà Nhân ái Hồng La, bác Đạo là gương sáng vượt lên chính mình. Em học hỏi bác để trưởng thành”.

Bác Đạo mà cô Hồng nhắc đến là Dương Quý Đạo (sinh năm 1956); nguyên Giám đốc Trung tâm trẻ mồ côi tàn tật Hà Tĩnh; thương binh loại B hạng 2/4. Vết thương để lại di chứng nặng nề với bác Đạo. Bác không chỉ tự lo cho mình mà còn lo cho vợ bị tai biến y khoa nằm một chỗ hơn mười năm nay. Tất tần tật thuốc thang, cơm nước, giặt giũ, hàng “trăm việc không tên” đều một tay bác Đạo. Bác xoay như chong chóng, mà không một lời kêu ca.

Bác Đạo (bên phải, chống nạng) cùng thầy Quốc Thường trao quà cho nhân dân vùng rốn lũ Vũ Quang

tgcc

Tôi không hiểu bác lấy đâu ra thời gian để cùng các thành viên giúp thầy Thường nào là Chương trình bát cháo tình thương cho bệnh nhân 4 bệnh viện: Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Can Lộc, Hương Sơn; nào là chương trình: Hát cho bệnh nhân nghe; chương trình: Mái ấm tình thương, Áo ấm cho người già cô đơn

Ở nơi nào Bác Đạo chống nạng đến, nơi ấy nẩy nở tình người cao đẹp. Anh Trần Quang Thiện (Hội người mù) thật có lý khi cho rằng: “Bác đến với anh em Hội người mù, lòng chúng tôi sáng ra. Bác đến với người cao tuổi không nơi nương tựa bỗng đời bớt cô đơn. Bác đến với trẻ em nghèo mồ côi, trẻ em có cha mẹ. Chả thế mà không chỉ trẻ em ở Trung tâm mồ côi khuyết tật gọi bác Đạo bằng “ bố” mà trẻ em mồ côi được quỹ Nhân ái Hồng La cưu mang thân yêu gọi bác là “bố Đạo”. Thầy Nguyễn Duy Tiệp- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Hà Tĩnh có lý khi nói rằng: Cô Hồng, bác Đạo là những khuyết tật thân thể nhưng không khuyết tật tâm hồn. Họ là những người đi gieo hạt giống tâm hồn”.

Tấm lòng nhân ái của bác Đạo, cô Hồng và các thành viên Nhân ái Hồng La có sức lan tỏa rộng rãi. Ban đầu là các thầy, cô, các mạnh thường quân trong địa phương hưởng ứng dần dần lan ra khắp tỉnh, khắp nước và bây giờ không chỉ có người trong nước mà kiều bào nước ngoài cũng lựa chọn Nhân ái Hồng La để gửi gắm niềm yêu thương. Ban đầu góp tiền, góp quà theo thời vụ, còn bây giờ có cả chương trình lâu dài như nuôi dưỡng các cụ già cô đơn không nơi nương tựa, giúp đỡ hàng trăm SV nghèo, học sinh mồ côi thực hiện mơ ước đến trường với phương châm: “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Có những gia đình như vợ chồng Chery Sakura (Úc) hưởng ứng bất cứ Chương trình nào của Nhân ái Hồng La. Hiện nay, vợ chồng Chery Sakura đang hỗ trợ 14 sinh viên (SV), học sinh (HS) mồ côi với gói 6 triệu /em/năm với HS phổ thông và gói 12 triệu /em/năm với SV… Nhưng cũng có những gia đình nghèo đang sống bằng trợ cấp nhờ Nhân ái Hồng La bắc cầu đến những người hoạn nạn, với đạo lý: thương người như thể thương thân”. Trong số đó có em Nguyễn Thị Hà ở xã An Dũng Đức Thọ, bị câm, điếc, nuôi mẹ già bệnh tật, nuôi con nhỏ đơn thân nhờ cô Hồng gửi cho được 5 kg gạo, ba quả bí ủng hộ đồng bào TP.HCM tuyến đầu chống dịch Covid-10. Ông Phan Văn Vĩnh (Hương Sơn) chiêm nghiệm: Không ai đợi giàu mới làm từ thiện. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Vấn đề là cần nuôi dưỡng để cho mầm thiện ấy không bị thui chột”. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao mạng lưới tham gia hoạt động Nhân ái Hồng La ngày càng phát triển và nguồn quyên góp cho quỹ Nhân ái Hồng La được mở rộng.

Nhưng điều đáng nói nhất chính là những số phận éo le được Nhân ái Hồng La cưu mang lại trổ nhánh, đâm chồi, ra hoa kết trái vẻ đẹp tấm lòng nhân ái.

Nguyễn Thị Hà ở xã An Dũng Đức Thọ, bị câm, điếc, nuôi mẹ già bệnh tật, nuôi con nhỏ đơn thân nhờ cô Hồng gửi cho được 5 kg gạo, ba quả bí ủng hộ đồng bào TP.HCM tuyến đầu chống dịch Covid-19

TGCC

Tôi lắng nghe bác Đạo kể về những em học sinh mồ côi ở Đức Thọ bớt bữa sáng để góp tiền cho Chương trình Đàn gà cho em. Lại nghe kể về Hoàng Trung Trường (Can Lộc); mồ côi cha mẹ, nhờ gói hỗ trợ sinh viên của các nhà hảo tâm mà đã hoàn thành mơ ước đào tạo cử nhân tại ĐH xây dựng. Sau khi ra trường, làm việc ở Kon Tum, Trường đã tiết kiệm những đồng lương khiêm tốn gửi cho quỹ Nhân ái Hồng La. Không chờ ra trường mà ngay khi đang ở giảng đường ĐH Vinh, hai chị em Nguyễn Ngọc Uyên đã làm thêm, góp những đồng tiền giúp đỡ các em học sinh mồ côi. Cảm động hơn, em Bạch Thị Vân (HS lớp 6, THCS Đậu Quang Lĩnh, Đức Thọ) bọc lại bộ sách giáo khoa cũ, gửi cho bạn lớp sau.

Lại có em học sinh (không tiện nêu danh tính) mồ côi cha mẹ, ở với bà ngoại chưa ngoan, đã được các thành viên Nhân ái Hồng La cảm hóa tiến bộ vượt bậc. Ông Bùi Hà (Yên Hồ, Đức Thọ) bị tâm thần phân liệt, ăn ở bẩn; nhưng từ ngày được Nhân ái Hồng La kêu gọi hỗ trợ xây nhà, trang bị chăn màn, chiếu, gối,… quét dọn, vệ sinh, ông Hà cảm nhận được những giờ phút sống sạch sẽ, tươi đẹp của con Người đích thực. Ông cười hồn nhiên như trẻ con…

“Yêu thương cội nguồn của cái đẹp. Các thành viên Nhân ái Hồng La ngộ ra.

Quỹ Nhân ái Hồng La ra mắt năm 2014, trên cơ sở Quỹ khuyến học trường THCS Nguyễn Biểu, Đức Thọ do thầy Quốc Thường làm Trưởng nhóm…

Hiện nay, Quỹ cưu mang 24 sinh viên, 40 học sinh nghèo, mồ côi, 40 cụ già mù lòa bại liệt, trợ cấp thường xuyên 100 đối tượng khác. Quỹ thực hiện nhiều Chương trình: Áo ấm cho cụ già; Đàn gà cho em; Bát cháo tình thương; Mái ấm tình thương…

Trong 8 năm, Quỹ Nhân ái Hồng La huy động nguồn tài trợ trên 6 tỉ đồng. Nhân ái Hồng La đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen từ Trung ương đến địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.