'Yêu nhầm bạn thân': Đâu đó trong thanh xuân của chúng ta

15/03/2019 14:56 GMT+7

Ở đâu đó trong thanh xuân của chúng ta, luôn có một người mà chúng ta thầm thương trộm nhớ.

Phải nói ngay từ đầu là kịch bản của Friend Zone (tựa Việt: Yêu nhầm bạn thân) có khá nhiều tình tiết vô lý. Tuy nhiên, sự vô lý đó khi đặt vào trong tổng thể câu chuyện kéo dài từ khi còn là học trò cho đến khi ra đời lập nghiệp của Palm và Gink lại cực kỳ hợp lý.
Có lẽ nhiệm vụ duy nhất của thanh xuân chàng trai Palm (Nine Naphat) là có mặt ở bất cứ nơi nào mà Gink (Baifern Pimchanok) cần. Khi Gink gặp chuyện buồn gia đình, khi Gink chia tay một câu chuyện tình vừa chớm nở, khi Gink ngẫu hứng thích đi đâu đó mà chẳng có kế hoạch báo trước nhưng lại chỉ có một mình… Palm chính xác là “của để dành” của Gink. Và cũng chính vì thế mà trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất về tình cảm chính Gink cũng phải đau đớn thốt lên: “Chỉ có làm bạn chúng ta mới không thể chia tay. Còn nếu chúng ta yêu nhau, lấy gì chắc chắn chúng ta sẽ bên nhau mãi mãi…”.
Friend Zone mang đến cho khán giả một trải nghiệm mới lạ về câu chuyện muôn thuở, làm bạn hay yêu? Ảnh: Galaxy
Câu chuyện tình của Palm và Gink chính là lòng người có ý nhưng cuộc đời lại vô tình. Thứ cảm xúc đau đớn nhất mà Palm cũng như nhiều người trong cuộc sống này phải trải qua, là ở bên cạnh người mình yêu thương nhưng bị buộc phải giúp người ấy bằng mọi cách giữ gìn tình yêu với một người khác.
“Chỉ cần cậu bước tiếp một bước nữa, tớ sẽ hôn cậu!”, sau câu nói ấy Palm bước đi còn Gink đứng lại với nước mắt giàn giụa, vì Gink đã lỡ hứa với Palm sẽ chia tay anh chàng Jason nhưng rốt cuộc lại không thể.
Một trong những điểm đặc sắc nhất của kịch bản Friend Zone chính là lời thoại của các nhân vật phụ. Chi tiết hai anh chàng cảnh sát ở Hồng Kông hay bà cô già trong quầy thu ngân của cửa hàng tiện lợi… có thể làm khán giá té ghế vì độ hài hước tuyệt đỉnh. Hoặc bộ ba nhân vật nam phụ trong bối cảnh dự đám cưới cùng với Palm và Gink xứng đáng là những dấu ấn đáng nhớ của bộ phim.
Màu phim rất tươi, bối cảnh phim thì thay đổi liên tục ở các địa điểm khác nhau từ Thái Lan cho đến Malaysia, Hồng Kông, Myanmar… Phần âm nhạc phim còn có sự góp mặt của rất nhiều ca sĩ trong khu vực, bao gồm cả Chi Pu đến từ Việt Nam. Nhưng trên hết điểm cộng lớn nhất của phim ngoài kịch bản không ai khác chính là hai diễn viên chính Nine Naphat trong vai anh chàng si tình Palm và “cô nàng ngổ ngáo” Baifern Pimchanok đảm nhận vai Gink. Công bằng mà nói, vẻ điển trai của Nine Naphat là đã đủ với nhân vật nam chính, trong khi đó Baifern Pimchanok với tất cả những hỷ nộ ái ố đã mang đến cho khán giả gần như mọi cung bậc cảm xúc của một cô nàng sống thiên về cảm tính.
Friend Zone không phải là một đề tài quá mới mẻ nhưng câu chuyện đủ duyên dáng để hớp hồn khán giả từ phút đầu cho đến khi bộ phim kết thúc. Một trong những điều luôn mang lại sự ngạc nhiên của điện ảnh Thái là họ luôn có những gương mặt diễn viên rất tươi trẻ. Sự tươi trẻ ấy gần như là chất liệu quan trọng nhất để khán giả không bị nhàm chán chỉ với chừng ấy gương mặt cũ trong suốt nhiều năm đi qua. Thứ mà điện ảnh Việt Nam luôn thiếu thì có cảm giác điện ảnh Thái luôn dư thừa, đó là một thực tế đáng buồn phải nói ra.
Friend Zone chính là cái đẹp đầy mong manh nhưng lại luôn đau đáu mà bất cứ khán giả nào cũng muốn được đắm mình ở trong đó. Vì nơi ấy, luôn có một người xứng đáng để chúng ta thương nhớ… Phim chính thức ra rạp từ hôm nay 15.3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.