Yêu cầu Trung Quốc lập tức rút nhóm tàu Hải Dương ra khỏi biển Việt Nam

Vũ Hân
Vũ Hân
13/09/2019 07:30 GMT+7

Chiều 12.9, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa lên án những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.

Cập nhật về tình hình hoạt động của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa VN, bà Lê Thị Thu Hằng dẫn tin từ các cơ quan chức năng của VN cho biết: Nhóm tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, EEZ và thềm lục địa của VN. Bắt đầu hoạt động phi pháp trên vùng biển VN kể từ ngày 4.7, đến nay, nhóm tàu này đã có gần 70 ngày xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, bất chấp phản ứng từ phía VN và quốc tế.

Yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu

Tại cuộc họp báo lần này, bà Hằng một lần nữa nhấn mạnh: “VN kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục có hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên vùng biển của VN, đã được xác định phù hợp với quy định trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). VN cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước; đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông cũng như trong khu vực. Vì những lý do đó, VN yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút ngay nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển VN”.
Tàu hải cảnh 3501 của Trung Quốc ngăn cản trước mũi tàu lực lượng chấp pháp Việt Nam đang làm nhiệm vụ ngăn chặn, xua đuổi tàu Hải Dương Địa chất 8 tại khu vực Tư Chính - Phúc Tần Ảnh: Ngư dân cung cấp

Tàu hải cảnh 3501 của Trung Quốc ngăn cản trước mũi tàu lực lượng chấp pháp Việt Nam đang làm nhiệm vụ ngăn chặn, xua đuổi tàu Hải Dương Địa chất 8 tại khu vực Tư Chính - Phúc Tần

Ảnh: Ngư dân cung cấp

Bà Hằng xác nhận việc ngày 3 và 4.9, tàu cẩu Lam Kình của Trung Quốc đã di chuyển vào EEZ của VN, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 90 km, đồng thời cho biết hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng VN giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Trung Quốc không có quyền ngăn cản hoạt động dầu khí của VN

Trả lời câu hỏi của AFP đề nghị bình luận về “những thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần đây”, liên quan đến việc Tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil muốn rút khỏi dự án Cá Voi Xanh đang hợp tác với VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Theo chúng tôi được biết, Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) đã có thông tin cho biết các dự án dầu khí ở miền Trung VN, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được tổ hợp nhà thầu PVN, Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) và Exxon Mobil đang được triển khai theo kế hoạch”. Trước đó, PVN cũng đã ra một thông cáo ngắn liên quan đến dự án này, khẳng định những thông tin như bà Hằng đã nêu ở trên.
Cùng với đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng lên tiếng về những phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của VN trên vùng biển của VN, tái khẳng định quyền của VN với các hoạt động trên. Bà Hằng nhấn mạnh: “VN khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của VN, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc VN, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả VN và Trung Quốc đều là thành viên”.
“UNCLOS 1982 đã xác định rõ phạm vi, và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình”, bà Hằng nói và nhấn mạnh trên thực tế, điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử và được đồng tình rộng rãi bởi các chuyên gia và luật sư trên phạm vi quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển trên Biển Đông vượt quá những giới hạn địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS. “Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở các hoạt động dầu khí của VN trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”, bà Hằng nêu rõ. VN cũng một lần nữa khẳng định lập trường của mình đối với chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã lên tiếng về sự ngang ngược trong luận điểm của Trung Quốc, khi vừa viện dẫn “đường 9 đoạn” để biện minh cho yêu sách về các quyền lịch sử tại các vùng biển nằm bên trong đường 9 đoạn phi lý này; nhưng cũng lại viện dẫn UNCLOS 1982 để đòi hỏi vùng EEZ 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng tính từ các quần đảo ở Biển Đông. Trung Quốc ngang ngược dựa vào 2 luận điểm đối lập và hoàn toàn phi lý này để nói rằng vùng biển mà nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
“Không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho “đường 9 đoạn”. VN và các nước trong khu vực, trên thế giới cũng chưa từng công nhận bất kỳ một hàm ý về phạm vi quyền với vùng biển được gán cho đường 9 đoạn này. Đặc biệt, kể từ khi có Phán quyết ngày 12.7.2016 của tòa trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, thì những tranh luận trên càng được làm sáng tỏ. Phán quyết khẳng định rõ không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại vùng biển bên trong “đường 9 đoạn”. Căn cứ vào thực trạng tự nhiên của các thực thể luôn nổi tại quần đảo Trường Sa, không thực thể nào có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh quần đảo Trường Sa và xem quần đảo Trường Sa là một thực thể đơn nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Các thực thể lúc chìm lúc nổi (và các thực thể ngầm) không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền”, TS Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật quốc tế VN, phân tích.
TS Nguyễn Bá Sơn cũng khẳng định, căn cứ trên UNCLOS 1982, VN có toàn quyền thực thi các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật, phi sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển tại EEZ và thềm lục địa của mình.
Cũng theo UNCLOS, quyền của quốc gia ven biển đối với EEZ và thềm lục địa có tính đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò hay khai thác tài nguyên ở các vùng này, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động này nếu không được phép của quốc gia ven biển. Như vậy, quyền khai thác dầu khí (cùng với các loại tài nguyên và các hoạt động nghiên cứu khác) của VN tại khu vực này là không thể chối cãi, không cần tranh luận. Hoạt động của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn những điều này.
 

Việt Nam mong muốn tình hình Hồng Kông ổn định

Trả lời câu hỏi của Tân Hoa xã về việc VN có ủng hộ chính phủ Trung Quốc và chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, bảo vệ an ninh quốc gia và lặp lại trật tự tại Hồng Kông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “VN tôn trọng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, các quy chế liên quan của Hồng Kông và hy vọng tình hình Hồng Kông sớm trở lại bình thường, tiếp tục ổn định, phồn vinh, duy trì vị trí là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của khu vực và thế giới”.
Bà Hằng nhấn mạnh VN mong muốn các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch giữa VN và Hồng Kông tiếp tục được thúc đẩy và đề nghị chính quyền đặc khu đảm bảo an ninh, an toàn cho người VN du lịch, sinh sống và làm việc tại đây. VN nói riêng và ASEAN nói chung có quan hệ tốt đẹp về kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư và giao lưu nhân dân với Hồng Kông. VN sẽ nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.