Yêu cầu điều tra chủ sở hữu khối tài sản khổng lồ trong đại án AIC

28/12/2022 17:24 GMT+7

Theo đại diện Viện KSND TP.Hà Nội, khối tài sản 107 tỉ đồng và khu đất hơn 4.000 m 2 đang bị phong tỏa, kê biên chưa rõ chủ sở hữu, đề nghị điều tra rõ khối tài sản này.

Chiều 28.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 36 bị cáo trong đại án AIC Đồng Nai với phần đối đáp của viện kiểm sát.

Cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai bị bác bỏ đề nghị miễn tội "nhận hối lộ"

Trong vụ án, để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phong tỏa hơn 107 tỉ đồng trong 4 tài khoản của Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và nhiều nhà đất của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC.

Các bị cáo trong vụ án

trần tâm

Ngoài ra, khu đất rộng hơn 4.000 m2 tại P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được Sở TN-MT Hà Nội cấp cho Công ty CP Bất động sản AIC (công ty con của AIC) cũng bị kê biên.

Tại tòa, đại diện Công ty AIC cho rằng, doanh nghiệp này sẽ bồi thường toàn bộ hơn 152 tỉ đồng là thiệt hại của vụ án, và số tiền 107 tỉ đồng bị phong tỏa sẽ đảm bảo việc này.

Ngoài ra, đại diện Công ty CP Bất động sản AIC đề nghị HĐXX tuyên hủy quyết định kê biên khu đất 4.000 m2, vì khu đất này không phải tài sản của bà Nhàn cũng như của Công ty AIC.

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đối đáp lại các vấn đề luật sư và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày tại tòa

trần tâm

Đối đáp lại, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội cho hay, cơ quan điều tra đã kê biên 5 loại tài sản trong vụ án. Căn cứ diễn biến tại tòa, kiểm sát viên tiếp tục đề nghị kê biên các tài sản gồm 6 căn chung cư tại số 83 Lý Thường Kiệt; một biệt thự rộng 452 m2 tại Nguyễn Huy Tự (Hà Nội), đều đứng tên bị cáo Nhàn để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, đại diện viện kiểm sát cho rằng cần tiếp tục phong tỏa 107 tỉ đồng; biệt thự 357 tại Cửa Nam, do bà Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên; khu đất rộng hơn 4.000 m2 tại Xuân Đỉnh (Hà Nội) để cơ quan điều tra, xác minh lại chủ sở hữu.

Theo kiểm sát viên, Công ty Bất động sản AIC trình bày đã chuyển khu đất rộng hơn 4.000 m2 cho đối tượng khác nhưng điều tra chưa rõ. Do vậy, viện kiểm sát cho rằng cần chuyển cơ quan điều tra để xác minh chủ sở hữu.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC, đang bỏ trốn

AIC

Về trách nhiệm dân sự, kiểm sát viên phản bác quan điểm của đại diện Công ty AIC khi đứng ra nhận bồi thường. Lý giải, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội cho hay, đây là vụ án hình sự nên trách nhiệm bồi thường thuộc những người gây thiệt hại là các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà (2 cựu Phó tổng giám đốc AIC).

“Bị đơn dân sự là Công ty AIC nói bồi thường không có căn cứ vì trong số 107 tỉ đồng gửi tại ngân hàng có tới 102 tỉ đồng của cơ quan khác, AIC không thể nhận bồi thường mà không có tài sản đảm bảo”, kiểm sát viên cho hay.

Trong vụ án, Viện KSND TP.Hà Nội cáo buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, là chủ mưu, cầm đầu.

Cụ thể, bị cáo Nhàn biết Công ty AIC không đủ năng lực, nhưng để trúng thầu tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bị cáo này đã thiết lập quan hệ với lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở KH-ĐT và các sở, ngành khác của tỉnh Đồng Nai rồi câu kết, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế… thiết lập “quân xanh” tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa tổng cộng 43,8 tỉ đồng cho nhóm bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.