Y tế cơ sở 'một mẹ, một con' sẽ tốt hơn?

16/11/2021 04:08 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

Trong tờ trình, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nội vụ cho phép TP.HCM thí điểm chuyển y tế cơ sở (YTCS) gồm trạm y tế (TYT), trung tâm y tế (TTYT) và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế về lại cho UBND quận, huyện quản lý.

Nhân viên Trung tâm y tế Q.1 đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cộng đồng

ĐỘC LẬP

Không nên cào bằng

Lý giải nguyên nhân phải chuyển YTCS về cho quận, huyện quản lý chỉ sau 1 năm tiếp quản, người đứng đầu Sở Y tế TP.HCM cho rằng, khi YTCS vừa chuyển về cho Sở Y tế thì dịch bệnh Covid-19 ập đến. Trong khi đó, đối với công tác phòng chống dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở cấp phường, xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu YTCS trực thuộc ban chỉ đạo của địa phương sẽ thuận lợi hơn nhiều so với việc Sở Y tế điều hành. Phải xem YTCS, đặc biệt TYT là mắt xích trung tâm trong chuỗi cung cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng; nhưng Sở Y tế vẫn sẽ tham gia hỗ trợ ngành dọc về nguồn nhân lực, quản lý.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cũng cho biết trong đợt dịch vừa qua phải có chính quyền vào cuộc, tập hợp lực lượng y tế và ngoài y tế trên địa bàn để chống dịch. Qua đợt dịch cho thấy, cần thiết phải đưa YTCS, thậm chí là y tế tư nhân về quận, huyện để quận, huyện quản lý; tập hợp lực lượng, điều phối hài hòa để lo sức khỏe cho người dân trên địa bàn; có sự kết hợp, hỗ trợ qua lại giữa điều trị (bệnh viện) và dự phòng (TTYT). Mặt khác, việc này cũng đưa đến sự cạnh tranh giữa các quận, huyện trong vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

“Sở Y tế vẫn là cơ quan quản lý chuyên môn và tham mưu cho UBND TP.HCM về các hoạt động mà YTCS cần triển khai thực hiện”, PGS-TS Hiệp nói và cho rằng YTCS cần nghiên cứu mô hình bệnh tật tại cơ sở để xây dựng kế hoạch can thiệp theo nguồn lực sẵn có và nguồn kinh phí phù hợp với từng địa phương chứ không cào bằng. Cùng với đó, chính quyền quận, huyện phải thật năng động trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng YTCS.

Covid-19 sáng 16.11: Cả nước 1.035.138 ca nhiễm, 864.516 ca khỏi | Kỷ lục dịch bệnh ở Hà Nội

“Người không có thì không làm được”

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc TTYT Q.Gò Vấp, cho biết: “Trước đây trực thuộc quận, huyện cũng tốt vì “một mẹ, một con” nên được chăm lo đầy đủ. Còn khi về Sở Y tế thì Sở quản lý rất “nhiều con” làm sao quản nổi vì đặc thù của TP.HCM là rất lớn. TTYT trực thuộc quận vì hoạt động mang tính bao hàm cộng đồng là chính, dính dáng với UBND rất nhiều, do đó cần hệ thống đồng bộ, thống nhất. YTCS về quận, huyện thì sẽ chăm sóc, lo lắng về hạ tầng, gắn kết hoạt động địa phương”.

Tuy nhiên, khi TTYT về quận, huyện quản lý thì sẽ khó về chuyên môn cũng như điều phối nhân sự qua lại giữa các quận, huyện; còn nếu thuộc Sở thì giữa các quận, huyện, việc điều động rất dễ.

Giám đốc TTYT một quận khu vực trung tâm TP.HCM cũng bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất YTCS về dưới sự quản lý, điều hành của UBND quận và bổ sung nhân sự. “Hiện một TYT chỉ có 5 người nhưng lại được giao rất nhiều việc, từ triển khai mô hình bác sĩ gia đình, chăm sóc người cao tuổi, tiêm vắc xin cho trẻ em, khám nghĩa vụ quân sự… Cái gì cũng muốn mà người không có thì không làm được”, vị này nói và cho rằng đề xuất của Sở Y tế về tăng nhân lực cho TYT cứ thêm 2.000 dân thì thêm 1 người, không quá 20 người/TYT là phù hợp với thực tế. Ngoài ra, những phường nào nhỏ thì nên sáp nhập TYT lại để tập trung nguồn lực chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.