Ý nghĩa tục hái lộc đầu năm, trồng cây nêu ngày tết của người Việt

22/01/2023 22:24 GMT+7

Người Việt cho rằng, trồng cây nêu ngày tết để báo hiệu đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó, quấy nhiễu. Cây nêu thường được trồng đến mùng 7 tháng giêng hoặc ngày đốt vàng thì hạ xuống.

Tục hái lộc đầu năm

Nhiều người đi chùa vào ngay sau giao thừa hoặc sáng mùng 1 tết để cầu bình an. Một số chùa có treo những phong bao lì xì trên các cây cảnh trưng bày để người đến có thể lấy một bao mang về, tượng trưng cho “lộc đầu năm”. Bên trong, tờ tiền không có giá trị cao nhưng thường được mọi người nâng niu, cất trong tủ hoặc trong ví như vật may mắn, không dùng đến.

Trò chơi dân gian ngày tết

CTV

Trước đây, người Việt hái lộc đầu năm bằng cách bẻ một cành cây ở bên đường mang về treo dưới mái nhà. Thường người ta sẽ chọn cành cây vừa đâm chồi, nảy lộc, lá xanh mơn mởn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở trong năm mới.

Ngày nay, cây cối ít hơn và đô thị cũng phát triển hơn nên không cùng tục bẻ cành cây xem như hái lộc đầu năm nữa, thay vào đó, người ta có thể mua cây mía hoặc món gì đó tượng trưng ngay đêm giao thừa để đem về nhà.

Trồng cây nêu ngày tết

Tục này chủ yếu còn ở các tỉnh phía Bắc và một vài tỉnh miền Trung. Cây nêu thường là một thân tre còn đủ ngọn lá, được người dân trồng ở trước sân nhà với một cỗ mũ nhỏ và một tảng vàng buộc ngang thân cây trên cao.

Người Việt cho rằng, trồng cây nêu ngày tết để báo hiệu đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó, quấy nhiễu. Cây nêu thường được trồng đến mùng 7 tháng giêng hoặc ngày đốt vàng thì hạ xuống.

Một số gia đình ngày nay, không có điều kiện trồng nêu ngày tết thì người ta rắc vôi bột trước sân, vẽ hình cung tên bắn ra phía trước hai bên hoặc treo lá dứa ở cổng cũng mang ý nghĩa là ngăn chặn ma quỷ.

Tục lì xì đầu năm

Lì xì hay còn gọi mừng tuổi không rõ có từ khi nào. Thông thường, ngày tết, trẻ em trong gia đình sẽ được người lớn lì xì (thường là tiền) bỏ trong phong bao đỏ - tượng trưng cho sự may mắn kèm những lời chúc dịp đầu năm. Sau này, nhiều mẫu mã bao lì xì hơn nên có thêm những màu sắc khác nhau với đủ loại thiết kế.

Ngày nay, không chỉ còn là người lớn lì xì trẻ em nữa, mà những người con, người cháu trong gia đình cũng có thể lì xì cho cha mẹ, ông bà để chúc công việc hanh thông, sức khỏe dồi dào.

Tái hiện cảnh tết tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM)

CTV

Ngày nay, nhiều gia đình vẫn giữ phong tục vào ngay đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 tết con cháu cùng tập trung đến nhà để chúc tết ông bà, cha mẹ. Không còn gói gọn trong quy mô gia đình, lì xì còn mở rộng ở quy mô họ hàng, làng xóm, mối quan hệ công việc, kinh doanh. Cũng không chỉ còn là người lớn lì xì trẻ em, mà lì xì không phân biệt tuổi tác, chỉ mang chung ý nghĩa tặng nhau lộc đầu năm để chúc những điều may mắn, bình an.

Tục xông đất

Người Việt xưa tin rằng, ngày đầu tiên trong năm mới có ý nghĩa đặc biệt nên cho rằng người đầu tiên bước vào nhà - xông đất nếu phù hợp sẽ đem lại nhiều may mắn, thuận lợi cho cả năm.

Trong Đất lề quê thói, tác giả Nhất Thanh cho biết, các cụ người Việt xưa tin rằng ngày đầu năm mới được người vui vẻ dễ tính tốt nết đến trước nhất thì cả năm trong nhà mọi việc hanh thông dễ dàng. Người đến trước nhất được gọi là người xông nhà, xông đất.

Tết là thời điểm trong năm mọi người đều đón chờ

CTV

Nhiều tài liệu khác về văn hóa cũng cho biết, người Việt rất coi trọng cái đầu tiên nên người xông đất ngày đầu năm mới được xem là việc quan trọng. Vì vậy, mới có tục chọn tuổi xông đất, nhờ người hợp tuổi với gia chủ hoặc theo thiên can địa chi.

Người đi xông đất thường mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết kèm những lời chúc tốt đẹp đến gia chủ. Gia chủ thông thường cũng mừng tuổi lại người đến xông đất như chút lộc đầu năm.

Tục xông đất thể hiện mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp của người Việt.

Ý nghĩa tục hái lộc đầu năm, trồng cây nêu ngày tết của người Việt - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.