Tăng học phí: Đi ngược lại mong muốn của Bác Hồ !

29/06/2007 23:45 GMT+7

(Nhân đọc các bài và ý kiến về tăng học phí, TN 27, 28, 29.6) Tôi chắc chắn một điều là sau khi lộ trình học phí tăng được chấp thuận, thì sẽ không ít trẻ em HS phải nghỉ học, vì cha mẹ không đủ khả năng đóng tiền cho trường. Tôi ví dụ: Chị tôi làm lao công cho một công ty, lương tháng 1.200.000đ. sau khi đóng tiền học cho một đứa đi nhà trẻ và một đứa học cấp 2 , thì sau đó cả nhà sẽ... nhịn đói, vì đâu còn tiền để ăn, nói gì đến các khoản điện nước và chi phí khác trong nhà. (ange022…@yahoo.com )

Ngày xưa kinh tế có khó khăn thật nhưng tôi chỉ tâm niệm một điều cố gắng học thật giỏi để khi lớn thoát khỏi cảnh nghèo khó, cái rau, cái củ, bữa sắn, bữa khoai nhưng khi đi học tôi hoàn toàn tự tin rằng tôi sẽ không thua một ai, kể cả những bạn con nhà giàu có. Tại sao? Tôi hoàn toàn có quyền được đi học, không một đồng học phí, bố mẹ tôi nghèo nuôi 5 anh em tôi nhưng tất cả chúng tôi đều được đi học, chúng tôi có nghị lực và Nhà nước tạo điều kiện cho đi học. Ngày nay, nếu thực hiện lộ trình ngược này tôi nghĩ sẽ ngày càng có nhiều trẻ em Việt Nam thất học, đặc biệt những gia đình lao động, công chức làm công ăn lương vì không đủ điều kiện để đóng hoc phí. 

…nhunguyet@yahoo.com

Việc miễn học phí ở các cấp học cũng không phải chưa từng xảy ra ở nước ta trong thời kỳ của những năm 70 - 80 của thế kỷ XX. Lúc đó, đất nước chúng ta còn vô cùng khó khăn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chính phủ công bố việc học sinh các bậc học phổ thông đến trường không phải đóng học phí, học viên, sinh viên các trường trung học chuyên nghiệp, các trường đại học ngoài việc không đóng học phí còn được học bổng khi đi học, trong đó sinh viên, giáo sinh các trường sư phạm hằng tháng vẫn còn được lĩnh tiền sinh hoạt phí sau khi đã trừ tiền ăn. Điều này cũng là sự mong mỏi của Bác Hồ, của những người cộng sản khi vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng phá bỏ ách áp bức của thực dân, phong kiến, ấy là việc làm sao cho "Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Việc này vào lúc đó có thể nói đó là sự ưu việt của Nhà nước kiểu mới, Nhà nước XHCN mà nhân dân ta bắt tay xây dựng. Chính nhờ vậy mà nhiều nhà lãnh đạo các ngành các cấp hiện nay của nước ta lúc đó mới có cơ hội được học hành và trở thành tài. Ngày nay, xóa bao cấp để đưa đất nước phát triển, nhưng không có nghĩa là xóa bỏ tất cả, làm lại tất cả. Có những vấn đề chúng ta không thể làm trái quy luật như việc chúng ta đổi mới cơ chế kinh tế trong thời gian qua tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Nhưng cũng có những chính sách ưu việt như việc con em chúng ta ở độ tuổi đến trường đều có cơ hội học tập như nhau, không kể giàu nghèo, không phân biệt ở thành thị hay nông thôn, vậy chúng ta có nên xóa bỏ đi không?

Bích Liên (Vũng Tàu)

Chẳng lẽ Việt Nam đang đi ngược lại với thế giới, đi ngược lại với mong muốn của Hồ Chủ tịch là tất cả mọi người đều có cơm ăn áo mặc, đều được học hành. Cái cơ sở để các nhà quản lý đưa ra để tăng học phí sao mà vô lý, phản khoa học đến như thế. Họ đã lạm dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục một cách vô lý. Chúng ta chưa làm được thật nhiều cho tầng lớp nghèo khó thì ít nhất cũng đảm bảo cho họ cơ hội học hành phổ thông như nhau, cơ hội thoát khỏi nghèo khó (chỉ có được khi được học hành). Đáng lẽ nền kinh tế phát triển thì tầng lớp nghèo khó phải được thừa hưởng những thành quả đó. Việc người dân đóng thuế và khoản đóng góp đó được sử dụng vào việc đảm bảo phúc lợi cơ bản nhất của nhân dân là giáo dục phổ thông và chăm sóc y tế miễn phí. Ai có tiền thì sẽ có được chất lượng giáo dục cao chỉ áp dụng đối với trường tư. Còn hệ thống giáo dục công phải công bằng cho tất cả mọi người. Chẳng lẽ các nhà quản lý giáo dục Việt Nam không có kiến thức cơ bản nhất về tính ưu việt của chế độ XHCN mà ta đang xây dựng ? Chúng ta phải tiến tới miễn phí giáo dục phổ thông cho toàn dân. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rồi mà ta lại đi làm ngược, ngay như đất nước Thái Lan gần bên đang sửa đổi hiến pháp tiến tới miễn phí cả giáo dục đại học, mà ta lại đi tăng học phí.

Võ Thành (Quảng Nam)

Gia đình tôi là cán bộ công chức nhà nước, lương không đủ mua sữa cho con, bây giờ với đề án tăng học phí, rồi đọc tin thấy các trường mẫu giáo cũng tăng học phí từ 200.000/tháng lên lên gấp 3-5 lần. Tôi thấy lo quá, tôi sẽ nuôi con như thế nào đây, rồi những chi phí khác, chắc là tôi sẽ cho con tôi ở nhà nhờ ông bà thôi.

Xaanh…@yahoo.com

"Không còn gì để nói", tôi buộc phải dùng cụm từ này để chỉ những người đã cố tình "mũ ni che tai" rồi quyết, rồi ký vào quyết định tăng mức học phí của học sinh. Tôi nghĩ chắc con cái họ đã hết tuổi đi học rồi thì phải (?), hoặc lương họ được ưu đãi với mức cao (?). Xu thế toàn cầu tương lai sẽ xóa bỏ tiền học phí và tiền viện phí, vậy nước ta thì sao? Là một trong những nước vẫn còn đứng vào diện nghèo nhất thế giới mà lại tăng học phí vào diện cao nhất thế giới so với bình quân thu nhập đầu người, thử hỏi người dân có còn cơ hội cho con em mình học hành đến nơi đến chốn? Gia đình tôi có được cái may mắn là thu nhập từ kinh doanh cá thể cũng không đến nỗi phải lo lắng chạy học phí cho con từng đứa, nhưng bản thân tôi cũng xuất thân từ nghèo khó nhất mà đi lên nên tôi hiểu được nỗi niềm lo âu của những người nghèo. Liệu tiếng nói của họ, tiếng nói của những người dân có được các vị lãnh đạo lắng nghe không?

hanh…@yahoo.com

Tôi biết có trường hợp Công ty may đồng phục bán cho học sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có 14 ngàn đồng/bộ, nhưng có những trường (cả trường) chỉ có thể trả góp mỗi tháng 1.000đ, vậy thử hỏi nếu tăng học phí các em này sẽ học ra sao? Ngay cả khu vực trường học do vợ tôi giảng dạy (một trường cấp 2 thuộc huyện của thành phố loại 1 cấp quốc gia) mà cũng có nhiều em cả năm học chỉ có 1 bộ quần áo, tiền học cả năm chỉ đóng được 1/3, sáng đi học chiều về đi nghĩa trang vác đất... Tất cả những trường hợp đó tôi nêu không phải là điển hình mà đại bộ phận dân cư chúng ta thu nhập còn rất thấp, các nhu cầu bức thiết nhất trong cuộc sống là tiền ăn hằng ngày, tiền ở sau đó mới đến tiền học cho các con, vậy thử hỏi nếu tăng theo đề án thì bao nhiêu người phải cho con nghỉ học ? 

phuong…@saodo-hp.com

Bác Hồ đã từng nói: Mơ ước lớn nhất của Người là dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Nhưng cứ với cái đà tăng học phí này thì còn bao nhiêu người được học hành đây? Chỉ cần một năm tăng học phí thôi, là biết bao thế hệ chịu ảnh hưởng. Tôi chỉ biết nói vậy thôi, không biết ý kiến này sẽ đi đến đâu. Nhưng vẫn cố kêu lên một tiếng yếu ớt khi sắp nhìn thấy những nỗi niềm của dân tộc. Hay đơn giản chỉ là nỗi niềm của những người không đủ tiền trang trải cho tương lai con em của mình.

newone…@yahoo.com

"Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em", khẩu hiệu này luôn được rao giảng, thế mà bây giờ đòi tăng học phí, sẽ có bao nhiêu trẻ phải nghỉ học. Khi đó, đến quyền cơ bản là được học tập, trẻ em còn không có, nói chi đến những điều tốt nhất. Tăng học phí làm gì để trẻ em bỏ học và sau đó thì đi vận động chúng vào các lớp phổ cập, cái vòng luẩn quẩn đó làm cho giáo dục nước nhà đi thụt lùi.

han…@yahoo.com.vn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.