Nỗi đau nhìn thấy

19/01/2007 09:42 GMT+7

Sau khi đọc bài Nỗi đau của người trong cuộc của Văn Sang trên báo Thanh Niên, cả hai vợ chồng tôi đều bị ấn tượng và thôi thúc tham gia chuyên mục “Ý kiến” .

Từ năm 2004, tôi được Ban giám đốc bệnh viện Từ Dũ giao trách nhiệm là phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - chỉ đạo chuyên môn cho 32 tỉnh từ Đà Nẵng tới Cà Mau (Bộ Y tế giao cho bệnh viện chúng tôi giám sát và hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh). Ai cũng ái ngại cho tôi vì phải xa gia đình nhiều, cơ hội kiếm tiền cải thiện đời sống gia đình bị giảm thấy rõ, rồi thì những giọt nước mắt của vợ mỗi khi đã gắng sức mà không có chồng bên cạnh động viên an ủi, những ánh mắt vô tư, ngây thơ  của những đứa con cứ ngạc nhiên mãi khi thấy cha chúng hay đi như “chim bay” và ít khi được đi chơi với cha cuối tuần ... đã từng lay động sâu lắng tâm hồn tôi. Nhưng cũng chính vợ và các con tôi rất hiểu và chia sẻ vì những lần xa nhà của tôi không bao giờ vô nghĩa vì chúng tôi đã được bệnh viện giao đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh, vùng núi, hải đảo… để xem xem bệnh viện chúng tôi có thể làm gì để hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở và làm được gì cho người dân nghèo khó khốn khổ ấy!

Và chúng tôi đã thấy! Chúng tôi thấy những nỗi đau của gia đình những sản phụ tử vong trong – sau sanh vì 1 trong 3 “cái” chậm: chậm phát hiện bệnh, chậm đến được cơ sở y tế và chậm được chăm sóc và chữa trị tại cơ cở y tế.Nhân viên ngành y chúng tôi thực tế còn nhiều bức xúc, nhưng những cán bộ y tế vô tâm – vô đạo đức thực sự không nhiều đâu! Cứ nhìn nơi đô thị với nền kinh tế thị trường, thu nhập gia tăng và yêu cầu cũng như hình thức đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và gia đình ngày càng cao… chúng ta cứ tưởng rằng nơi đâu cũng đầy rẫy những tiêu cực. Tôi xin khẳng định: ngành y và tập thể cán bộ y tế - đặc biệt là y tế cơ sở luôn là những người có y đức cao nhất! Chỉ rải rác có những con sâu làm rầu nồi canh thôi! Chúng tôi rất mong quí nhà báo cùng chúng tôi xuống các cơ sở y tế tuyến xã, vùng sâu như Xã Tân Tiến, Đầm Dơi – Cà Mau chỉ cách cửa biển 3 km, Xã Rờ Kơi, xã MoRai, Sa Thày – KonTum; những địa danh Trà My - Quang Nam, Ba tơ - Quảng Ngãi, Thốt Nốt – Sóc Trăng, Gò Quao – Phú Quốc Kiên Giang… nơi đâu các bạn cũng thấy tràn đầy nỗi đau nhưng cũng thấm đẫm tình người.

Trên đường công tác tới xã Tân Tiến – Cà Mau, chúng tôi phải ngồi “bo” (canô) vượt sóng gần 1 giờ mới tới TTYT huyện Đầm Dơi, rồi phải đi “bo” tiếp hơn 90 phút mới tới được trạm y tế xã Tân Tiến đang mấp mé nước và nguy cơ ngập do thủy triều lên là thường xuyên. Trên đường đi chúng tôi cứ nghĩ những sản phụ sanh bị băng huyết chắc không sống được dù được vận chuyển nhanh bằng “bo” giống như chúng tôi vì máu trong người đâu có đủ để tiếp tục chảy thêm 2-3 tiếng nữa để đến được bệnh viện tuyến trên. Chính vì vậy mà tỉnh Cà Mau đã có sáng kiến thành lập đội thuyền cấp cứu trên sông rất hiệu quả, nhưng có lẽ khó mà đủ được.

Trong dự án đào tạo Cấp cứu sản khoa tại Kiên Giang, chương trình đào tạo có cảnh đóng vai - tức nhân viên y tế sẽ vào vai người bệnh, thân nhân  và nhân viên y tế cơ sở... cho một tình huống cấp cứu 1 sản phụ bị sản giật ở tuyến xã vùng sâu. Các chị đã phải băng đồng, lội rạch, té lên té xuống để chuyển bệnh đến cơ sở y tế. Trang thiết bị nghèo nàn thiếu thốn: chỉ với cái cáng chuyển bệnh trên đôi chân trần, cán bộ y tế vẫn xử trí đúng bài bản. Tấm lòng của các chị chẳng thiếu, cái thiếu ở đây là phương tiện và đường nhựa để chuyển bệnh nhanh. Các chị nhập vai thật tốt, tốt tới mức Giám khảo từ Bộ Y tế không nghĩ đó là vai diễn mà tưởng là 1 trường hợp bệnh cần cấp cứu thực sự và đã định tạm dừng buổi giám sát để chữa trị cho người bệnh. Chị nữ hộ sinh đóng vai người nhà sau khi kết thúc vai diễn mà không ngừng được khóc, nước mắt cứ chảy dài. Mọi người cứ nhắc “thôi đi, hết vai rồi” nhưng chị nói nghẹn trong nước mắt: “Tao đâu có muốn, nhưng cảnh này cứ thấy mãi chưa dứt, cứ vì chậm chuyển bệnh do thiếu phương tiện, thiếu đường xá mà chị em nơi đây cứ bị trở nặng, rổi tử vong thì làm sao tao ngưng khóc được”! 

Rồi tại Rờ Kơi năm 2004, chính Gs Bs Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã dùng xe công tác của bệnh viện vượt đường đèo núi chênh vênh, vượt suối (mùa mưa thì không thể qua được) để chở gấp một bệnh nhân từ Rờ Kơi ra bệnh viện tỉnh KonTum để kịp phẫu thuật vì bị nhau tiền đạo (bệnh bánh nhau bít đường ra của thai nhi và gây chảy máu trầm trọng có thể tử vong)… nhưng cũng phải cả tiếng đồng hồ mới tới nơi và cũng chỉ kịp cứu được người mẹ. vì chảy máu mà thai nhi đã chết trong bụng (nếu để tự chuyển thì tử vong cả 2 mẹ con)!

Chúng tôi đã thấy những nỗi đau còn thường trực hàng ngày, thấy những trạm y tế xiêu vẹo rách nát hay trống hoang nơi đồi cao cháy nắng của Bình Phước với chỉ 2 nhân viên bám trụ, trong đó 1 bác sắp nghỉ hưu, thấy những con đường cheo leo vách đá nơi cao nguyên hay kênh rạch chằng chịt vùng đồng bằng sông Cửu long. Còn quá nhiều trạm y tế xã không đạt “Chuẩn quốc gia” mà không biết khi nào sẽ đạt vì không có kinh phí … Chúng tôi thấu hiểu được tâm tư bức xúc của nhân viên y tế cơ sở vùng sâu vùng xa… nhưng sức người có hạn, lực bất tòng tâm… đã làm mọi người cứ tưởng rằng nhân viên y tế chúng tôi mai một y đức, chỉ lo kiếm tiền trên sức khỏe người bệnh.

Ai sẽ làm ngưng dòng nước mắt của nhân viên y tế tỉnh Kiên Giang? Ai có thể cứu thêm được thai nhi cho “mẹ tròn con vuông” để vơi bớt nỗi đau của người mẹ trẻ xã Rờ Kơi?...

Còn nhiều lắm những nỗi đau mà nếu sẵn lòng, các bạn hãy cùng chúng tôi đến những nơi vùng sâu vùng xa của tất cả các tỉnh –  hay chỉ ngay huyện Cần Giờ TP HCM thôi, để cảm thông và cùng nghĩ cách cải thiện thực trạng y tế cơ sở cho người dân được nhờ. Tôi là bác sĩ ra trường đã gần 20 năm, nhưng tôi thấy mình còn quá nhỏ bé trước những nỗi đau nhìn thấy!

Bệnh viện Từ Dũ cùng những bệnh viện đầu ngành khác của cả nước như bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng I, Chấn Thương chỉnh hình (phía Nam)… đã không ngừng triển khai các chương trình đào tạo, giám sát hỗ trợ, cử cán bộ xuống cơ sở nhiều tháng, nhiều năm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và chuyển  giao công nghệ… nhưng chỉ như vậy cũng chưa đủ. Có lẽ đến lúc chúng ta cần những chính sách thực tế, hiệu quả từ phía Chính phủ nhằm nuôi được cán bộ, giữ được nhân tài và duy trì được cái tâm của cán bộ y tế cơ sở. Họ không thể cứ mãi cống hiến, chăm lo cho mọi người trong khi chính họ không lo được cuộc sống của bản thân và gia đình riêng của họ. Sự đồng bộ trong việc đề ra các chính sách, chế độ, qui chế cần được thể hiện bằng mục tiêu, kế hoạch hành động đồng bộ của nhiều ngành liên quan tới y tế, tài chánh, giao thông vận tải, giáo dục… để cùng tìm ra một giải pháp mang tính toàn diện (cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất) tích cực và triệt để giúp giải quyết được vấn đề thực tại. Nguyên tắc chung để đề ra một chính sách hợp lý, khả thi là phải xuất phát từ thực tế, từ những khảo sát từ cơ sở mang tính đại diện và khoa học, có giá trị thuyết phục những nhà lập ra chính sách chứ không nên chỉ từ những quan niệm, quan điểm chung chung hay từ những kiến thức thu thập được trên sách vở. Lý thuyết mang tính định hướng nhưng thực tiễn sẽ giúp một chính sách trở nên khả thi. 

Chúng ta hiện vẫn còn nhìn nhận thực trạng qua báo cáo, mà báo cáo thì thường tốt nhiều hơn chưa tốt. Nên chăng chúng ta hãy cùng nhau đặt ra mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được, có thể giới hạn thời gian thực hiện cho từng ý tưởng và kế hoạch hành động của chúng ta. Hãy cùng nhau nêu lên thật nhiều điều chưa tốt như tác giả Văn Sang nói về chuyện vẽ các hổ sơ BHYT… để thấy được thực chất chúng ta đang ở đâu? Chúng ta có thể làm gì cho sức khỏe người dân? Vai trò của cán bộ y tế, ngành y tế  và vai trò của chính phủ cũng cần được khẳng định.

Xin cảm ơn quí báo Thanh Niên về diễn đàn này và mong nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của độc giả gần xa!

Ts Bs Phan Trung Hòa
Phòng Chỉ đạo tuyến BV Từ Dũ


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.