Người dân không thích điện tiếp tục bị độc quyền kinh doanh

12/06/2007 23:08 GMT+7

Nhân đọc bài Cuộc tranh cãi giữa WB và EVN, tôi mới ngộ ra rằng đây là biến tướng mới của một kiểu làm ăn độc quyền. Những khuyến cáo, cũng như những lập luận của ông quyền Giám đốc WB tại Việt Nam, theo tôi là hoàn toàn có cơ sở để thấy rằng EVN đang đi ngược lại xu thế kinh thế thị trường mà chúng ta đã cam kết thực hiện trong lộ trình gia nhập WTO.

EVN có bản báo cáo mà trong đó nêu mô hình EPTC (mô hình công ty cổ phần mua bán điện duy nhất tại Việt Nam) là mô hình được tham khảo từ 120 nước trên thế giới. Trong khi đó ông Martin Rama thì cho rằng, trong nghề nghiệp của ông, ông chưa thấy nước nào có mô hình công ty mua bán điện như EPTC của EVN). Đó là một câu hỏi lớn rằng EVN "nặn" từ đâu ra một mô hình này mà trong đó cổ đông lớn nhất vẫn là EVN và các doanh nghiệp nhà nước (than, thép, xi măng...). Vậy ai sẽ được hưởng lợi trong việc mua bán này khi chính ông Chủ tịch HĐQT EVN nói rằng công ty này sẽ lãi từ 5 - 10%?

Ở đây người tiêu dùng muốn là việc thuận mua, vừa bán giữa những nhà sản xuất điện và người tiêu dùng. Nếu có một công ty trung gian để làm việc này để tránh tình trạng ép giá, độc quyền, thì công ty đó phải do Nhà nước quản lý, mọi lợi nhuận thu chi, theo ông quyền Giám đốc WB tại Việt Nam, là phải ở mức thấp nhất để người tiêu dùng được hưởng lợi (người tiêu dùng ở đây là hơn 80 triệu người dân Việt Nam chứ không phải chỉ có mấy doanh nghiệp xi măng, than, thép đâu, thưa ông Chủ tịch HĐQT EVN!). Vì lợi ích của hơn 80 triệu con người,  không thể chấp nhận loại mô hình "vừa đá bóng, vừa thổi còi" như thời kinh tế tập trung bao cấp!

thanha…@yahoo.com.vn

Tôi hoàn toàn đồng ý với cách nói của đại diện WB. Không có gì phải nói, cũng chẳng có gì phải bàn cãi về tính xác thực mà đại diện WB đã nói hết, ai cũng thấy rõ ràng điều đó. Cách nói, cách suy nghĩ của ông Đào Văn Hưng cũng rất hay rất thuyết phục, nhưng không thực tế. Vì chúng ta chỉ làm được như thế nếu xã hội của chúng ta không có hay có nhưng rất ít tiêu cực. Còn tình hình như trước mắt, có bầu ban này ban kia, thì mọi thứ cũng đều do ngành điện độc quyền thao túng. Lúc đó lại nhận sai lầm rồi sửa chữa sai lầm thì chúng ta đã bị mất đi tiền của bao nhiêu lần nữa.

Đồng ý là chúng ta có chính kiến của mình, nhưng tôi nghĩ nước ta là nước đi sau, nên chọn lọc kỹ mô hình của các nước đi trước mà học. Đừng đi tắt đón đầu bằng những suy nghĩ viển vông mà không có đường quay lại. Mô hình hoạt động là phải có giám sát lẫn nhau, ràng buộc với nhau thì mới mong là có hiệu quả và tránh tiêu cực, chứ không thì có làm cho lắm cũng bằng thừa mà vô tình lại làm cho tiêu cực phát triển thì khốn.

nguyennha…@gmail.com

Tôi thấy cách phân tích của ông Martin Rama là thích hợp và sẽ là tiền đề cho sự cạnh tranh công bằng sau này. Người dân sau này sử dụng điện sẽ được công bằng hơn. Theo cách làm của EVN thì quá độc quyền! Thành lập theo cách của EVN chẳng khác nào như hiện trạng của EVN hiện nay được thêm vào "chút gia vị" cho hơi khác đi, vì EVN vẫn là chủ của công ty mua bán điện mới thôi!

tran_dinh…@yahoo.com

EVN nên nhớ rằng các công cụ lao động họ đang có là tiền của của Nhà nước, đúng hơn là trích từ thuế của nhân dân, cho dù tiền EVN nộp ngân sách đi nữa cũng là tiền của nhân dân mà thôi. Do đó nếu anh có trình dự án gì đi nữa thì cũng phải xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng xã hội chủ nghĩa. Ở những nước văn minh điện họ sản xuất ra rất nhiều và dùng càng nhiều thì giá càng rẻ, vì có sự cạnh tranh của nhiều công ty điện lực. Bác Hồ vất vả cả đời để xây dựng một nhà nước một chế độ XHCN vì nhân dân mà phục vụ, nếu anh đi ngược lại tinh thần ấy thì nhân dân sẽ buộc tội anh.

junvn…@yahoo.com

(Nhân đọc Tranh cãi xung quanh việc thành lập Công ty cổ phần mua bán điện duy nhất (EPTC), TN 12.6.2007)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.