Ý đồ của Trung Quốc khi cấp tập điều chiến đấu cơ áp sát Đài Loan

28/01/2021 11:25 GMT+7

Bất chấp chỉ trích của Mỹ, Trung Quốc đại lục vừa qua liên tục điều động số lượng lớn máy bay chiến đấu áp sát Đài Loan. Hành động này của Bắc Kinh nhằm mục đích gì?

Ăn miếng trả miếng ?

Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục điều động máy bay quân sự xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Cụ thể, ngày 23.1, Trung Quốc đại lục đã điều động 8 máy bay ném bom H-6K, 4 chiến đấu cơ J-16 và 1 máy bay săn ngầm Y-8 ngày 23.1 tiến vào phía tây nam ADIZ của Đài Loan. Các máy bay cũng đi qua khu vực quần đảo Đông Sa (Pratas) hiện do Đài Bắc kiểm soát, nằm ở phía bắc Biển Đông.
Ngay lập tức, Mỹ lên tiếng chỉ trích, đồng thời điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông. Động thái này cũng diễn ra sau khi Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới cho phép lực lượng này nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh xem là chủ quyền.
Đáp trả Washington, Bắc Kinh ngày 24.1 tiếp tục điều động 15 máy bay quân sự của Trung Quốc đại lục, trong đó có 12 chiến đấu cơ, xâm nhập ADIZ của Đài Loan và cũng bay qua khu vực quần đảo Đông Sa.
Trước đó, vào ngày 20.1 khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, Trung Quốc đại lục đã điều động máy bay trinh sát Y-8 xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Chỉ trong tháng 12.2020, Trung Quốc đại lục đã có 19 lần xâm nhập ADIZ của Đài Loan.

Phép thử chính sách

Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đã nhận định về ý đồ của Trung Quốc trong loạt hành động trên.

Lược đồ vị trí quần đảo Đông Sa – nơi máy bay Trung Quốc thường tiếp cận.

Đồ họa: H.Đ

“Theo tôi, lần triển khai máy bay xâm nhập ADIZ của Đài Loan ngày 23.1 là phép thử của Trung Quốc đối với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tiếp đó, dù Mỹ đã cảnh báo thì Trung Quốc đại lục một lần nữa điều động số máy bay quân sự nhiều hơn để xâm nhập ADIZ. Lần triển khai thứ 2 nhằm kiểm tra phản ứng tiếp theo của Washington”, ông Schuster nhận xét.
Theo ông, sau đợt hành động ngày 24.1, nếu Washington chỉ đơn giản lặp lại cảnh báo nhằm vào Bắc Kinh, thì giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Mỹ cũng chỉ thực hiên cam kết hỗ trợ Đài Loan ở mức lên tiếng mà thiếu hành động. Vì thế, phản ứng của Mỹ (nếu có) trong tuần này sẽ định hình nhận định của Trung Quốc về chính sách của tân Tổng thống Biden đối với vấn đề Đài Loan.

Không quân Đài Loan diễn tập mô phỏng chiến tranh

Cựu đại tá Schuster cho rằng phản ứng của Mỹ trong những ngày tới rất quan trọng, vì 2 đợt xuất kích gần nhất của máy bay quân sự Trung Quốc đến ADIZ Đài Loan là bước leo thang quân sự mới.

Làm suy yếu ý chí hay ru ngủ Đài Bắc ?

“Trên thực tế, hành động trên của Bắc Kinh còn nhằm làm suy yếu ý chí chính trị của Đài Bắc trong việc tìm kiếm độc lập”, ông Schuster nhận định và cho rằng Trung Quốc vẫn luôn thận trọng “ném đá dò đường” trước khi hành động chính thức và luôn hướng đến mục tiêu “không đánh mà thắng”. Đó là một phần trong học thuyết chiến tranh của ông Mao Trạch Đông, cố lãnh đạo Trung Quốc, khi luôn đặt 3 yếu tố dư luận, truyền thông và luật pháp để định hình lợi thế về môi trường địa chính trị, khiến cho đối thủ cảm thấy rằng không thể chiến thắng hoặc phản kháng là vô ích.
Bên cạnh đó, theo cựu đại tá Schuster, việc Trung Quốc ngày càng leo thang sức ép quân sự còn nhằm tạo nên trạng thái “bình thường mới” để Đài Loan có thể quen dần với hành động này của Trung Quốc rồi cho rằng chỉ là để đe dọa. Nếu như thế, Đài Bắc sẽ bị “ru ngủ” và đến lúc Bắc Kinh bất ngờ tấn công thì Đài Loan có thể lơ là.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.