Y án sơ thẩm cựu Giám đốc CDC Hà Nội cùng đồng phạm

Trần Cường
Trần Cường
25/06/2021 06:40 GMT+7

Mặc dù có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, được nhiều đồng nghiệp cả nước có đơn xin giảm nhẹ, nhưng mức án 10 năm tù sơ thẩm là có căn cứ, tương xứng với tội danh.

Ngày 24.6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội); Nguyễn Vũ Hà Thanh, cựu Trưởng phòng Tài chính CDC Hà Nội; Nguyễn Thị Kim Dung, cựu Trưởng phòng Tổ chức CDC Hà Nội; Nguyễn Ngọc Quỳnh, cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, cựu Giám đốc Công ty MST; Nguyễn Trần Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty định giá và bán đấu giá Nhân Thành.
Tại phiên tòa, thẩm phán Đặng Đình Lực, Chủ tọa phiên tòa, cho biết đã nhận nhiều đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo nguyên là cán bộ của CDC Hà Nội. Các đơn này được gửi từ CDC của 30 tỉnh thành và một số tổ chức liên quan ngành y tế; các nhà khoa học... Vợ của bị cáo Cảm cũng nộp đơn của 42 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cùng 430 bác sĩ tại các tỉnh thành xin giảm nhẹ cho chồng.
Tại tòa, bị cáo Cảm khai khoảng cuối tháng 2.2020, khi dịch Covid-19 diễn ra, UBND TP.Hà Nội đã tập trung chỉ đạo toàn ngành y tế dồn lực, tập trung cho việc chống dịch. Trước khi dịch xảy ra, CDC Hà Nội không đủ năng lực để xét nghiệm, vì đây là dịch bệnh hoàn toàn mới, không có hệ thống xét nghiệm cụ thể nên đã đưa ra chủ trương mua sắm trang thiết bị xét nghiệm, phục vụ công tác chống dịch, giao CDC Hà Nội lên kế hoạch, thực hiện. Do áp lực về thời gian, cần đáp ứng vật tư cho chống dịch cấp thiết, CDC Hà Nội phải tham khảo, tìm hiểu thị trường, đề xuất danh mục... và lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian.
Ngoài bị cáo Cảm, các bị cáo Thanh và Dung cũng cho rằng vì áp lực về thời gian, tiến độ nên đã phạm tội và cho rằng “không có động cơ vụ lợi và cũng không biết rõ hậu quả của sự việc; chỉ nghĩ đó là hành động ghi lùi thời gian để đáp ứng tiến độ, không ảnh hưởng gì...”. Trong khi đó, bị cáo Quỳnh thừa nhận toàn bộ hành vi và cho rằng bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, tuy nhiên bị cáo này cho rằng mức án nặng và xin giảm nhẹ hình phạt, được cải tạo tại địa phương.
Đại diện Viện KSND (VKS) cấp cao tại Hà Nội cho rằng bị cáo Cảm là người có vai trò cao nhất trong vụ án. Mặc dù có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, được nhiều đồng nghiệp cả nước có đơn xin giảm nhẹ, nhưng mức án 10 năm tù sơ thẩm là có căn cứ, tương xứng với tội danh, mức án này là mức thấp nhất trong khung hình phạt, nên căn cứ để giảm nhẹ là không có.
Tương tự, bị cáo Đào Thế Vinh đã gian lận đấu thầu, gây thiệt hại lớn cho nhà nước. Mức án 6 năm 6 tháng tù của bị cáo là đúng và nhẹ nhất, không có căn cứ giảm nhẹ thêm. Đối với bị cáo Nguyễn Trần Duy, việc thẩm định giá gói thầu số 15 phải tuân thủ quy định nhưng bị cáo này lại lập khống thủ tục, hồ sơ thẩm định, ban hành chứng thư thẩm định theo mức giá CDC Hà Nội yêu cầu. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo không có tài liệu, chứng cứ để xem xét giảm nhẹ.
Cũng theo VKS, nhóm bị cáo: Thanh, Dung, Quỳnh đều thành khẩn khai báo, được CDC Hà Nội đề nghị xem xét giảm nhẹ; cả 3 cùng là cấp dưới, làm công hưởng lương, không vụ lợi... Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án thấp rất nhiều so với khung hình phạt, không có căn cứ giảm nhẹ thêm.
HĐXX đã quyết định bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên án sơ thẩm. Cụ thể, bị cáo Cảm 10 năm tù; bị cáo Thanh 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Dung 6 năm tù; bị cáo Vinh 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Duy 6 năm tù và bị cáo Quỳnh 5 năm tù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.