Xung quanh những nghi vấn chúa Nguyễn Ánh đã từng ra Côn Đảo

27/04/2022 16:04 GMT+7

Thời gian gần đây bỗng nhiên có khuynh hướng phủ nhận việc chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) từng ra đến Côn Đảo (tên cũ là Côn Lôn), dù chuyện này từng đã ghi rõ trong bản dịch bộ Đại Nam thực lục.

Nói về chuyện chúa Nguyễn Ánh đã từng tới Côn Đảo, trong Đại Nam thực lục nguyên văn ghi chép như sau:

“Mùa thu, tháng 7 (1783), Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai người đảng là phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Bỗng mưa gió nổi lớn, bốn bể mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau. Sóng biển nổi lên dữ dội. Thuyền giặc tan vỡ, chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc …” (Đại Nam thực lục – tập I – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 217 - 218).

Minh họa vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử

T.L

Vừa qua, những người phủ nhận việc chúa Nguyễn đã từng ra Côn Đảo dựa vào ít nhất mấy luận điểm chính: khoảng cách giữa đảo Phú Quốc và Côn Đảo (ngày nay) quá xa.

Trong điều kiện bấy giờ, thuyền của chúa Nguyễn khó có thể ra đến đó, đồng thời đảo Côn Lôn được ghi trong Đại Nam thực lục không phải là Côn Đảo ngày nay, mà chỉ là một hòn đảo nhỏ nào đó quanh vùng biển Phú Quốc.

Lại có người cho rằng “đảo Côn Lôn” trong Đại Nam thực lục 1783 là đảo Koh Rong (Cổ Lôn) hoặc hòn Ko Kut (Cổ Cốt) nằm ở phía tây Phú Quốc, thuộc chủ quyền của Thái Lan, gần biên giới với Campuchia.

Ngoài ra sử cũng có ghi là quân Tây Sơn vây đảo Côn Lôn làm ba vòng, mà Côn Đảo ngày nay rất rộng, quân Tây Sơn sao có người đủ để “vây ba vòng”?....

Côn Lôn không phải là đảo Cổ Cốt

Tuy nhiên, với điều kiện về dữ liệu ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng luận điểm 1 có rất ít tính thuyết phục. Khoảng cách địa lý giữa hòn đảo Phú Quốc và Côn Đảo ngày nay chỉ là 338 km.

Trong khi đó, ở thời kỳ nội chiến 1771-1802, vào các thập niên 1770-1780, nhà Tây Sơn nhiều lần đưa thủy quân từ Quy Nhơn vào đánh lấy Gia Định trên một hải trình dài… 900 km, dài gấp hơn 2,6 lần khoảng cách Phú Quốc - Côn Đảo. Nhà Tây Sơn làm được điều đó, sao chúa Nguyễn không di chuyển được trên một hải trình ngắn hơn thế đến 2,6 lần? Cần nói thêm là khi trốn lánh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, cũng như khi lánh nạn sang Xiêm, chúa Nguyễn luôn có sự hộ vệ của vài trăm tướng sĩ, chẳng thể đi một mình trên 1 - 2 chiếc ghe chèo để phải sợ khoảng cách hơn 300 km ấy.

Côn Đảo ngày nay

t.l

Những người ấy còn phủ nhận địa danh Côn Lôn trong Đại Nam thực lục là Côn Đảo ngày nay tìm mọi cách sử dụng tên địa phương của những hòn đảo nhỏ quanh Phú Quốc để gán ghép chúng cho hai từ “Côn Lôn”, thậm chí cho “Côn Lôn” là hòn đảo Cổ Cốt thuộc lãnh hải Thái Lan, khá xa đảo Phú Quốc về phía tây.

Nếu thủy quân Tây Sơn của phò mã Trương Văn Đa từ Sài Gòn đi ra cửa bể Vũng Tàu, chạy dọc theo bờ biển Nam Kỳ, đi vòng qua mũi Cà Mau, ngang đảo Phú Quốc và ngược lên phía tây để bao vây quân chúa Nguyễn ở đảo Cổ Cốt của Thái Lan (như có lời giải thích “Côn Lôn chính là đảo Cổ Cốt”) thì thật là một điều chẳng thực tế chút nào.

Thêm một chi tiết bất hợp lý nữa trong luận điểm này: Đại Nam thực lục chép rõ: “Thuyền vua bèn vượt các vòng vây (ở Côn Lôn - Lê Nguyễn), đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc”, thì rõ ràng Côn Lôn và Cổ Cốt là hai hòn đảo khác nhau, không thể cả hai lại là một được?.

Vua Gia Long - Nguyễn Ánh

Về chuyện quân Tây Sơn khi nghe tin chúa Nguyễn ở đây đã vây đảo Côn Lôn làm ba vòng, cần hiểu rằng Côn Đảo là một quần đảo có đến mười mấy hòn đảo nhỏ và cho đến 1975, chỉ một hòn đảo chính là có người ở. Như vậy vây Côn Đảo là chỉ vây hòn đảo chính, không phải vây toàn bộ mười mấy hòn đảo để tính rằng chu vi của quần đảo quá lớn. Vả lại không nên hình dung “vây” là hình thức nắm tay nhau làm thành vòng tròn. Nên hiểu rằng, đối với thủy quân, cho thuyền bè đậu rải rác làm nhiều vòng quanh hòn đảo chính cũng là vây. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.