'Xúc xắc xúc xẻ' kể chuyện 'nhận lì xì' ngày xưa

23/01/2019 13:48 GMT+7

Khi phong bao lì xì chưa phổ biến, trẻ con Việt thời xưa có phong tục nhận lì xì khá dễ thương: mang 2 ống tre đầy tiền xu cổ kêu lanh canh đi khắp làng xóm, ca vang khúc đồng dao: Xúc xắc xúc xẻ. ..

Trong ký ức của nhà thơ Văn Công Hùng, Xúc xắc xúc xẻ hiện lên đầy sinh động: “Hầu như trẻ con chúng tôi, đứa nào cũng có một cái ống nứa (hoặc tre) còn nguyên 2 đầu mắt, cưa xéo một nhát ở một phía dài cỡ hơn đốt ngón tay, nhét đồng tiền xu vào đấy, như kiểu trẻ con nuôi heo  đất/ nhựa bây giờ. Những cái ống còn là một thứ đạo cụ để đêm 30 đi... chúc tết. Chừng mươi mười lăm đứa, láu tháu lít nhít bằng nhau, mũi dãi lòng thòng vì lạnh, cả trai cả gái, mỗi đứa một cái ống bên trong có xu như thế, kéo nhau đi thành hàng một, đứa đi đầu cầm đèn dầu hoặc đuốc. Cứ thế vừa đi vừa hát vừa lắc ống cho nó kêu vang lừng hòa với tiếng đồng dao: Xúc xắc xúc xẻ, nhà nào còn lửa, mở cửa cho chúng tôi, bước lên giường cao: có đôi rồng ấp, bước xuống giường thấp, có đôi rồng chầu, bước ra đằng sau, có nhà ngói lợp..."
Phong tục mang ống tre đi mừng tuổi ngày Tết gần như không còn, kể cả ở những làng quê xa xôi. Chỉ còn bài hát Xúc xắc xúc xẻ vang vọng mà ít ai hiểu ý nghĩa. ẢNH: HTV3
Ngày nay, phong tục mang ống tre đi mừng tuổi ngày tết đã hoàn toàn mất bóng, kể cả ở những làng quê xa xôi. Mang bài hát đồng dao xưa đến mọi nhà trong dịp năm mới qua MV Badanamu Xúc xắc xúc xẻ vừa được giới thiệu, HTV3 DreamsTV mong muốn gợi nhắc về một cái tết xưa thật vui tươi, tình cảm xóm giềng được gắn kết từ chính tình cảm và hành động của trẻ thơ.
Với phiên bản chào xuân Kỷ Hợi 2019, Xúc xắc xúc xẻ giữ nguyên tinh thần của bản gốc là một bài đồng dao, xen giữa những khoảng trống tự nhiên trong bài hát được chuyển soạn chính là hơi thở hiện đại từ rap, các âm thanh điện tử khác nhau, MV được sáng tạo phần âm nhạc, ý tưởng phối khí cùng với ý tưởng câu chuyện. Đội ngũ họa sĩ, chuyên viên kỹ thuật hoàn thiện hình ảnh nhân vật và bối cảnh 3 miền Việt Nam vui xuân.
Các nhân vật Badanamu đang “đốn tim” cộng đồng châu Á như: Bada, Mimi, Pogo, Curly, Jess và Abby sẽ lần đầu tiên được mặc áo dài, áo bà ba truyền thống Việt Nam, trên tay là bánh chưng, bánh tét, mai đào rực rỡ. Các em “rồng rắn lên mây” rong ruổi khắp ba miền đất nước Việt Nam, đi qua những danh thắng như: Chùa Một Cột, Cầu Thê Húc, Thành Nội ở cố đô Huế, chợ Bến Thành nhộn nhịp, và chúc mọi nhà một mùa tết vui tươi, sung túc, an lành.
 
Bada, MiMi, Jess, Pogo, Curly... - những nhân vật hoạt hình dễ thương, gần gũi được yêu mến khắp các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Hàn sẽ làm sống lại nét đẹp văn hóa đã mai một từ lâu của dân tộc Việt qua việc tái hiện bài đồng dao trong MV tết đậm sắc xuân
Theo nghệ sĩ Thanh Bùi, đại diện đơn vị sản xuất: "Việt Nam xưa giờ biết đến Doraemon, Pokemon, Thanh nghĩ năm 2019 sẽ có 1 đột phá cho animation, cho Badanamu. Ngày nay các em rất thích nghe nhạc US-UK vì thật sự âm nhạc ở đây rất hấp dẫn, bắt tai. Ở Việt Nam tôi nghĩ những bài hát như Xúc xắc xúc xẻ phải được thể hiện đương đại hơn, gần gũi với những âm thanh, phối khí của 2019. Đây là bước đầu và trong tương lai sẽ còn rất nhiều bài hát ngày xưa ngày xửa được làm mới lại theo cách này để thế hệ bây giờ nghe và cảm nhận, ngày càng biết mình là ai, thấy được sự dồi dào của nền văn hóa chúng ta”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.