Xúc tiến xây dựng bản đồ ẩm thực Việt Nam

Ngọc An
Ngọc An
14/10/2020 08:00 GMT+7

Ông Lê Tân, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (ảnh), chia sẻ về tác động của mạng xã hội, công nghệ số với việc quảng bá ẩm thực cũng như xây dựng bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Ông nhìn nhận thế nào về những tác động của mạng xã hội với việc giới thiệu ẩm thực Việt ra thế giới?
Rõ ràng mạng xã hội là kênh truyền thông, quảng bá rất hữu hiệu, giúp cộng đồng tiếp nhận thông tin nhanh chóng, đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận hiện nay đang tồn tại những nội dung mang giá trị cả tích cực lẫn chưa tích cực trên mạng xã hội. Như vừa qua đã xảy ra các vụ việc về những Vlog phản cảm, không muốn nói là hành xử không có văn hóa, không biết gì về ẩm thực. Khi khán giả quốc tế vô tình nhìn thấy những clip như vậy, chắc chắn hình ảnh về Việt Nam cùng văn hóa Việt Nam sẽ bị nhìn một cách méo mó.
Nhiều người làm những Vlog ẩm thực chỉ hướng đến 3 mục tiêu: thứ nhất là để nổi tiếng, thứ hai là để câu “view” (lượt xem), thứ ba là lợi nhuận. Chính những điều này sẽ làm hỏng đi giá trị cốt lõi của việc giới thiệu ẩm thực.
Tôi cho rằng để hạn chế những nội dung tiêu cực đang khá phổ biến trên mạng xã hội, pháp luật cần có thêm những quy định cụ thể, rõ ràng và xử lý nghiêm khắc hơn.
Theo ông, chúng ta cần làm gì để quảng bá ẩm thực Việt nhiều hơn với việc tận dụng lợi thế của công nghệ số?
Trong thời gian đối phó dịch Covid-19, hiệp hội đã đưa lên trang web, fanpage hướng dẫn cách làm những món ăn nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi thực hiện suốt 2 tháng với những món ăn của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam với sự tham gia đóng góp của các nghệ nhân. Hiện tại, hiệp hội cùng Bộ VH-TT-DL xây dựng 2 đề án cấp quốc gia, một là xác lập bản đồ ẩm thực Việt Nam, hai là bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam. Đề án có sự tham gia của nhiều đơn vị khác như Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Cục Di sản Việt Nam...
Khi có bản đồ ẩm thực Việt Nam, du khách chỉ cần nhìn bản đồ là có thể biết vùng nào có món gì, ăn ở đâu... Trước hết, để thực hiện đề án xác lập bản đồ ẩm thực Việt Nam, chúng ta phải tiến tới “số hóa” với 4 hạng mục: giá trị lịch sử món ăn, nguyên liệu làm món ăn, nghệ nhân - những người chế tác món ăn, sự lan tỏa của món ăn (giới thiệu những giá trị của món ăn đến với thế giới). Dự kiến, đề án này sẽ được thực hiện trong 3 năm, chia thành 6 “vùng”: ẩm thực cung đình Huế, món ăn dân gian miền Bắc, miền Trung, miền Nam, những món ăn ở hải đảo, miền núi. Chúng tôi hy vọng đề án này có thể khởi động từ năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.