Xúc động hình ảnh người mẹ run rẩy cõng gỗ mưu sinh

22/11/2021 13:02 GMT+7

Cảnh quay từ sau lưng một phụ nữ luống tuổi run rẩy từng bước cõng khúc gỗ nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể trên lưng khiến dân mạng xúc động nghĩ về sự hy sinh, nghị lực phi thường của người mẹ.

Đoạn clip dài 30 giây sau 1 ngày đăng tải nhận được gần 5.000 lượt bấm thích, thả tim, buồn bã cùng hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều tài khoản mạng xã hội xót xa: “Tiền công không đủ tiền chữa bệnh”, một số ý kiến khác cho rằng clip dàn dựng để “câu like”. Tuy nhiên, theo xác minh của PV Thanh Niên, câu chuyện là có thật.

Khúc gỗ nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, bà Bắc bước từng bước loạng choạng khiến dân mạng xót xa

NVCC

70 - 100 kg vẫn cõng bình thường

Anh Phạm Văn Tuấn (người quay clip) khẳng định với PV đây là công việc hằng ngày của bà Lê Thị Bắc (52 tuổi) - người gắn bó với việc cõng gỗ đúng 20 năm. Trong đoạn clip, bà Bắc đội nón lá, mặc áo sọc ca rô, đi dép tổ ong run rẩy cõng khúc gỗ trên lưng từ xe tải, đi một đoạn chừng 3 m xếp vào sân. Nhìn người phụ nữ luống tuổi oằn lưng cõng khúc gỗ to, dân mạng lo ngại cho sức khỏe của bà.

Theo lời anh Tuấn, đoạn clip được anh quay vài hôm trước trong lúc bà Bắc vác gỗ cho xưởng của gia đình anh tại thôn La Xuyên (xã Yên Ninh, H.Ý Yên, Nam Định). Mỗi khúc gỗ nặng từ 70 - 90 kg, tùy loại gỗ. Bà Bắc thường vác gỗ cho khắp các xưởng trong làng nghề mỗi khi được gọi và nhận công theo từng khối gỗ.

Anh kể: “Tôi trả cô 150.000 đồng/mét khối gỗ, hôm tôi quay là cô vác 25 khúc gỗ như vậy với tiền công 200.000 đồng, cô làm trong khoảng nửa tiếng là xong. Đây là nghề cô làm kiếm tiền nên cứ khi nào có hàng về thì tôi gọi cô sang vì thương. Cả xóm giờ chỉ có cô và một người nữa là phụ nữ làm công việc nặng nhọc này. Thương các cô nhưng mà không gọi thì các cô không có thu nhập, cuộc sống cứ luẩn quẩn như vậy”.

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Bắc cho biết bắt đầu công việc nặng nhọc này vào năm 2001, đúng thời điểm mang thai con út. Nghe PV giới thiệu về đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, bà Bắc cười xòa: “Đây là nghề bình thường thôi mà mấy cô chú cứ tung hô, tôi vác nhiều quen rồi, 70 hay 100 kg vẫn vác bình thường”.

Lấy chồng về sinh sống ở làng nghề gỗ La Xuyên, nhà không có ruộng vườn, mọi thứ đều phải đi mua, cộng thêm áp lực nuôi 3 con ăn học buộc bà phải làm công việc này để có tiền trang trải. Hiện nay, 2 con lớn của bà đã có gia đình, con út còn học đại học. Mặc các con khuyên ngăn, ai gọi bà vẫn có mặt làm để các con tập trung lo cho gia đình riêng của mình.

Bà Bắc (phải) và một người phụ nữ hơn 60 tuổi là hai người phụ nữ ở xóm làm công việc nặng nhọc này

Còn sức sẽ còn làm

20 năm làm nghề, bà Bắc cho hay, tùy từng khúc gỗ mà chọn cách khiêng, vác cho phù hợp, dễ dàng nhất. Tranh thủ giờ nghỉ trưa trước khi tiếp tục công việc, bà Bắc tháo cái nón quạt quạt đón chút gió cho khô mồ hôi ướt sũng lưng áo, nói: “Tôi chỉ nghĩ đây là công việc để nuôi con nên ráng làm. Tôi nặng 49 kg, không biết đục đẽo nên làm khiêng vác. Gặp khúc gỗ nặng gấp đôi người mình, bước đi loạng choạng cũng là điều dễ hiểu. May mắn, nghề này có thể làm quanh năm, làm xong có tiền liền để nuôi con ăn học. Mỗi ngày tôi kiếm được chừng 200.000 - 300.000 đồng”.

Theo lời bà Bắc, chồng bà làm công an viên của thôn, mỗi tháng thu nhập hơn 1 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu với số tiền cần chi tiêu. Nhiều lần vác nặng, đau lưng chịu không thấu, bà đi khám bệnh thì phát hiện bị thoái hóa cột sống, thoái hóa đốt sống cổ, được bác sĩ chỉ định uống thuốc và tiêm, hạn chế việc nặng. Vậy mà, có xưởng nào gọi là bà liền có mặt, tập trung dồn sức cho công việc.

“Ở xã giờ có xe nâng gỗ, nhưng những đường nhỏ xe không vào được, cần đến sức người thì tôi mới có việc. Có khi nhận khúc gỗ 6 - 7 tạ đi chặng đường gần chục cây số thì tôi để lên xe cải tiến rồi kéo bộ. Làm nặng về đau nhức lắm, tôi cứ uống thuốc rồi hôm sau lại làm vì con, vì cuộc sống. Có khi vác nặng quá không kiểm soát được, khúc gỗ rớt đè lên tay, chân phải đi khâu, tôi cũng chả nhớ đã phải khâu bao nhiêu lần rồi”, bà Bắc bộc bạch.

Kể xong, bà đội lại chiếc nón, tiếp tục cõng những khúc gỗ to trên lưng từ xe vào xưởng. Bóng dáng xiêu vẹo ngắn ngủn chiếu trên mặt đất, bà thở dốc nói: “Tranh thủ làm bù những ngày dịch giã ít việc. Có việc làm là may”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.