Xúc động clip bé trai chạy theo đòi bế nhưng ba đi chống dịch Covid-19 không dám đến gần

01/09/2021 11:32 GMT+7

Đi chống dịch Covid-19 , anh Trung không về nhà trong thời gian dài. Đến khi thấy anh về, con anh vui mừng chạy đuổi theo ba đòi bế nhưng anh không dám lại gần. Khoảnh khắc khiến nhiều người xúc động.

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ clip ghi lại khoảnh khắc gặp gỡ gia đình của hai ba con. Theo đó, ba bé đi chống Covid-19 nên nhiều ngày không về nhà. Ghé qua nhà có chút việc, con anh vui mừng chạy ra đòi bế nhưng anh tránh đi, giữ khoảng cách và nói với bé: “Ba xin lỗi, ba xin lỗi em. Người ba bẩn nên không bế được...”.
Em bé chưa hiểu chuyện, tưởng ba đang chơi đuổi bắt nên khoái chí chạy theo nhưng sau òa khóc khi thấy ba không lại gần. Đoạn clip được chia sẻ nhận được nhiều lượt “thả tim”, bình luận động viên của cộng đồng mạng.

"Muốn lại gần ôm con lắm nhưng nén lại"

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, anh Nguyễn Hiếu Trung (30 tuổi, Chỉ huy Trưởng Ban CHQS P.Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An) là nhân vật chính trong clip trên. TP.Vinh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vợ con anh không ra ngoài nên tranh thủ thời gian sau ca làm, anh về nhà mang sữa cho con và lấy thêm ít bộ quần áo.

Clip: Khoảnh khắc bé Ben tưởng ba chơi trò đuổi bắt nên chạy theo

“Hôm đó hết sữa cho con tôi tranh thủ chạy về đưa sữa và lấy thêm quần áo. Ở nhà, hai ba con chơi với nhau như hai người bạn nên khi tôi về bé tưởng đang chơi đuổi bắt. Lúc đó muốn lại gần ôm con lắm nhưng nén lại, chỉ dám nhìn khoảng 5 phút rồi rời đi để con đỡ khóc”, anh Trung cho hay.
Con trai anh tên ở nhà là Ben (21 tháng tuổi), con đầu của vợ chồng anh. Hơn 2 tuần nay, anh đi chống dịch nên không thể về nhà. Anh cùng các đồng nghiệp tham gia mua đồ giúp dân, trực chốt ở khu phong tỏa, phun khử khuẩn ở các nơi có ca nhiễm,…  
“Về đưa đồ xong tôi đi luôn còn bé cứ đòi ba, lúc tôi đi bé khóc nên thấy thương lắm. Giờ hết ca làm tôi lại tranh thủ gọi video về gặp cho con đỡ nhớ. Tôi biết thường xuyên đến những nơi nguy hiểm nên dù nhà cách chỗ làm khoảng 2km nhưng tôi ít khi ghé về, không dám lại gần dù rất muốn ôm con”, anh Trung tâm tình.

Anh Trung tranh thủ giờ nghỉ sau ca làm gọi điện thoại về gặp con

NVCC

Vợ anh ở nhà ủng hộ, động viên, chăm sóc con chu đáo để anh yên tâm chống dịch. Anh luôn mong dịch hết thật nhanh để sớm về với gia đình, không phải chia cách như hiện tại.
“Vì nhà tôi ở nhà trọ, khu tập thể nên để hai mẹ con ở nhà cũng lo. Cứ phải dặn vợ buổi tối phải đóng cửa cẩn thận, có việc gì phải gọi điện. Mong mọi người chấp hành tốt, cùng lực lượng tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình yên như trước”, anh Trung chia sẻ.

Người tiếp xúc gần với F0 Covid-19 thì bao lâu phát bệnh | BÁC SĨ ƠI số 12

“Cố quen để chồng đi chống dịch!”

Chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt (28 tuổi, vợ anh Trung) chia sẻ con ở nhà ngày nào cũng nhắc vì ba lâu ngày không về. Chị ở nhà cố gắng chăm sóc con để chồng yên tâm chống dịch.
“Lúc đó khoảng 5 – 6 giờ chiều, tôi nhờ chồng mua ít sữa và anh tranh thủ về lấy đồ rồi đi luôn. Ben tưởng ba về nên mừng rỡ, chạy đuổi theo nhưng ba tránh thế là con khóc. Tôi thấy thế cũng thương, chỉ biết bế con nhưng may bé cũng ngoan, khóc một chút rồi nín”, chị Nguyệt nói.

Anh chị mong mau hết dịch để cả nhà đoàn viên như trước đây

NVCC

Bình thường, chồng chị hay bế con đi chơi. Khi chồng vắng nhà, chị canh thời gian, gọi điện thoại cho con gặp ba để vơi đi nỗi nhớ. Hai mẹ con ở nhà cũng buồn nhưng vì dịch bệnh, chị động viên bản thân, cố gắng chăm con để chồng hoàn thành nhiệm vụ.
“Ngày nào con cũng nhắc ba Trung sao không về. Lúc chồng đi thấy con khóc tôi cũng khóc theo vì thấy thương, bé tưởng ba đi chơi không cho bé đi. Bé mới được 21 tháng nhưng biết nói sớm nên hay nói chuyện với ba. Giờ cứ buổi trưa chồng được nghỉ là gọi gặp con. Nếu chồng ở nhà cứ đến chiều sẽ chở con đi chơi còn tôi ở nhà nấu ăn, xong cả nhà sẽ ghé xuống ông bà nhưng giờ chỉ có hai mẹ con ở nhà nên cứ mong dịch bệnh mau hết để gia đình được gần nhau như trước”, chị Nguyệt bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.