Xuất nhập khẩu trên đường tới mốc 800 tỉ USD: Chạy nước rút về đích

20/09/2022 07:55 GMT+7

Dù đạt được kết quả ấn tượng nhưng trong quý cuối cùng của năm 2022, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng để gia tăng đơn hàng trong bối cảnh sức mua ở nhiều thị trường lớn bị ảnh hưởng do lạm phát.

Nhiều giải pháp gỡ khó

Mặc dù ngành dệt may đạt được thành tích kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đang thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho hay: “Tình hình xuất khẩu sẽ còn khó khăn trong những tháng cuối năm nay. Thời điểm này các DN đang xoay xở để duy trì hoạt động, những DN lớn có đơn hàng dồi dào có xu hướng chia sẻ đơn hàng cho DN thiếu đơn hàng. Một số khác thì tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường nội địa”. Bên cạnh đó, các DN đang thực hiện liên kết để tìm kiếm đơn hàng ở thị trường mới. Chẳng hạn các DN thuộc Hội Dệt may thêu đan TP.HCM gần đây có liên kết với các DN tại Ấn Độ, Pakistan nhằm trao đổi đơn hàng vào các thị trường này.

Xuất khẩu thủy sản trên đà tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong tháng 8.2022

Công Hân

TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các nhà nhập khẩu tìm hiểu sâu hơn về thị trường, nắm bắt rõ hơn tâm lý và xu hướng người tiêu dùng. Nếu trước đây chúng ta đóng gói theo kiểu bán sỉ cho các nhà nhập khẩu thùng 10 kg, nhà nhập khẩu đưa về đóng thành các gói nhỏ hơn ví dụ từ 0,5 - 1 kg để bán lẻ thì nay chúng tôi đang nghiên cứu và hợp tác chuyển sang đóng gói dạng bán lẻ ngay tại VN”.

Đặc biệt, trong tháng 9, hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại (XTTM) được Bộ Công thương tích cực triển khai trên khắp các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Thương vụ VN tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ tổ chức đoàn cho các chủ DN Ấn Độ tham dự sự kiện lớn ở Bình Dương. Cục XTTM (Bộ Công thương) còn định kỳ tổ chức hội nghị trực tuyến tham tán thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, đối thoại trực tiếp với đại diện hiệp hội và các DN để cập nhật thông tin mới liên quan đến thị trường xuất khẩu.

Cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, các DN cần năng động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác mới vì sắp tới sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN bằng các hoạt động XTTM ở các thị trường mới. Chính phủ cần tiếp tục ổn định chính sách vĩ mô và đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ DN.

Đứng trước tình cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, các DN ngành sản xuất gỗ đề xuất các giải pháp hỗ trợ như giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay, cho vay tồn kho, tín chấp, và hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đối với các chính sách thuế, phí, DN ngành gỗ mong muốn Chính phủ cho phép giảm, chậm nộp thuế thu nhập DN và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho DN...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.