Xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp: Bã mía... đắt như tôm tươi

27/11/2015 09:00 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bã mía cho biết không có đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bã mía cho biết không có đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng.

Phế phẩm từ mía giờ trở thành hàng “hot” - Ảnh: Công HânPhế phẩm từ mía giờ trở thành hàng “hot” - Ảnh: Công Hân
Ông Vũ Xuân Mạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH A.F.P. Toàn Cầu (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết trước đây sản phẩm bã mía do chính công ty trực tiếp chế biến và xuất khẩu, chủ yếu sang Nhật Bản và một phần đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, gần đây công ty chỉ tập trung thu mua rồi xuất khẩu.
Nuôi bò, trồng nấm...
Bã mía có hai loại chính là lên men tự nhiên và không lên men. Nhật Bản là thị trường rất khó tính nên họ chỉ sử dụng sản phẩm lên men tự nhiên không dùng hóa chất với thời gian lên men kéo dài đến 12 tháng. Loại lên men này thường được ép thành viên. Người Nhật mua bã mía về để làm thức ăn gia súc. “Các đối tác của chúng tôi nói họ nuôi bò. Bã mía được dùng làm thức ăn bổ sung vì theo nghiên cứu của người Nhật, men tự nhiên trong bã mía hỗ trợ tiêu hóa rất tốt và chất xơ trong đó cũng có tác dụng tương tự. Một tấn bã mía dạng này có giá lên đến 200 USD”, ông Mạnh nói.
Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Honkana Vina thuộc Tập đoàn Honkana (Nhật Bản) được xây dựng trên diện tích 2,8 ha với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2009 tại tỉnh Hậu Giang. Nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu bã mía khoảng 20.000 tấn/năm và tạo ra khoảng 7.000 tấn thành phẩm bã mía lên men để chế biến thức ăn cho bò, chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản.
Việc đưa nhà máy chế biến thức ăn gia súc từ bã mía vào hoạt động vừa góp phần giúp cho địa phương có thêm nguồn thu, vừa giúp cho các nhà máy đường giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Mạnh, hàng không lên men được nghiền ra thành bột và ép thành khối để xuất khẩu. Sản phẩm này ngoài xuất khẩu đi Nhật còn đi Hàn Quốc. Họ nhập về để làm giá thể trồng nấm cũng rất tốt. Loại này có giá khoảng 150 USD/tấn.
Cũng xuất khẩu bã mía sang Nhật Bản để làm thức ăn gia súc, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nghĩa (Long An), cho biết năm 2007 công ty của ông chỉ đơn thuần xuất khẩu bã mía, nhưng một năm sau thì đi vào chuyên sâu, mở rộng hơn. Công ty nghiên cứu phát triển thêm nhiều loại sản phẩm khác và phối trộn các sản phẩm này với nhau theo yêu cầu của khách hàng, như bã mía lên men, bã dứa lên men, viên nén bã mía, viên nén bã dứa... và rất được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 1.000 - 1.500 tấn sản phẩm các loại. Tùy loại sản phẩm thô, lên men, làm bột, ép viên... mà giá cả có thể dao động từ 120 - 250 USD/tấn.
Nhật sang VN thu mua bã mía
“Bã mía bây giờ rất hút hàng, khó thu mua vì nó còn phụ thuộc vào mùa vụ. Ngoài ra, ở trong nước cũng nghiên cứu ứng dụng loại bã mía lên men để đưa vào nuôi tôm, cho hiệu quả tốt. Nhu cầu của các nhà nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc rất lớn mà VN không thể đáp ứng được nên hiện nay họ phải chuyển hướng sang Thái Lan, Indonesia, Malaysia để thu mua”, ông Mạnh thông tin.
Còn theo lời ông Nghĩa, nhu cầu nhập khẩu thức ăn cho bò sữa và bò thịt của Nhật Bản mỗi năm đã lên tới trên 10 tỉ USD, trong khi xuất khẩu của VN sang Nhật ở nhóm này hiện nay rất thấp, chưa đến 1%. “Nếu chúng ta biết cách tận dụng các nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để chế biến thành thức ăn chăn nuôi có thể thu về hàng tỉ USD”, ông Nghĩa nói.
Hỏi về phế phẩm bã mía của Công ty CP mía đường Cần Thơ (CASUCO) - một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành mía đường VN, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc công ty, chia sẻ: “Cách đây 5 năm, doanh nghiệp của Nhật Bản đã liên hệ với chúng tôi để thu mua bã mía. Họ mua và trực tiếp chế biến thành thức ăn gia súc rồi xuất về Nhật, chúng tôi chỉ bán nguyên liệu cho họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.