Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh

29/03/2020 20:06 GMT+7

Trong quý 1.2020, ngoài gạo và hạt điều, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chính đều giảm so cùng kỳ năm ngoái.

So với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất là cao su, đạt 331 triệu USD, giảm hơn 26%. Thứ 2 là hạt tiêu, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 156 triệu USD, giảm 17,6%. Chè đạt 39 triệu USD, giảm gần 15%. Rau quả xuất khẩu đạt 831 triệu USD, giảm 11,5%. Cà phê đạt 794 triệu USD, giảm 6,4%. Sắn đạt 243 triệu USD, giảm 4,7%...
Tuy nhiên, trong quý 1, xuất khẩu gạo và hạt điều tăng cả lượng và giá trị. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 653 triệu USD, tăng 7,9% (lượng tăng 1,1%); hạt điều đạt 644 triệu USD, tăng 0,8% (lượng tăng 14,3%).
Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), Bộ NN-PTNT dự báo, nông sản xuất sang Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại vào cuối tháng 3. Theo đó, đầu tháng 4 này, nhu cầu nhập khẩu nông sản vào Trung Quốc, đặc biệt là các nhóm hàng thực phẩm, tăng trở lại. Trung Quốc hiện đang có chính sách giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm trong tổng số trên 800 mặt hàng để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước. Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực nhằm tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này”.
Ngoài ra, với một số thị trường khác, Bộ NN-PTNT dự đoán theo mức độ tác động dịch bệnh hiện tại, EU và Mỹ có thể mất trên 3 tháng để khống chế. Dự kiến đến tháng 6 - 7 năm nay, thị trường nhập khẩu nông sản sang hai thị trường này mới có thể kích hoạt phục hồi lại bình thường. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong nửa cuối giai đoạn tháng 3 – 5 năm nay và hoạt động nhập khẩu nông sản sẽ quay trở lại vào tháng 6, tuy nhiên mức tăng có thể sẽ không nhiều.
Như vậy, theo Bộ NN-PTNT, để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỉ USD là thách thức rất lớn và cần có những giải pháp toàn diện trước mắt và lâu dài. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%, thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ và EU.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.