Xuất khẩu lô tôm nước lợ đầu tiên sang EU theo hiệp định EVFTA

11/09/2020 14:19 GMT+7

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ xuất khẩu tôm nước lợ đầu tiên vào thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Sáng ngày 11.9, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ xuất khẩu tôm nước lợ đầu tiên vào thị trường châu Âu (EU) theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị... để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU

Ảnh: Thiện Nhân

Đây là lô tôm đông lạnh của Công ty TNHH Thông Thuận (khu công nghiệp Thành Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm) được xuất sang thị trường Hà Lan, một trong những thành viên của EU.
Tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU và Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8.2020 sẽ mang đến triển vọng lớn cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU.

Công nhân Công ty TNHH Long Thuận chế biến tôm xuất khẩu

Ảnh: Thiện Nhân

Ông Tiến dẫn chứng, riêng với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản. EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm tới.
Theo ông Tiến, để sẵn sàng cho EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhập thông tin hoạt động chế biến, logistics.... để đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế khi tham gia vào EVFTA, ông Tiến yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU, như áp dụng mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC (bộ tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, dựa trên 4 nền tảng chính: môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm -PV), phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.