Mỗi tuần một bài hát xuân

'Xuân và tuổi trẻ': Khúc thanh xuân bất tử

11/01/2024 10:00 GMT+7

Tôi biết bài hát 'Xuân và tuổi trẻ' từ mẹ tôi, rồi tới anh tôi. Qua bao năm tháng tuổi thơ, nó cứ lảng vảng trên cây đàn guitar cũ kĩ của tôi mỗi buổi chiều ở một vùng quê xa. Khi tôi vào Sài Gòn theo tiếng gọi của âm nhạc thì điệu waltz thấm đẫm thời gian ấy đã đi sâu vào hồn tôi rồi cứ reo vang khắp nơi mỗi khi xuân về.

Thật không thể kể hết bao nhiêu ca sĩ đã hát, bao nhiêu bản phối đã đi qua Xuân và tuổi trẻ. Bởi cũng dễ hiểu, đó là một trong những bài hát tiền chiến bất tử. Nó bất tử vì nó là hình ảnh của vườn địa đàng, nơi không bao giờ có khổ đau. Nó bất tử vì niềm hạnh phúc bên trong đã vượt lên trên cái “si tình trần gian” bình thường để trở thành niềm an lạc vĩnh cửu:

"Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm

Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi..."

'Xuân và tuổi trẻ': Khúc thanh xuân bất tử- Ảnh 1.

Hình bìa tờ nhạc lúc bấy bấy giờ của NXB Đón Gió

T.L

Quả là ca từ của một nhà thơ, thật cao diệu. Thế Lữ đã giúp cho điệu waltz vốn đã trong sáng như hương hoa mùa xuân này trở nên thoát tục. Nếu hạnh phúc có được bằng sự "thổn thức tình mê đắm" thì sẽ chóng tàn phai khi mùa xuân đi qua. Còn niềm an lạc thì vượt lên trên chu kỳ sinh diệt.

Trong buổi bình minh của nền tân nhạc Việt Nam, La Hối nổi lên và đọng lại với một số phận thật kỳ lạ...

Tôi từng nghe câu chuyện rằng, có một cậu nhóc mê khúc nhạc giáng sinh Carol of The Bells mà David Foster phối. Nó cứ tưởng của ông sáng tác. Ai dè khi tìm hiểu kỹ, nó phát hiện ra một số phận khắc nghiệt đằng sau giai điệu thần tiên ấy: tác giả là một nhạc sĩ người Ukraine có tên là Mykola Dmytrovych Leontovych, đã chết khi bị truy sát thời kỳ đầu Soviet. Khúc nhạc Carol of the Bells lúc đầu có tên là Shchedry. Khi nó nổi tiếng khắp thế giới thì người nhạc sĩ bạc mệnh đã rời xa thế giới này từ rất lâu.

Câu chuyện này làm cho tôi liên tưởng tới nhạc sĩ La Hối. Cũng tương tự như thế, người nhạc sĩ yêu nước này là một trong những lãnh đạo một tổ chức chống phát xít Nhật. Tháng 5.1945, La Hối bị bắt cùng nhiều người khác. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, tất cả bị xử bắn rồi bị chôn chung một huyệt, khi ấy La Hối mới 25 tuổi. Số phận mới khắc nghiệt làm sao khi khúc thanh xuân bất tử ấy - Xuân và tuổi trẻ vang lên đã hơn 70 năm trên khắp đất nước, rồi ra đến những kiều bào ở hải ngoại mỗi khi xuân về, thì người nhạc sĩ tài danh cũng đã rời xa cõi trần này ngần ấy thời gian.

Có một điểm chung ở các nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam là âm nhạc của họ hấp thụ và chịu ảnh hưởng nhiều âm nhạc phương Tây. Rõ nét nhất là những vũ điệu waltz mà cấu trúc của nó là những đoạn nhạc nối tiếp xoay vòng như khung cảnh một buổi khiêu vũ dạ tiệc của phương Tây.

Hãy tưởng tượng mà xem, một anh chàng điển trai chơi accordion cùng dàn mandolin của các thiếu nữ xinh đẹp, phía sau là dàn giao hưởng tấu lên điệu waltz của Xuân và tuổi trẻ trước hàng vạn người mỗi khi xuân về thì tuyệt vời biết bao.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh

Xuân và tuổi trẻ ban đầu là một bản hòa tấu. Ta có thể hình dung một ban nhạc thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam gồm có: mandolin, guitar, accordion... Nếu ngẫm kỹ cấu trúc nhịp phách và motif của giai điệu bài hát này, Xuân và tuổi trẻ như được viết riêng cho đàn mandolin vậy. Ta thấy rõ những cú gảy, rung phím của mandolin là chính. Có những câu nhạc khá dài để giọng hát có thể để giữ hơi. Và quả nhiên đúng như vậy! Khi tôi phối bài hát này lần đầu tiên (và cũng duy nhất) vào xuân 2003 cho ca sĩ Cẩm Vân hát, đoạn giang tấu tôi thử mời người chơi mandolin một đoạn phiên khúc. Quả nhiên nó hay và có hồn một cách lạ lùng, cứ như nó dìu tôi đi ngược thời gian về quá khứ vậy. Nơi quá khứ xa mờ ấy, có chàng La Hối thư sinh, ngồi ôm đàn mandolin rung lên những khúc nhạc của vườn địa đàng.

Xuân và tuổi trẻ Sáng tác: La Hối - Thế Lữ, thể hiện: Cẩm Vân, hòa âm: Võ Thiện Thanh

- Có bao giờ em phối Xuân và tuổi trẻ chưa?

Trong một cuộc chat massenger cuối năm, tôi hỏi một nhạc sĩ hòa âm trẻ sinh năm 1988.

- Có anh ạ, để em gởi anh nghe thử nhé!

Khi tôi nghe bản hòa âm của một người trẻ mà ngày sinh cách tới 43 năm so với tuổi bài hát, tôi phát hiện một điều thú vị rằng, một thông điệp dù ở một quá khứ xa xôi nào đi chăng nữa, nó sẽ được giải mã bằng cỗ máy "tâm hồn", dù cho hai tâm hồn ấy cách nhau gần một thế kỷ.

- Mấy người trẻ như tụi em, lâu lâu mới có dịp “đụng” một ca khúc huyền thoại của nhạc Việt thế này, nên tụi em chăm chút kĩ lưỡng lắm ạ!

Chàng nhạc sĩ hòa âm trẻ trút tâm sự, tôi nghe mát cả ruột. Thật vậy! Với âm nhạc hay bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, nếu thế hệ sau không biết trân quý, bảo tồn và gìn giữ những gì của thế hệ trước để lại, sẽ không thể nào chúng ta có một nền văn hóa đủ mạnh để cạnh tranh và "đương đầu" với một thế giới dễ hòa tan và bị xâm lăng văn hóa, nhất là trong thời đại ngày nay.

'Xuân và tuổi trẻ': Khúc thanh xuân bất tử- Ảnh 2.

Xuân và tuổi trẻ là hình ảnh của vườn địa đàng, khúc thanh xuân bất tử mà muôn đời ai cũng mơ tới

Võ Thiện Thanh

Trong khu vườn địa đàng của Xuân và tuổi trẻ, có người thích ung dung dạo chơi ngắm hoa lá và nghe tiếng chim, cũng có người thích đắm say trong những vòng tay luân vũ. Vì thế, trong vô số những phiên bản hòa âm và giọng hát kể từ khi bài hát này phổ biến, dần dần chia thành hai phong cách khi thu âm hay trình diễn: phong cách thong dong về nhịp phách và phong cách các điệu waltz luân vũ. Nhưng tôi vẫn thích Xuân và tuổi trẻ thuần waltz trong không gian một dàn nhạc symphony hoành tráng kiểu như André Rieu. Hãy tưởng tượng mà xem, một anh chàng điển trai chơi accordion cùng dàn mandolin của các thiếu nữ xinh đẹp, phía sau là dàn giao hưởng tấu lên điệu waltz thanh xuân bất tử này trước hàng vạn người mỗi khi xuân về thì tuyệt vời biết bao. Buổi hòa nhạc định kỳ như thế hằng năm, tại sao không chứ! Có thể là Dinh Độc Lập, hay khu vực trước UBND TP.HCM.

Nhưng dù bất cứ hoàn cảnh nào, tinh thần của Xuân và tuổi trẻ vẫn mãi trường tồn. Vì đơn giản, nó là hình ảnh của vườn địa đàng, khúc thanh xuân bất tử mà muôn đời ai cũng mơ tới:

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui sống...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.