Xuân mới, 'ăn cơm mới, nói chuyện cũ' về chiếc đòn gánh

06/02/2024 16:27 GMT+7

Một trong những điều kỳ diệu về Tết là gì nhỉ?

1. Có nhiều, rất nhiều câu trả lời, tùy theo tâm thế của mỗi người. Riêng tôi, tôi thích nhất là câu nói có tính khái quát chung: "Ăn cơm mới, nói chuyện cũ". Nhịp sống thời gian lướt qua nhanh, nói như nhà thơ Tản Đà: "Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc/Chán cả giang hồ, hết cả ngông". Ngựa lao trên thăm thẳm đường dài - từ bình minh đến hoàng hôn đời người chỉ loáng qua nháy mắt. Thế thì những gì đã đi qua, hễ dịp Tết đến, thêm một tuổi, người ta mới bình tâm nhìn lại quá khứ đã lùi xa. Bạn cũng thế. Tôi cũng thế.

Xuân mới, 'ăn cơm mới, nói chuyện cũ' về chiếc đòn gánh- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Khi nhớ "chuyện cũ" là tôi còn nhớ về hình ảnh người mẹ - người đàn bà Việt với chiếc đòn gánh trên vai. Diễn tả về chiếc đòn gánh gắn liền với thân phận lam lũ, chịu thương chịu khó ấy, chỉ thi hào Nguyễn Du mới khắc họa tài tình, đã nghe/đọc dù một lần nhưng câu chữ không thể vụt ra ngoài trí nhớ: "Cũng có kẻ đi về buôn bán/Đòn gánh tre chín rạn hai vai". Không thể, không một ai có thể thay đổi từ "chín rạn". Nhớ lại đi, hầu như tháng ngày còn trẻ, "ăn chưa no, lo chưa tới" có bao giờ ta vuốt ve bờ vai của mẹ để quan sát sự "chín rạn" và thốt lên lời an ủi?

Trong vòng quanh của một năm, đôi vai ấy không rời quang gánh, chỉ lo cho chồng con, thấu cảm điều này, hẳn ta sẽ cảm động đến dạt dào một niềm thương cảm về người đàn bà của non sông nước Việt:

Đầu sông cho chí ngọn nguồn

Cùng năm chí tối đi buôn cả đời

Tháng Tám quẩy gánh buôn rươi

Tháng Chín buôn mít,
tháng Mười buôn cau

Tháng Một quẩy gánh buôn trầu

Tháng Chạp buôn bấc,
buôn dầu, buôn hương

Tháng Giêng vào nghệ buôn đường

Tháng Hai tiện mía, tháng Ba sang nạo dừa

Tháng Tư quẩy gánh buôn dưa

Tháng Năm cấy hái cày bừa lấy công

Tháng Sáu quẩy bị buôn bông

Tháng Bảy buôn mít, buôn cùng cả năm…

Trong bài ca dao này, nếu đọc kỹ ta đã thấy xuất hiện từ "quẩy gánh". Đây là từ đôi cùng nghĩa, còn có cách viết khác vẫn đúng chính tả: "quảy gánh". Vậy, khi "ăn cơm mới, nói chuyện cũ", ta thử nhắc lại câu cửa miệng - không riêng gì ở nhiều văn bản khác, ngay cả tập sách Kho tàng tục ngữ người Việt (NXB Văn hóa Thông tin - 2002) do Nguyễn Xuân Kính chủ biên cũng ghi: "Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng Bảy kẻ quảy người không, rằm tháng Mười mười người mười quảy".

Có ai ngờ ngợ điều gì không?

2. Ở đây, tôi ngờ ngợ về từ quảy khi liên tưởng từ câu thơ trong hai áng văn chương lừng danh của nước Việt - với Truyện Kiều: "Giác Duyên từ tiết giã nàng/Đeo bầu quảy níp, rộng đường vân du", với Lục Vân Tiên: "Quản bao thân trẻ dãi dầu/Đeo nang Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên".

Trong các ngữ cảnh này, ta dễ dàng nhận ra quảy là: "Lấy vai chịu có một đầu gánh, treo cột vật chi vào một đầu cây, gác lên vai mà đi" - Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích. Tức là dùng đòn cây để phía sau treo vật đó, có thể là cây gậy, đoạn tre, thậm chí là chiếc đòn gánh, rồi khi vác trên vai, người ta dùng một tay đè lên đầu phía trước như một cách giữ thăng bằng. Căn cứ vào Từ điển Việt-Bồ-La (1651), ta thấy quảy và gánh được xếp chung, cùng nghĩa: "Dùng chiếc gậy để mang vật nặng trên một vai, mà sức nặng được chia đều cả hai bên và được treo ở hai đầu của chiếc gậy".

Thật ra hai động tác quảy và gánh khác nhau.

Khi quảy thì trọng lượng nhẹ hơn (so với gánh), còn gánh thì nặng hơn nhiều, vì thế mới có từ gồng gánh/gánh gồng/gồng gồng gánh gánh... Mới đây, nữ nhà văn Xuân Phượng, ngoài 90 xuân viết tác phẩm Gánh gánh… gồng gồng là hiểu theo nghĩa này. Một khi nói "Gồng giỗ gánh Tết", ta hiểu là đảm đương những công việc nặng nề, không hề thong dong nhẹ nhàng mà nhọc lòng lo toan nhiều thứ khiến người đứng đầu trong nhà phải toan tính, lo liệu sao tươm tất, chu đáo. Ca dao có câu:

Tiếc công đắp đập be bờ

Để ai quảy vó mang lờ đến đơm

Trong ngữ cảnh này, từ "quảy" không thể hoán đổi qua "gánh". Thông thường để thực hiện động tác gánh, người ta dùng chiếc đòn dài làm bằng đoạn tre già chẻ đôi, hai đầu có mấu để mắc quang gánh vào đó.

Rủ nhau đi gánh nước thuyền

Quang đứt chỉnh vỡ, gánh liền xuống sông

Khi người ta dùng sợi mây hay thừng tết lại cho săn chắc, thường có bốn tao, móc trên mấu của hai đầu đòn gánh, ở phía dưới đặt trực tiếp vật dụng gì đó hoặc đặt ở trong thúng mà trọng lượng xấp xỉ để gánh đi thì gọi là quang. "Quang" còn gọi là "gióng" hoặc gọi gộp chung "quang gióng". Mà, "gióng" cũng còn gọi là "lóng", tùy trường hợp, thí dụ như lóng tre/gióng tre, lóng mía/gióng mía... - hiểu theo nghĩa rộng, là từng đoạn một. Lợi dụng trùng âm khi phát âm gióng/dóng, người Quảng Nam mới "chế" ra từ "cãi dóng", ta thử nói lái xem sao?

Cái gánh/đòn gánh ấy vốn quen thuộc đối với người Việt, do đó, mới có câu "Gẫy đòn gánh giữa đàng/Nửa đường đứt gánh", không phải chỉ cái vật cụ thể mà ngụ ý ai đó đã mất vợ/chồng lúc còn trẻ; nói như Truyện Kiều: "Nửa chừng xuân, thoắt gẫy cành thiên hương". Ngày xưa khi đồng hồ chưa phổ biến, thông dụng như hiện nay, nhằm thông báo về thời gian, ngoài "Mặt trời lên độ một con sào", người ta còn nói: "Mặt trời mọc một đòn gánh" - ý ước chừng khoảng 7 giờ, 8 giờ sáng. Tuy nhiên từ gánh không chỉ có thế, khi đọc bài thơ Bán than, tương truyền của danh tướng Trần Khánh Dư, có câu:

Một gánh kiền khôn quảy tếch ngàn,

Hỏi chi bán đó, dạ rằng than.

Thì gánh trong ngữ cảnh này lại được hiểu theo nghĩa bóng là cáng đáng, lo toan, lo liệu công việc nặng nề, khó nhọc, chứ câu thơ không trùng ý giữa gánh và quảy. Tếch là đi nhưng nhấn mạnh là đi mất hút, nói một cách tếu táo.

Một khi đã hiểu nghĩa của từ quảy và gánh nên chính vì thế, ta mới phân vân không rõ câu tục ngữ trên ý muốn nói "Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy" là người ta quảy cái gì, mà quảy đi đâu? Không thể đoán, vì hoàn toàn không có dữ kiện nào cho biết cả. Không lẽ chúng ta… bó tay? Không đâu. Ta sẽ hiểu rõ một khi viết/nói… đúng chính tả. Với những chứng cứ nêu trên, suy ra, "quảy" ở đây, chính là "quải" thì mới hợp lý.

Hơn bốn trăm năm trước đã có sự phân biệt rõ ràng, Tự điển Việt-Bồ-La (1651) đã ghi nhận, và cho biết cũng được hiểu như là mời: "Quải bụt: Mời tượng thần ăn. Quải oũ bà oũ vải về ăn: Mời ông bà và tổ tiên đã qua đời trở về nhà để ăn". Nay, ta hiểu quải là cúng/cúng quải với nhiều từ cùng nghĩa như giỗ quải/cúng kiếng/giỗ kỵ/đơm giỗ/quải giỗ… Còn có thêm từ khác nữa như lúc Lục Vân Tiên mắc nạn nên tiểu đồng:

Một mình ở đất Đại Đề

Sớm đi khuyên giáo, tối về quảy đơm

Đơm nghĩa là gì? Ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: "Cơi thêm, đắp thêm, làm cho đầy", nhưng hàng trăm năm trước nữa, đơm còn hiểu theo nghĩa "dâng cúng"- theo Từ điển tiếng Việt cổ (NXB Văn hóa thông tin - 2001) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện (tr.121). Vì thế mới có câu thành ngữ "Cúng quỷ đơm ma/Đơm ma tế quỷ".

Nói chung, quải không chỉ là lúc cúng cho ông bà tổ tiên, người khuất mày khuất mặt mà còn là dịp cúng cơm mới tạ ơn trời đất đã cho mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa... Lễ vật trong dịp quải không câu nệ vào mâm cao cỗ đầy để gặp nhau trong dịp này là "nhậu xả láng, sáng về sớm" mà cần nhất vẫn là lòng thành.

3. Khi "ăn cơm mới, nói chuyện cũ" lại là câu chuyện về chiếc đòn gánh quen thuộc của người đàn bà nước Việt, từ thời son rỗi đến lúc đã chồng con vẫn còn đè nặng trên vai cảm xúc yêu thương quá. Có lẽ gánh nặng nhất đối với người lam lũ cần lao, bán lưng cho đất bán mặt cho trời vẫn là: "Gánh cực mà đổ lên non/Còng lưng mà chạy cực còn đuổi theo". Dù đã nỗ lực hết cách, làm đến thân tàn lực kiệt nhưng rồi cái nghèo vẫn cứ bám riết theo.

Từ câu ca dao này, tôi muốn kể lại đầu xuân ít nhiều khó giải thích. Rằng, sau ngày hồi cư từ vùng kháng chiến ở Cây Sanh (TP.Tam Kỳ), gia đình ông bà ngoại tôi về Đà Nẵng. Nhà nghèo lắm. Mẹ tôi, các dì cả tôi mỗi rạng sáng phải thức dậy vác quang gánh chạy tuốt ra bãi biển, khi Mỹ Khê, lúc Thanh Bình để mua sỉ cá tươi mà ghe thuyền vừa cập vào bờ. Rồi nhanh chân chạy ùa ra chợ Hàn, chợ Cồn bán lại.

Ngày qua ngày. Đột nhiên một ngày kia, vào sáng sớm mùng 1 tết, chưa có ai đến xông đất bỗng nghe từ ngoài cổng tiếng ai đó gọi tên bà ngoại tôi. Ai lại réo gọi tên vào ngày đầu năm? Đó là điều hết sức tránh trong phong tục người Việt. Dù vậy, bà ngoại cũng bước ra, trước mặt là một người đàn bà xa lạ, không phải người quen trong làng lại ngỏ ý muốn… mượn chiếc đòn gánh. Bà ngoại tôi ngạc nhiên lắm nhưng rồi cũng cho mượn cái vật dụng quen thuộc, thân thiết mà con cái sử dụng kiếm sống mỗi ngày.

Thật hết sức kỳ lạ, ra giêng ngày rộng tháng dài, mọi việc hanh thông lại đến, công việc làm ăn ngày càng phát đạt, mẹ tôi và các dì không còn dùng đến chiếc đòn gánh nữa. Làm sao có thể lý giải chuyện này một cách rành mạch, "khoa học"? Tôi không thể, chỉ kể lại như tâm tình cùng bạn trong xuân này. Và chúc cho nhau, hễ năm hết Tết đến, không như thế hệ ba mẹ ông bà mình phải "Gồng giỗ gánh Tết", mà nhẹ nhàng thong dong trong niềm hân hoan cùng reo lời ca tiếng hát: "Xuân đã đến rồi, gieo khắp ngàn hồn hoa xuống đời. Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi. Đem trong tiếng cười cho kiếp người tình thương đắm đuối…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.