Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân... (*)

04/06/2005 17:00 GMT+7

Giữa những ngày nóng bức của Sài Gòn, tôi bất ngờ được hưởng luồng không khí mát mẻ trong khung cảnh thiên nhiên u tịch tuyệt đẹp từ một bản phim Hàn Quốc khác hẳn với những bộ phim Hàn xoay quanh những cuộc tình tay ba lê thê, ồn ào, hơi có phần thô bạo trên truyền hình mà khán giả Việt Nam vẫn xem mỗi ngày.

Bản phim Hàn do người bạn quý trao, ít cảnh, ít lời, ít người đẹp, vắng bóng thời trang, không hào nhoáng vật chất hiện đại, vậy mà cả bốn người chúng tôi thuộc hai thế hệ - nửa trẻ, nửa già - vẫn cứ bị cuốn hút. Lạ thay.

Xem phim mà phục người làm phim. Quanh đi quẩn lại chỉ có ngôi chùa nhỏ giữa lòng hồ trong thung lũng sâu, bao quanh là núi non trùng điệp, nhân vật chính là hai thầy trò nhà sư sống bên nhau bao nhiêu năm nhưng chẳng có mấy câu đối thoại, thêm một cô gái trẻ thoáng xuất hiện rồi biến mất cũng gần như trong lặng lẽ, vậy mà vẫn có thể buộc khán giả phải ngồi một chỗ không muốn đứng lên. Chưa nói đến khung cảnh thiên nhiên trầm mặc tuyệt đẹp dù sáng, trưa, chiều, tối hay xuân, hạ, thu, đông đều khiến người xem phải ngẩn ngơ. Có cảm tưởng như đạo diễn không để dư một chi tiết nào, dù nhỏ, của phim. Cái hấp dẫn của phim chính ở những ẩn dụ của ngôn ngữ điện ảnh.

Tôi không phải là phật tử, chẳng có pháp danh, trí hiểu biết về cuộc đời còn kém cỏi, nói chi đến triết lý Phật giáo thâm sâu, vậy mà mỗi chi tiết của phim vẫn là một gợi mở hết sức lý thú. Từ chiếc bè là phương tiện duy nhất nối kết giữa hai bờ sáng tối, đến pho tượng nhà sư trẻ mang theo trong hành trang, bước vào con đường khổ lụy rồi sau đó quay về cùng con dao vấy máu. Sâu hận khiến cho vị sư trẻ hiền lành thanh tú năm xưa mắt long lên sòng sọc vì lửa giận, nhưng rồi nguồn sáng thanh tịnh của tự tánh đã chiếu rọi đường về cho người ấy. Nên con dao nhiễm bụi hồng, nay dùng để cắt bỏ mái tóc bù xù rối rắm của những năm dài trên mê lộ và dùng khắc bài Bát nhã tâm kinh trên sân chùa, miệt mài suốt ngày đến mãn đêm để sáng mai trở thành con người khác.

Suốt bộ phim là một sự tĩnh lặng kéo dài. Tĩnh lặng của thiên nhiên, của mối quan hệ con người ít được diễn đạt bằng ngôn ngữ, vậy mà người xem vẫn thấy lấp lánh sự sống sinh động. Tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, những chú cá vẫy vùng dưới làn nước trong suốt, cặp rắn đang quấn quýt nhau trên đá giữa chốn núi rừng và hai người trẻ không vượt qua được ham muốn của bản năng… Vị sư già lại càng yên lặng. Sư không nhìn, không nói nhưng thấu suốt mọi điều. Sư lẳng lặng để đệ tử ra đi theo sức hút của nghiệp lực mà sư đã nhìn thấy trước. Và cũng chính sư bình thản chờ ngày đệ tử trở về. Như tất cả đều là lẽ đương nhiên.

Cũng tình cờ, đọc trên trang thể thao của một tờ báo mẩu tin thời sự: "Mourinho (HLV đội bóng đá nổi tiếng Chelsea - NV) nếm mùi nhân quả". Hóa ra, nói hay không nói, nghiệp chướng, nhân quả không phải là một khái niệm xa lạ đối với tâm hồn con người, nhất là những con người Á Đông. Chẳng thế mà khái niệm ấy lại có mặt cả trong lĩnh vực rất sôi nổi, rất động như thể thao. Khái niệm không xa lạ, nhưng có mấy ai giữa thời buổi bận rộn này có thì giờ nghĩ đến.

Phim đã xem xong, lòng còn tiếp tục nghĩ ngợi. Về trình độ làm phim, về cái tâm yếu đuối của con người, dễ xao động trước mọi cám dỗ, ham muốn vì cái trí chưa đủ lực để phân biệt đúng - sai. Cái tâm ấy, trí ấy, dường như không phải ít trong một xã hội đang tự đặt ra cho mình quá nhiều thứ giá trị thật - ảo khó phân.

(*) Tựa đề phim Hàn Quốc, sản xuất năm 2003, đạo diễn Kim Ki - Duk.

C.Kim Quy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.