Xu thế tích hợp kiểm định và xếp hạng, nâng cao năng lực quản trị đại học

29/07/2022 08:00 GMT+7

Đối sánh chất lượng giáo dục vẽ nên một bức tranh tích cực về chất lượng các trường ĐH, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến với người học, nhà tuyển dụng. Để hiểu hơn về xu hướng này, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Lộc và GS.TS Nguyễn Hữu Đức.

Chào GS-TS Nguyễn Lộc, thầy có thể chia sẻ về xu thế đánh giá chất lượng giáo dục ĐH hiện nay?

GS-TS Nguyễn Lộc - Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

GS-TS Nguyễn Lộc: Phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục ĐH truyền thống vẫn là kiểm định chất lượng. Song phương pháp này thường chỉ tập trung đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu để trường được phép hoạt động, còn mức độ xuất sắc hay việc so sánh giữa các trường không được quan tâm nhiều. Xếp hạng ĐH thì quan tâm đánh giá mức độ xuất sắc của chất lượng nhưng lại quá thiên về các chỉ số nghiên cứu nên không toàn diện và chỉ có được khoảng 3% (khoảng 1.000) trường góp mặt.

Xu thế hiện nay là tích hợp cả kiểm định và xếp hạng thành xếp hạng đối sánh thông qua việc so sánh với một bộ mốc chuẩn. Xếp hạng gắn sao QS (Anh Quốc), SETARA (Malaysia), U-multirank (châu Âu) hay UPM (các chuyên gia ĐHQG Hà Nội phát triển,) là đang theo hướng này.

Thưa GS-TS Nguyễn Hữu Đức, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hướng tiếp cận xu thế xếp hạng đối sánh của UPM?

GS-TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch sáng lập Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng UPM

GS-TS Nguyễn Hữu Đức: Xếp hạng gắn sao QS được thừa nhận là hệ thống kiểm định 5 mức, còn UPM thì tích hợp sáng tạo cách tiếp cận phương pháp xếp hạng gắn sao của QS và kiểm định chất lượng của AUN-QA, với các tiêu chí đánh giá đối sánh khác nhau cho nhóm ĐH theo định hướng: nghiên cứu, ứng dụng. UPM còn phân biệt cho các nhóm trường rất đa dạng từ trường đa lĩnh vực đến KHTN, công nghệ kỹ thuật, KHXH… đồng thời bổ sung các tiêu chí đánh giá mới nêu cao tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… nên đang được nhiều trường lựa chọn để thích ứng với cách mạng công nghệ 4.0 và để quản trị thương hiệu, công khai chất lượng qua đánh giá độc lập của bên thứ ba.

Được biết UPM vừa công bố kết quả gắn 5 sao cho ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU). Thầy Đức đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị, cũng như nỗ lực của NTTU?

Tham gia đối sánh theo nhóm ứng dụng của UPM, NTTU được đánh giá tổng thể ở mức 5 sao. Trường đã có nhiều hoạt động cải tiến chất lượng phù hợp với phân khúc thị trường giáo dục của mình. Trường cũng thể hiện chăm lo đầu tư các trung tâm, nhóm nghiên cứu. Chỉ tính riêng công bố nội lực, chỉ số nghiên cứu của trường cũng đã vượt qua mốc quy định của ĐH định hướng nghiên cứu. Nhân đây cũng khích lệ, các nghiên cứu trong lĩnh vực y dược và môi trường của trường có chỉ số trích dẫn rất cao, tầm ảnh hưởng rất lớn. Theo thế mạnh này, trường đã thiết kế các hoạt động phục vụ cộng đồng tương đối hiệu quả.

Còn GS-TS Nguyễn Lộc nghĩ sao về thành tích này của NTTU?

GS-TS Nguyễn Lộc: Kết quả đánh giá của UPM cho thấy NTTU đang “chinh phục” một chiến lược quản trị chất lượng và thương hiệu rất chủ động. Cam kết đảm bảo chính sách thực học - thực hành - thực danh - thực nghiệp với tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo rất năng động. Các chỉ số về mức độ hài lòng của người học, việc làm của SV, công bố quốc tế cũng rất khả quan.

Thành tích này đem lại lợi ích gì cho nhà trường và SV, thưa thầy Đức?

GS-TS Nguyễn Hữu Đức: Việc gắn sao UPM như một “gương soi” giúp các trường đối sánh, kiểm tra mình đang ở mức nào; tiêu chuẩn nào mạnh, lĩnh vực nào còn bất cập. UPM là công cụ quản trị chiến lược và thương hiệu của nhà trường đồng thời cũng là phương thức “ba công khai” tin cậy, minh bạch trước xã hội lẫn người học vì được kiểm chứng bởi bên thứ ba. Đặc biệt là qua gắn sao cho Chương trình đào tạo (CTĐT), UPM có thể giúp SV chọn trường, chọn ngành học phù hợp, chất lượng. Vĩ mô hơn, UPM còn có thể là “túi khôn” tư vấn chính sách cho các trường và cả các bộ, ngành…

“Bộ tiêu chuẩn QS và UPM đều có các tiêu chí phản ánh chất lượng như kết quả kiểm định CTĐT, tỷ lệ SV có việc làm, Nghiên cứu khoa học (NCKH), cơ sở vật chất… NTTU tham gia gắn sao theo QS từ 2016 với kết quả từ 3 sao dần đạt 4 sao vào 2019 và lần tái kiểm định 2022. Còn với UPM thì tham gia vào năm 2020 với kết quả đạt 4 sao, lần tái gắn sao năm 2022 đạt 5 sao với kết quả đánh giá cũng tăng đồng đều các tiêu chuẩn: chiến lược, đào tạo, NCKH, đổi mới sáng tạo, quốc tế hóa, phục vụ cộng đồng. Điều này đã phần nào phản ánh chất lượng thực tế của NTTU được cải tiến liên tục theo thời gian. Theo chiến lược phát triển đến năm 2035, chúng tôi còn đặt ra mục tiêu tập trung cải tiến toàn diện, chú trọng đến các tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các bên liên quan”.

TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.