Xứ Thanh vẹn nghĩa đồng bào

28/10/2014 09:06 GMT+7

Bến Sầm Sơn (nay là cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) là nơi đón chuyến tàu đầu tiên chở những đồng bào miền Nam ruột thịt ra với miền Bắc, sau hiệp định Genever năm 1954.

Người xứ Thanh luôn nhớ những kỷ niệm đẹp của 60 năm trước - Ảnh: Ngọc Minh
Người xứ Thanh luôn nhớ những kỷ niệm đẹp của 60 năm trước - Ảnh: Ngọc Minh

Ngày 15.10.1954, chuyến tàu đầu tiên đưa đồng bào miền Nam đã cập bến Sầm Sơn. Đồng bào hai miền Nam - Bắc tay bắt mặt mừng, ôm chặt lấy nhau, cùng chung một niềm tin sắt son về ngày đất nước trọn niềm vui.

Thời điểm ấy, ông Trần Trí Trác (77 tuổi, ngụ tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) được phân công phụ trách công tác thanh thiếu niên của địa phương. Ông Trác nhớ lại: “Chúng tôi huy động nhân dân dựng các khu lán trại làm nơi cho đồng bào miền Nam nghỉ tạm khi tàu cập cảng. Dân công ngày đêm mở đường. Thanh niên trai tráng lên rừng nhận luồng, gỗ đóng thành bè mảng, làm cầu cảng dã chiến đón đồng bào. Ai nấy đều háo hức chờ ngày đón đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Theo ông Trác, các huyện đều được phân công chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo; dọn dẹp nhà cửa, tạo điều kiện tốt nhất có thể để đồng bào miền Nam có điều kiện ăn ở, học tập và sinh hoạt bình thường, ngay sau khi đặt chân lên đất Bắc.

Ông Hoàng Bá Nghiên (87 tuổi, ngụ tại xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhớ lại: “Tôi là người Quảng Nam tập kết ra Bắc. Thương chúng tôi không quen với thời tiết lạnh giá, đồng bào xứ Thanh đã nhường những chiếc áo bông, những chiếc giường duy nhất trong nhà. Đêm đêm các mẹ, các bà gom củi đốt lửa để xua đi cái lạnh”.

Nhân dân Thanh Hóa đặc biệt quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng các em học sinh miền Nam. Các em được bố trí ăn ở, học hành trong các ngôi trường mang tên “Trường học sinh miền Nam”. Thầy giáo Đàm Lê Cẩn (87 tuổi, ngụ tại phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn), nguyên giáo viên Trường học sinh miền Nam số 9, kể: “Trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, người dân đói ăn triền miên, nhưng Thanh Hóa đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để các em có ngày ba bữa ăn. Nhiều đêm, chúng tôi phải thay nhau ngủ cùng với các em, rồi ôm ấp vỗ về, kể chuyện để các em khuây đi nỗi nhớ nhà”.

Kể từ ngày ấy, bến Sầm Sơn đã nhiều lần đón các chuyến tàu chở đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Tính từ ngày 15.10.1954 đến 1.5.1955, Thanh Hóa đã đón tiếp và chăm sóc cho 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người con của miền Nam đã quyết định gắn bó cuộc sống lâu dài với mảnh đất và con người xứ Thanh. Ông Hoàng Bá Nghiên quê ở Quảng Nam là một trong số đó. Sau khi đến xứ Thanh, ông tiếp tục lên đường thực hiện các nhiệm vụ ở khắp các tỉnh miền Bắc, rồi trở lại miền Nam chiến đấu. Do bén duyên với người thôn nữ xứ Thanh, ông đã quay lại mảnh đất này và quyết định “ở rể” từ bấy đến nay. “Sống ở xứ Thanh, tôi luôn thấy như sống trên chính nơi chôn rau cắt rốn của mình”, ông Nghiên tâm sự.

Tối 28.10, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ngay sau đó, tại cảng Lạch Hới sẽ chính thức diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Ngọc Minh

>> Thủ khoa 'kép' xứ Thanh sẽ theo học trường y
>> Mát lòng canh đắng xứ Thanh
>> Chè lam phủ Quảng xứ Thanh
>> Phá một ổ bạc lớn tại miền núi Xứ Thanh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.