Xứ Quảng Nam xưa: Chiêm Động, Cổ Lũy Động - vùng đất đặc biệt

05/07/2022 06:32 GMT+7

Trong bộ sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép về ranh giới phía nam của nước Đại Việt vào thời đầu nhà Hậu Lê như sau:

“Nam giới xưa là nơi nội bạn của châu Bắc cảnh, thuộc bộ Việt Thường. Thời nội thuộc bị Chiêm lấy mất, chia làm Chiêm Chiêm, Chiêm Lũy. Đông và bắc tiếp giáp Thuận Hóa, tây và nam thông với Chiêm Thành. Có 3 lộ phủ, 9 thuộc huyện, 97 làng xã. Đấy là phên dậu thứ 5 về phương Nam” (Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.235).

Núi Phú Thọ (TP.Quảng Ngãi) nơi còn dấu vết thành cổ của người Chăm

L.H.K

Về địa danh Chiêm Động, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Xưa là đất Việt Thường thị; đời Tần thuộc Tượng quận; đời Hán là bờ cõi quận Nhật Nam; đời Đường thuộc Lâm Ấp; đời Tống thuộc Chiêm Thành, là đất châu Lý, thuộc Chiêm Động. Nước ta, đời nhà Trần, năm Hưng Long thứ 14 (1306), bắt đầu đặt châu Hóa; đời Nhuận Hồ, năm Thiệu Thành thứ 2 (1402) lại lấy đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành chia làm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (Chiêm Động nay là tỉnh Quảng Nam, Cổ Lũy nay là tỉnh Quảng Ngãi), đặt An phủ sứ lộ Thăng Hoa để cai trị, dời dân đến đầu nguồn thì đặt trấn Tân Ninh; thời thuộc Minh thì đặt phủ Thăng Hoa, lãnh 4 châu, 11 huyện (châu Thăng lãnh 3 huyện là Lê Giang, Đô Hòa, An Bị; châu Hoa lãnh 3 huyện Vạn An, Cụ Hi, Lễ Đễ; châu Tư lãnh 2 huyện Từ Bình, Bạch Mã; châu Nghĩa lãnh 3 huyện Nghĩa Thuần, Nga Bôi và Khê Cẩm) song sổ sách chỉ chép tên không, thực ra thì đất vẫn bị người Chiêm Thành chiếm cứ. Đầu triều Lê làm đất “Ky my”(*) gọi là Nam Giới (Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép rằng: “Tiên Nữ, Phú, Hà duy Nam Giới”, sách ấy lại chua rằng: “Tiên Nữ là tên núi, Phú, Hà là tên hai cửa biển”. Những địa điểm này nay không khảo được)…” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển VIII, bản dịch Phạm Trọng Điềm, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tập II, tr.332).

Như vậy Chiêm Chiêm (theo Dư địa chí) hay Chiêm Động (theo Đại Nam nhất thống chí) là vùng đất từng nằm trong đất vương quốc Chăm, nay đại bộ phận là đất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Nói “đại bộ phận” vì vùng đất nằm ở phía bắc sông Chợ Củi (nay là H.Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam và toàn bộ TP.Đà Nẵng) đã thuộc về châu Hóa từ thời nhà Trần, sau cuộc hôn nhân của vua Chăm là Chế Mân và công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt vào năm 1306. Năm 1307, hai châu Ô và Lý được đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu. Vùng đất Điện Bàn thuộc phần đất phía nam của Hóa Châu.

Năm 1435, địa danh Điện Bàn được Nguyễn Trãi ghi vào Dư địa chí gồm 95 xã thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa. Năm 1471, đạo thừa tuyên Quảng Nam thành lập, đến năm 1520, lại đổi thành trấn Quảng Nam. Điện Bàn bấy giờ là còn là một huyện thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa.

Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi trấn Quảng Nam thành dinh Quảng Nam. Năm 1604, tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng lên thành phủ và nhập về Quảng Nam. Từ thời điểm này phần phía nam của châu Hóa nằm ở phía bắc sông Chợ Củi mới được nhập vào địa phận dinh Quảng Nam.

Về địa danh Cổ Lũy Động, Đại Nam nhất thống chí chép: “Xưa là đất Việt Thường thị; đời Tần thuộc Tượng quận; đời Hán là bờ cõi quận Nhật Nam; đời Đường thuộc Lâm Ấp; đời Tống là đất Cổ Lũy của Chiêm Thành. Nhà Nhuận Hồ nước ta lấy đất này đặt 2 châu Tư và Nghĩa; thời thuộc Minh, đất này thuộc phủ Thăng Hoa, nhưng đất vẫn bị Chiêm Thành chiếm cứ; đầu đời Lê gọi là Nam Giới, cũng là đất Ky my. Đời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm lấy lại đất này, đặt làm phủ Tư Nghĩa, lãnh 3 huyện (Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Hoa) lệ vào Quảng Nam thừa tuyên. Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế trấn giữ Thuận Quảng, năm Nhâm Dần thứ 45 (Lê Hoằng Định năm thứ 3 - 1602) đổi phủ Tư Nghĩa làm phủ Quảng Nghĩa, đặt chức tuần phủ và khám lý, vẫn lệ vào Quảng Nam. Đời Tây Sơn đổi làm phủ Hòa Nghĩa; năm Tân Dậu (1801), Thế tổ Cao Hoàng đế đánh dẹp Tây Sơn thu lại đất này, đổi làm dinh Hòa Nghĩa, đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục. Năm Gia Long thứ 7 đổi làm trấn; năm Minh Mệnh thứ 8 lại đổi cai bạ và ký lục làm hiệp trấn và tham hiệp; năm thứ 10 đổi trấn làm tỉnh, gọi là tỉnh Quảng Nghĩa (Ngãi), đặt 2 ty bố chánh và án sát, do Tuần phủ Nam Ngãi lãnh cả; năm thứ 15 lại gọi tỉnh Nam Trực; năm Thiệu Trị thứ 7, đặt tuần phủ Quảng Ngãi, và đổi đặt tổng đốc Nam Ngãi. Nay lãnh 1 phủ, 3 huyện (Đại Nam nhất thống chí, quyển VIII, sđd, tập II, tr.402).

Nhìn lại tiến trình lịch sử VN, không khó để nhận ra Chiêm Động và Cổ Lũy Động là vùng đất giữ vị trí đặc biệt trong lịch sử hình thành quốc gia VN hiện đại, đa dân tộc, đa văn hóa, có địa bàn lãnh thổ từ Lạng Sơn phía bắc đến Cà Mau phía nam; từ Trường Sơn phía tây, đến Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở phía đông. Ở đây, trên mặt đất và dưới lòng đất còn giữ lại nhiều di chỉ văn hóa Chăm mà nay được xem như là những di sản văn hóa quý báu của đất nước ta và của cả loài người.

(còn tiếp)

(*) Đất ky my: còn gọi là cơ my, là vùng đất nằm ở biên giới, có trong bản đồ, nhưng thực tế chính quyền không quản lý được.

Xứ Quảng Nam xưa

Cư dân Chăm trên đất Quảng Nam xưa

Cư dân Sa Huỳnh trên đất Quảng Nam xưa

Xứ Quảng Nam xưa ở đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.