Xử phạt cũng ‘nhìn’ người?

28/12/2017 04:49 GMT+7

Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa xử phạt hành chính một cá nhân 600 triệu và buộc phải nộp lại số tiền khoảng 9,3 tỉ đồng thu lợi từ việc thao túng cổ phiếu.

Xung quanh quyết định xử phạt này có một số vấn đề được đặt ra.

Thứ nhất như nói ở trên, ngoài tiền phạt, cá nhân nói trên phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp, tổng cộng gần 10 tỉ đồng. Thế nhưng, mới tháng trước thôi, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC, đã thực hiện một vụ bán chui khổng lồ, tới 57 triệu cổ phiếu (CP) FLC. Theo tính toán phi vụ này có thể mang lại cho ông Quyết 400 tỉ đồng tính theo giá trị thị trường. Vậy mà số tiền ông Quyết bị phạt chỉ vỏn vẹn 65 triệu đồng.
Đáng nói là cùng thời điểm với ông Quyết bị xử phạt, bà Lưu Hải Anh, kế toán trưởng của Công ty CP tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG), cũng đã bị xử phạt 450 triệu đồng vì đã bán chui 5.400 CP SKG trước khi công ty này công bố thông tin bị xử phạt thuế. Hành vi này giúp bà Hải Anh thu về khoản lợi nhuận 85 triệu đồng.
Nhìn vào 3 mức phạt trên sẽ thấy, người thu lợi nhiều nhất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư lớn nhất lại bị phạt nhẹ nhất. Đó là chưa kể, ông Quyết cũng không bị buộc phải hoàn trả số tiền thu lợi bất chính này dù rất nhiều bằng chứng, tổ chức đã chứng minh số tiền mà ông Quyết bỏ túi sau phi vụ bán chui này. Phải chăng xử phạt cũng phải “nhìn” người hay có vấn đề gì sau đó?

Thứ hai, mức xử phạt nói chung đều quá nhẹ so với số lợi thu được. Điển hình nhất là vụ ông Trịnh Văn Quyết bán chui ước tính thu 400 tỉ đồng phạt 65 triệu. “Phạt như gãi ngứa” là lý do ngày càng xảy ra nhiều vụ thao túng, bán chui CP. Nhưng những hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư chân chính, nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, kênh huy động vốn mà Chính phủ đang thúc đẩy để chia sẻ gánh nặng vốn với hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, việc xác định vi phạm của hầu hết các vụ trên đều quy về thao túng, bán chui, làm giá... và chỉ xử phạt hành chính. Trong khi thực tế, rất nhiều vụ là gian lận, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Với vụ ông Trịnh Văn Quyết, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (Vafi) chỉ rõ xử phạt như trên không chỉ là quá nhẹ và chưa đúng với bản chất hành vi vi phạm. Vafi đã gửi đơn đến Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị xem xét mức phạt và cả người ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời và các vụ thao túng, làm giá, trục lợi từ chứng khoán vẫn diễn ra với mức độ trầm trọng hơn.
Một chế tài nghiêm minh, công bằng là những điều mà cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện để hạn chế tối đa nạn thao túng, làm giá CP. Còn đối với những CP mà chính người đứng đầu công ty đó gian lận, làm giá, bán chui... để trục lợi thì tốt hơn hết, nhà đầu tư hãy tẩy chay chính CP đó để bảo vệ hầu bao của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.