Xử lý như... không

Hiền Lương
Hiền Lương
09/06/2022 04:18 GMT+7

Nhiều tỉnh ở Tây nguyên để mất rất nhiều rừng, đất rừng tự nhiên nhưng rất ít đơn vị, cá nhân bị xử lý trách nhiệm liên quan. Thậm chí, có tỉnh “nói không” với việc này dù có đơn vị để mất hơn 2.000 ha rừng .

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân công tác tại Hạt Kiểm lâm H.Đắk Glong liên quan đến vụ làm mất hơn 2.000 ha rừng.

Trước đó, năm 2003 UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) giao 3.280 ha đất, rừng (vị trí thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao (H.Đắk Nông, Đắk Lắk), nay là xã Đắk Som, H.Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), cho một đơn vị thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp VN. Thế nhưng, khi được giao, đơn vị này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý bảo vệ rừng, để mất rừng và đất rừng với tổng diện tích hơn 2.000 ha.

Trách nhiệm để mất rừng được ngành thanh tra Đắk Nông chỉ ra thuộc về đơn vị được giao rừng, nhưng quan trọng nhất chính là trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn từ 2005 - 2020, trong đó phải kể đến các Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Đắk G’long qua các thời kỳ; Chủ tịch UBND xã Đắk Som qua các thời kỳ từ 2003 - 2020... Sau khi có kết luận trên, dư luận trông chờ một kết quả xử lý nghiêm minh của các ngành chức năng địa phương để hy vọng những cánh rừng còn lại thôi “chảy máu”.

Theo báo cáo, có 11 cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhân viên thuộc Hạt Kiểm lâm H.Đắk Glong có các vi phạm khi để mất rừng. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đề nghị không thi hành hình thức kỷ luật những cá nhân trên. Nguyên do đơn vị này nêu là vì những người này đều đã chuyển công tác, nghỉ hưu, đã qua đời...; việc này cũng đã hết thời hiệu xử lý theo Nghị định (112) của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Dư luận hoài nghi, việc để mất rất nhiều rừng và dù đã có kết luận khá lâu nhưng tại sao không xử lý sớm mà kéo dài. Phải chăng có sự cố tình trì hoãn để “qua tour” nghị định hòng “hóa giải” trách nhiệm?

Mới đây, ngày 7.6, H.Đắk Glong tổ chức cưỡng chế 133 trường hợp vi phạm lâm luật với diện tích 35,41 ha. Diện tích này trong tổng số hơn 162 ha đất rừng được tỉnh Đắk Nông giao cho một doanh nghiệp (DN) do chính vợ của một nguyên lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đứng tên. Cũng như nhiều DN khác, DN này cũng để mất rừng và vừa bị thu hồi dự án sau khi để mất hơn 35 ha do nạn lấn chiếm trái phép. Khi rừng bị mất, chính quyền lại huy động lực lượng và một khoản tiền không nhỏ để cưỡng chế mong thu hồi lại rừng đã mất, còn trách nhiệm để mất rừng chưa được nhắc đến dù kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra. Nhà nước mất rừng, nay mất thêm tiền xử lý hậu quả (?!).

Tại tỉnh Đắk Nông, không chỉ có một mà rất nhiều vụ việc các đơn vị, DN được giao rừng nhưng để mất rừng chưa được xử lý. Nhưng với cách “xử lý trách nhiệm” như 2 vụ để mất hàng ngàn héc ta rừng kể trên, cho thấy việc giữ rừng không nghiêm từ cách điều hành cho đến thực thi pháp luật khi sự vụ xảy ra. Vậy nên, rừng vẫn chảy máu!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.